Người đàn ông nguy kịch vì dùng ong châm để chữa đái tháo đường

GD&TĐ - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận ca bệnh bị tiểu đường biến chứng, nhiễm trùng da với nhiều vết mưng mủ do dùng ong châm để điều trị.

Bệnh nhân bị nhiễm trùng da, với nhiều vết mưng mủ vùng bụng và hai chân do ong châm. (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhân bị nhiễm trùng da, với nhiều vết mưng mủ vùng bụng và hai chân do ong châm. (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhân N.T.H. (49 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đường máu cao, phù hai chân và có nhiều vết mụn mủ ở vùng bụng và cẳng hai chân.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân mắc đái tháo đường đa biến chứng, bị thoái hóa cột sống đi lại khó khăn. Khoảng 1 tháng trước, khi được mách dùng ong châm để điều trị giảm đau, người nhà bệnh nhân đã mời thầy lang đến dùng phương pháp ong châm để giúp giảm đau chân tay. Tuy nhiên, tình trạng đau nhức chân tay, đi lại khó khăn vẫn không giảm.

Gần đây, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên đã đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Trên thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được yêu cầu nhập viện do đường máu cao, nhiễm trùng da, với nhiều vết mưng mủ vùng bụng và hai chân do ong châm.

Theo các bác sĩ, trên nền bệnh nhân đái tháo đường quản lý đường máu không tốt, khi nhập viện đường máu cao thì nguy cơ nhiễm trùng, lâu lành vết thương, thậm chí hoại tử các vùng mưng mủ do ong châm rất dễ xảy ra.

Các bác sĩ khuyến cáo, đái tháo đường là bệnh mạn tính dễ gây tâm lý nản với một số bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh có nhiều hậu quả và biến chứng nên cần điều trị và theo dõi chặt chẽ lâu dài về y học hiện đại, kết hợp với tuân thủ về chế độ ăn uống, vận động và dùng thuốc.

Người dân cần cảnh giác và tránh xa các lời quảng cáo, chào mời từ những loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thuốc không đảm bảo về nguồn gốc (không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế) hay biện pháp tiêu cực không được khoa học chứng minh.

Bác sĩ Nguyễn Công Bình, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nội tiết Trung ương - nhấn mạnh: “Hiện tại, vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân thiếu quan tâm đến sức khỏe của mình, cũng như không có nhiều điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin chính xác, uy tín. Bệnh đái tháo đường hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh nhân đôi khi mang tâm lý lo lắng”.

Theo chuyên gia này, một số cơ sở hiện nay hứa hẹn việc dùng các loại thuốc khác nhau hay bài thuốc cổ truyền giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Điều đó khiến nhiều người tin và làm theo.

Do đó, người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn, cũng như cho lời khuyên phù hợp. Tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.