Từ quá khứ đau buồn...
Ba ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc “cách ly toàn xã hội”, bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vắng tanh. Hầu như không một bóng người đi lại. Mọi người đều có ý thức tự cách ly tại nhà.
Do có hẹn trước nên ông Tòng Trung Tiến ngồi đợi tôi từ sáng sớm. Bên ly trà nóng hổi mới rót, ông Tiến nhấp từng ngụm, đưa tôi trở về câu chuyện của 66 năm về trước.
Ông Tiến nghe người lớn kể lại rằng, năm 1953, ngay sau khi nhảy dù xuống chiếm đóng Ðiện Biên Phủ, thực dân Pháp đã cho quân càn quét, dồn dân vào các trại tập trung. Noong Nhai là trại tập trung lớn nhất với khoảng trên 3.000 người. Bọn thực dân từng toán lùng sục vào các bản để bắt trâu, bò, lợn, gà của dân. Chúng cho xe húc đổ các ngôi nhà lấy cột về làm hầm hào công sự.
Chúng muốn tách người dân khỏi Việt Minh, đồng thời lấy họ làm bia đỡ đạn khi cuộc chiến nổ ra. Cánh đồng Mường Thanh lúc bấy giờ nham nhở các lô cốt, hầm hào của quân giặc.
Khoảng 14 giờ ngày 25/4/1954, nhiều tốp máy bay Pháp nghiêng lượn trên bầu trời rồi giội bom thẳng xuống lán trại tập trung Noong Nhai. Chỉ trong chốc lát, 444 người dân vô tội (hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em) bị thiệt mạng.
Về sau, chính ông Tiến là người đã phác họa lên bức tượng đặt tại khu di tích lịch sử Noong Nhai ngày nay và là người cùng với đoàn cán bộ xã về gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để xin chủ trương xây dựng tượng đài.
“Lúc đó, tôi là người đầu tiên phác họa bức tượng đài ngày nay. Tôi đề xuất, tượng đài phải mang đặc trưng của vùng. Đó là hình ảnh người phụ nữ dân tộc Thái bế con chạy bom đạn. Rồi những năm 1993 - 1994, chính tôi đã cùng đoàn cán bộ xã lúc bấy giờ về gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để xin chủ trương. Thủ tướng phê duyệt rồi giao cho Bộ Văn hóa làm”, ông Tiến chia sẻ.
Cũng bởi hiểu thấu được sự mất mát, hy sinh nên ông Tiến đã trằn trọc suốt nhiều đêm để hình thành ý tưởng kêu gọi người dân địa phương chung tay đẩy lùi Covid-19.
“Đêm nằm chẳng ngủ được. Theo dõi thông tin trên báo chí, tôi thấy nhiều người bị lây nhiễm virus, nhiều người chết quá. Thực sự là sợ chết chóc hàng loạt lắm rồi!”.
“Xóm tôi rất cần bình an”
Những ngày này, con đường nhỏ dẫn vào bản Noong Nhai khá đặc biệt. Nó được tô điểm bởi loạt băng rôn “chế tác” từ những tờ lịch cũ, bìa giấy với những lời kêu gọi chống dịch chân thành. Chẳng ai mách nước, ông Tiến tự nghĩ ra những khẩu hiệu hết sức mộc mạc như: “Không có việc cần thiết, xin đừng vào xóm chúng tôi”, hay như “Vui lòng dừng lại và quay ra, nếu là người ngoài - Xóm tôi rất cần bình an”…
Ngày ngày, ông Tiến say sưa gửi hồn theo từng nét chữ. Bên bút, bên mực, trước mặt người đàn ông nhỏ nhắn là chồng giấy bạt được cắt gọn gàng theo nhiều kích cỡ, mà như lời ông bảo “cắt như thế sẽ tiết kiệm và được nhiều hơn”!
“Tất cả vật liệu tôi đều tự nhặt nhạnh, tận dụng tại gia đình đấy chứ. Bây giờ dịch bệnh phức tạp như thế này, nếu đi ra ngoài thuê cắt dán chữ thì lại phải tiếp xúc với người ta. Mà nếu muốn đi cắt thì cũng chẳng có tiền để mà cắt. Nên tôi ở nhà tự làm rồi treo lên cho vui và biết đâu lại góp phần nâng cao ý thức cho người dân (?)”, ông Tiến chia sẻ.
Hơn một tháng nay, ngày nào ông Tiến cũng xem tivi, nghe đài, đọc báo. Thấy các kênh truyền thông đưa tin nơi này có người mới nhiễm bệnh, nơi kia có người nghi nhiễm, rồi cả số người thiệt mạng vì Covid-19 trên thế giới, ông Tiến lại muốn được góp sức làm việc gì đó có ích cho cộng đồng.
“Sau khi nghe thông điệp của Thủ tướng gửi đến toàn dân: “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”, tôi đã nghĩ được việc mình sẽ làm. Bởi từ thông điệp của Thủ tướng, tôi hiểu điều cần thiết để phòng dịch lúc này là người dân hạn chế ra đường, không tụ tập đông người và không đi từ nơi này đến nơi kia. Cứ như thế, suy nghĩ nối tiếp suy nghĩ khiến tôi bắt tay vào việc: Cắt, viết rồi tự tay đi dán ở đầu ngõ. Thấy vui vui nên làm một cái, hai cái, rồi 3, 4 cái. Cứ thế tôi miệt mài làm thôi”, ông Tiến kể tiếp.
Đọc một lượt dòng chữ trên tấm băng-rôn: “Xin thông cảm, từ nay đến 20/4, không có việc cần thiết xin đừng vào xóm chúng tôi! Chúng tôi cũng sẽ làm như vậy. Cảm ơn!”, ông Tiến giải thích thêm: “Hơi dài dòng là bởi bà con trong xóm chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, không phải ai cũng biết thời gian cách ly toàn xã hội nên viết dài để giải thích luôn cho bà con. Còn với khẩu hiệu: “Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đeo khẩu trang” dù bà con nghe nhiều rồi nhưng tôi vẫn muốn viết lại để nhắc nhở”.
Từ một hành động nhỏ của ông Tiến những ngày qua đã mang sức lan tỏa lớn lao. Đã có một số nơi tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm, trở về áp dụng tại địa phương mình.
Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: Mỗi năm xã được phân bổ 40 triệu đồng phục vụ cho phong trào văn hóa, văn nghệ. Trong đợt chống dịch này, xã không thể cân đối được cho công tác tuyên truyền.
Bởi thế, những hành động nhỏ như của ông Tiến mà lại có sức lan tỏa rộng lớn đã góp phần giảm áp lực cho nguồn kinh phí vốn eo hẹp. Điều quan trọng hơn là đã tạo được hiệu ứng xã hội, giúp đồng bào vùng cao nghèo nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chung tay cùng cả nước chống lại đại dịch đang hoành hành.