Người dân tố bị lừa tiền đáo hạn ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Người dân tin tưởng đưa tiền để N. đáo hạn ngân hàng và làm thủ tục vay lại.

Căn nhà của vợ chồng anh A Răng vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum hỗ trợ xây dựng.
Căn nhà của vợ chồng anh A Răng vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum hỗ trợ xây dựng.

Thế nhưng nợ ngân hàng chưa trả, tiền cũng chẳng lấy lại được, bà con phải vay mượn thêm để trả nợ.

Con cái phải dừng học vì nợ nần

2 tháng qua, chị Y Thai (38 tuổi, thôn Đăk Phía, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) chẳng thể yên giấc khi số tiền 50 triệu đồng của gia đình bị chiếm đoạt.

Chị Thai kể, để phát triển kinh tế gia đình, vào năm 2020 vợ chồng chị vay mượn ngân hàng 100 triệu đồng để mua máy tưới nước và lo cho các con ăn học. Năm 2021, gia đình chị mượn tiền để đáo hạn ngân hàng rồi tiếp tục vay lại. Đến tháng 6 vừa qua, vợ chồng chị Thai có nhờ em trai để tìm người làm “dịch vụ đáo hạn” ngân hàng.

Ít ngày sau, H.P.N đã liên hệ và giới thiệu là nhân viên ngân hàng gia đình chị đã vay và có quen thân với Giám đốc. Đồng thời người này nói vợ chồng chị Thai đưa tiền để làm thủ tục đáo hạn.

“Khi đó, gia đình mình vay mượn mãi mới được 50 triệu đồng nên vẫn còn thiếu một nửa. Người tên N. nói mang tiền xuống TP Kon Tum để làm thủ tục, số tiền 50 triệu đồng còn thiếu N. sẽ cho mượn để đáo hạn ngân hàng. Do trước đây em trai của chồng cũng đã được N. làm thủ tục vay vốn nên gia đình tin tưởng đưa tiền cho người này”, chị Y Thai chia sẻ.

Sau khi đưa 50 triệu đồng cho N. ít ngày sau người này gọi điện nói 2 vợ chồng đến trụ sở ngân hàng lấy sổ đỏ. Tuy nhiên, khi vợ chồng chị Thai xuống đến nơi và liên hệ lại thì N. liên tục lấy cớ bận đi công việc.

Nghi ngờ bị lừa đảo nên vợ chồng chị Thai vào ngân hàng hỏi thì tá hoả khi biết N. đã nghỉ việc từ lâu và khoản vay 100 triệu đồng đã trễ hạn. Ngay sau đó, vợ chồng chị Thai đã đến Công an TP Kon Tum để tố cáo hành vi của N.

“Để đáo hạn ngân hàng, vợ chồng tôi phải chạy vạy khắp nơi vay mượn thêm 100 triệu đồng rồi làm thủ tục vay lại. Gia đình bỗng dưng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Người con vừa học xong lớp 12 cũng phải tạm dừng, vài năm nữa nếu có tiền tôi sẽ cho con đi học tiếp. Chứ hiện tại gia đình tôi phải làm để trả nợ và nuôi 6 miệng ăn. Tôi mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra và yêu cầu N. trả tiền để gia đình tôi trả nợ”, chị Y Thai tâm sự.

Làm đơn tố cáo

Chị Y Thai thất thần vì bị lừa mất số tiền 50 triệu đồng.

Chị Y Thai thất thần vì bị lừa mất số tiền 50 triệu đồng.

Tương tự, vợ chồng anh A Răng (31 tuổi, thôn Đăk Duông, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) là hộ nghèo tại địa phương. Căn nhà mà vợ chồng anh ở vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum hỗ trợ xây dựng.

Anh A Răng kể, năm 2019 vợ chồng anh có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay số tiền 100 triệu đồng cũng của ngân hàng mà gia đình chị Thai đã vay.

Tháng 6 hàng năm vợ chồng anh đều được cán bộ ngân hàng này nhắc nhở khi đến hạn trả nợ và hướng dẫn làm thủ tục vay lại.

Giữa tháng 6/2022, gia đình anh A Răng xoay xở đủ tiền trả nợ ngân hàng nên cũng liên hệ N. hỏi thủ tục. Vì vào năm 2021 N. là người làm thủ tục đảo sổ và cho gia đình vay lại. Ngay sau đó, ông N. đã đến nhà anh A Răng để lấy số tiền 100 triệu đồng làm giúp thủ tục.

Sau khi đưa tiền, anh A Răng đề nghị viết giấy nhưng ông N. cho rằng bản thân giúp đỡ gia đình nên không đồng ý. Theo anh A Răng, vào thời điểm đưa - nhận tiền thì có 2 người hàng xóm chứng kiến. Đến ngày hẹn lấy bìa đỏ, gia đình A Răng xuống ngân hàng thì hay tin ông N. đã nghỉ việc được nửa năm nay. Nhận thấy bản thân bị lừa, gia đình anh A Răng đã làm đơn tố cáo gửi Công an TP Kon Tum.

“100 triệu đồng mà nhà tôi gom góp để trả nợ là số tiền bán 6 sào đất rẫy. Vừa qua, bên mặt trận cho gia đình 25 triệu đồng, tôi vay mượn thêm 70 triệu đồng để xây dựng căn nhà che mưa, che nắng. Giờ đây tiền đưa ông N. đáo hạn chưa lấy lại được, rẫy cũng chẳng còn, gia đình không biết xoay xở ra sao”, anh A Răng chia sẻ.

Để có thông tin khách quan, Báo GD&TĐ đã liên hệ qua điện thoại với ông H.P.N - người bị tố cáo. Tuy nhiên, ông N. chỉ trả lời: “Sự việc chưa hẳn như vậy đâu. Anh đang bận, sẽ liên hệ lại sau”, rồi tắt máy.

Trước sự việc trên, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng này đã ký Công văn thông báo đến quý khách hàng về việc ngân hàng đã chấm dứt hợp đồng lao động với ông H.P.N.

Theo công văn, N. mạo danh hiện đang làm Chuyên viên quan hệ khách hàng của ngân hàng để lấy tiền trực tiếp từ các khách hàng, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, hình ảnh và công tác kinh doanh ngân hàng tại địa bàn Kon Tum.

“H.P.N. thông báo với các khách hàng mà trước đây người này quản lý với nội dung: Hồ sơ khách hàng đã đến hạn và thu tiền gốc, lãi. Tuy nhiên, người này không nộp vào ngân hàng”, Công văn nêu rõ.

Theo vị lãnh đạo này thì ông N. thuộc phòng giao dịch Đăk Hà đã nghỉ việc từ lâu, không còn liên quan đến ngân hàng. Tuy nhiên, do có liên quan đến khách hàng của ngân hàng nên đơn vị hướng dẫn khách hàng làm đơn thư tố giác để bảo vệ quyền lợi.

Liên quan đến vấn đề này, Công an TP Kon Tum đã tiếp nhận 4 đơn thư tố giác của 4 bị hại đều là người DTTS với tổng số tiền 197 triệu đồng. Hiện đơn vị này đang thụ lý và tiến hành điều tra, xác minh và nếu có hành vi phạm tội, đủ chứng cứ chứng minh yếu tố cấu thành phạm tội thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.