Người đàn ông được ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới đã qua đời

GD&TĐ - Sau 2 tháng phẫu thuật thành công, Trung tâm Y tế Đại học Maryland cho biết ông David Bennett, người đầu tiên được cấy ghép tim lợn trên thế giới, đã qua đời hôm 9/3.

Các bác sĩ phẫu thuật thực hiện cấy ghép tim từ một con lợn biến đổi gen cho bệnh nhân David Bennett. Ảnh: Trường Y Đại học Maryland.
Các bác sĩ phẫu thuật thực hiện cấy ghép tim từ một con lợn biến đổi gen cho bệnh nhân David Bennett. Ảnh: Trường Y Đại học Maryland.

The Guardian dẫn thông báo từ Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ) cho biết, người đàn ông đầu tiên được cấy ghép quả tim lợn đã qua chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới đã qua đời chỉ 2 tháng sau cuộc phẫu thuật đầy đột phá.

Các bác sĩ cho hay tình trạng của David Bennett bắt đầu chuyển xấu đi vài ngày trước đó, mặc dù nguyên nhân cái chết vẫn chưa được biết rõ.

Bennett, 57 tuổi, đã trải qua ca phẫu thuật cấy ghép tim vào ngày 7/1 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tim giai đoạn cuối. Theo đó, gia đình Bennett đã đồng ý để các bác sĩ cấy ghép tim lợn cho ông, một sự lựa chọn đầy mạo hiểm, vì đó là “sự lựa chọn cuối cùng” để cứu sống Bennett.

“Việc ca cấy ghép nội tạng động vật đầu tiên này thành công đã chứng minh rằng trái tim của những loài động vật biến đổi gen có thể hoạt động giống như trái tim người mà không bị cơ thể đào thải ngay lập tức” - các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland nhận định.

Các nhà khoa học kỳ vọng những quy trình thế này sẽ mở ra kỷ nguyên mới của y học trong tương lai, giải quyết tình trạng thiếu hụt tạng hiến cho hơn nửa triệu người Mỹ.

Ban đầu, Bennett đã có những tín hiệu cho thấy sự “phục hồi kỳ diệu” khi ông có thể ngồi dậy, tự đứng, hát và nói chuyện bình thường sau 5 tuần phẫu thuật.

"Tim hoạt động rất tốt. Các bác sĩ đang cố gắng tìm ra bất cứ vấn đề bất thường nào, nhưng họ không thấy điều gì cả. Trái tim đang đập mạnh mẽ như bình thường, không hề có dấu hiệu thải ghép" - Giáo sư Muhammad M. Mohiuddin, người phẫu thuật chính cho ông Bennett - Giám đốc Chương trình Cấy ghép Xenot Tim mạch tại Trường Y Đại học Maryland cho biết.

Đến ngày 13/2, Bennett đã có thể ngồi trên giường và nhẹ nhàng hát theo ca khúc America the Beautiful khi đang xem giải đấu bóng bầu dục Super Bowl. Theo bác sĩ trị liệu Christine Wells, việc ông Bennett ngồi dậy được là dấu hiệu hồi phục tuyệt vời.

Trái tim được ghép cho ông Bennett là của một con lợn đã được chỉnh sửa gien tới 10 lần. Quá trình chỉnh sửa gien được kiểm soát rất nghiêm ngặt và do Revivicor - một công ty con của tập đoàn công nghệ sinh học United Therapeutics - thực hiện. Các nhà khoa học đã loại bỏ 3 gien có thể gây phản ứng đào thải tạng ghép ở người, đồng thời bất hoạt một gien tăng trưởng nhằm ngăn tim lợn tiếp tục phát triển sau khi cấy ghép.

Các chuyên gia cũng đưa 6 gien người vào bộ gien của lợn (hiến tặng) và chỉnh sửa để chúng có khả năng chống chịu tốt hơn với hệ miễn dịch của con người.

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng một loại thuốc mới do Kiniksa Pharmaceuticals sản xuất và các loại thuốc chống thải tạng ghép thông thường để ức chế hệ miễn dịch và ngăn chặn sự đào thải.

Phẫu thuật ghép tạng từ động vật sang người gọi là Xenotransplantation, có lịch sử lâu đời. Hàng trăm năm trước, nhiều bác sĩ thử nghiệm bơm máu và ghép da động vật cho các bệnh nhân. Nội tạng lợn được coi là phù hợp để cấy ghép cho người vì chúng có kích thước phù hợp.

Ghép tạng từ lợn thuận lợi hơn từ linh trưởng vì nguồn cung dồi dào, dễ nuôi và đạt được kích thước trưởng thành trong 6 tháng. Van tim lợn trước đó đã được cấy ghép cho người. Nhiều bệnh nhân tiểu đường cũng được ghép tuyến tụy từ lợn.

Theo theguardian.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.