Người dân ở Thái Bình thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng

GD&TĐ - Tận dụng thế mạnh có dòng nước ngọt chảy qua sông, nhiều hộ dân ở Thái Bình đầu tư nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khu nuôi cá của gia đình anh Lê Ngọc Quản, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ.
Khu nuôi cá của gia đình anh Lê Ngọc Quản, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ.

Sinh kế từ dòng sông

Anh Nguyễn Văn Tuy, xã Quỳnh Ngọc là một trong những người nuôi cá lồng trên sông Luộc đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ. Với lợi thế có diện tích mặt sông rộng, chất lượng dòng nước tốt, nguồn thức ăn tự nhiên sẵn, nuôi cá lồng trên sông đã mang lại lợi nhuận lớn cho gia đình anh.

Anh Tuy chia sẻ, năm 2013 anh nuôi thử nghiệm 10 lồng cá chủ yếu là các loại cá dễ nuôi như cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi. Sau khi thu được kết quả khả quan, đến nay gia đình anh mạnh dạn đầu tư nuôi 40 lồng với đủ các loại cá như trắm cỏ, cá leo, cá lăng, cá chép giòn...

Theo anh Tuy, cá lồng nuôi trên sông không khác gì sinh trưởng ngoài tự nhiên vì có dòng nước lưu thông liên tục trên sông nên việc nuôi cá lồng không phải lo đến lượng thức ăn thừa và phân cá lưu trong lồng. Thức ăn chủ yếu là các loại cá nhỏ trên sông, rau, cỏ, sinh vật phù du, rong rêu…

Mỗi lồng có thể tích 108 m3 được anh Tuy liên kết bằng các loại thùng phuy nhựa làm phao nổi và neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ đảm bảo khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết.

“Nhờ điều kiện môi trường lý tưởng nên thịt cá lồng dai, ngon và thơm nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, cá đến vụ thu hoạch được thương lái thu mua hết từng đó”, anh Tuy nói.

Mỗi vụ, anh Tuy thu hoạch từ 5-7 tấn cá/lồng. Năm 2023, gia đình anh thu hoạch được gần 40 tấn cá từ 15 lồng cá, trừ chi phí, anh thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Với gia đình anh Lê Ngọc Quản, thôn Bồ Trang 3, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, sau nhiều năm làm đủ nghề song thu nhập không ổn định, năm 2016 anh chuyển sang nuôi cá lồng trên sông Luộc.

Từ 4 lồng cá ban đầu, đến nay anh Quản có 18 lồng cá. Mỗi lồng, anh Quản thả 40-60 con cá giống như: cá lăng, cá diêu hồng, cá trắm, trong đó cá lăng chiếm 60%.

Sau gần 2 năm chăm sóc, trung bình mỗi con cho trọng lượng từ 7-8kg. Với giá bán từ 100.000 -130.000 đồng/kg, anh Quản thu về trên 30 triệu đồng/vụ.

Dù nuôi cá lồng trên sông vốn đầu tư lớn, khoảng 200-300 triệu đồng/tháng nhưng đổi lại nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi trừ chi phí mang lại cho gia đình khoảng 300-400 triệu đồng/năm.

Gỡ khó nghề nuôi cá lồng trên sông

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 654 lồng nuôi cá trên sông với tổng thể tích hơn 72.000 m3 chủ yếu ở các huyện như: huyện Hưng Hà với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ 196 lồng và huyện Vũ Thư hơn 100 lồng.

Các loại cá gồm: Cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm giòn, chép giòn, ngạnh, trắm cỏ... song chủ yếu là cá lăng và diêu hồng, năng suất bình quân đạt 4 tấn/lồng 108 m3, cao nhất đạt khoảng 10 tấn/lồng.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trên sông đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Biến đổi khí hậu gây mưa lũ cục bộ, mực nước sông xuống thấp, thay đổi dòng chảy... ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tính bền vững của nghề.

Nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi cá lồng trên sông.

Nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi cá lồng trên sông.

Gia đình anh Vũ Ngọc Ba, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng cho biết, gia đình anh cũng như nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Luộc luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cố gắng giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

“Thời điểm này, với gần 40 lồng nuôi, gia đình tôi bắt đầu xuất bán một số loại cá nuôi gối vụ đã đạt tiêu chuẩn về kích thước và trọng lượng. Đối với các loại cá kích thước nhỏ, cá mới xuống giống, tôi gia cố lồng, tách thưa số lượng để hạn chế tình trạng thiếu ô-xy”, anh Ba nói.

Cùng với sự chủ động của người nuôi, nhiều địa phương đang tiếp tục khuyến khích các hộ nuôi cá lồng trên sông, trong đó chú trọng hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, để gỡ khó nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương tiếp tục mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định cho nghề nuôi cá lồng phát triển.

Theo quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025 được UBND tỉnh phê duyệt, Thái Bình sẽ phát triển nuôi cá lồng theo chiều dọc của 4 con sông: sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý, tại 28 khu vực thuộc 4 huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ