Người dân miền núi Nghệ An xóa đói giảm nghèo nhờ cây 'trời ban'

GD&TĐ - Sau khi thu hoạch, quả bo bo được người dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bán với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg hạt khô.

Người dân huyện Kỳ Sơn, Nghệ An thu hoạch quả bo bo. (Ảnh: Lữ Phú)
Người dân huyện Kỳ Sơn, Nghệ An thu hoạch quả bo bo. (Ảnh: Lữ Phú)

Rủ nhau vào rừng hái cây “trời ban”

Tháng 8 hàng năm, quả bo bo ở các huyện miền vùng tỉnh Nghệ An bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, bo bo được các thương lái mua giá cao nên người dân tranh thủ những ngày nông nhàn vào rừng kiếm thêm thu nhập.

Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) chuẩn bị các dụng cụ thô sơ như bao tải, gùi, dao và gậy để vào rừng hái bo bo.

Cùng 2 người con gái đi vào rừng cách nhà 2km hái bo bo, chị Moong Thị Vân (SN 1980, trú tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) cho biết đây là công việc thời vụ hằng năm của gia đình chị.

Mỗi lần vào rừng, mẹ con chị Vân lại mang theo cơm và thức ăn. Buổi trưa, chị trải bì tải rồi cùng 2 con ngồi giữa rừng ăn và nghỉ ngơi vài chục phút, sau đó tiếp tục công việc.

Theo chị Vân, trong khu rừng rộng hàng chục ha ở xã Huồi Tụ có nhiều cây bo bo mọc dưới tán cây lấy gỗ. Cây cao khoảng 2m, lá dài 10-40cm, khi hái phải dùng gậy hoặc dao có mỏ neo ngoắc vào cành kéo xuống, chặt lấy đoạn có quả.

Quả bo bo tròn, đường kính khoảng 2-3cm. Người dân thường tách quả ngay rồi bỏ vào gùi tre mang về. Trung bình một ngày, mỗi người hái được 20-30kg.

“Hái bo bo trên cây đơn giản, nhưng khi gùi về nhà vất vả, bởi đường đồi núi dốc và phải di chuyển qua sông suối. Nếu không may trượt chân ngã rất dễ chấn thương, quả cũng đổ hết”, chị Vân nói.

Quả bo bo được thu mua để làm dược liệu. (Ảnh: Phạm Tâm)
Quả bo bo được thu mua để làm dược liệu. (Ảnh: Phạm Tâm)

Trồng 5ha cây bo bo, ông Mùa Bá Chư (SN 1971, trú tại xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn) cho biết, trước đây người dân chủ yếu hái giống quả này mọc dại trong rừng.

Sau khi biết được giá trị kinh tế mà cây bo bo mang lại, người dân đã tận dụng những khoảnh đất dưới tán rừng hoặc đất đồi trọc để trồng và chăm sóc. Từ lúc trồng cây giống đến khi ra trái mất từ 2-3 năm, hết mùa thu hoạch cây già sẽ khô và chồi non phát triển, vòng đời khoảng 6-7 năm.

“Năm nay được mùa, một ha đạt năng suất 30 tạ quả tươi, dự kiến cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng", ông Chư nói.

Phát triển mô hình cây dược liệu

Cây bo bo thuộc họ gừng, tên khoa học là thảo đậu khấu nam. Theo tiếng đồng bào Thái, cây bo bo gọi là Mạc Cà, còn đồng bào Mông gọi là Chi Khầu. Cây mọc tự nhiên dưới các tán là rừng ở các huyện miền núi của Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong…

Sau khi hái, quả bo bo được rửa sạch, cho vào nồi luộc 15-20 phút, sau đó vớt ra để nguội, bóc vỏ lấy hạt. Hạt bo bo sau khi tách vỏ được phơi khô dưới nắng 3-4 ngày.

Những lúc trời mưa hoặc không có nắng, người dân thường sấy khô trên bếp củi. Cứ 10kg quả bo bo tươi sau khi bóc tách, phơi khô được 3-4 kg hạt.

Ngoài thành viên trong gia đình, một số hộ còn thuê người, trả gần 200.000 đồng mỗi ngày công.

Người dân tách vỏ bo bo trước khi bán cho thương lái. (Ảnh: Phạm Tâm)
Người dân tách vỏ bo bo trước khi bán cho thương lái. (Ảnh: Phạm Tâm)

Chị Lô Thị Thanh, thương lái ở huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, mỗi ngày cơ sở của chị thu mua khoảng 5 tạ hạt bo bo khô. Năm nay, quả bo bo tươi có giá 5.000-7.000 đồng/kg, hạt sấy khô 40.000-50.000 đồng/kg.

Ngoài Kỳ Sơn, chị cũng đi mua thu mua quả bo bo ở các huyện khác Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu. Sau gom đủ hàng, chị Thanh chuyển hàng ra Bắc để khách hàng mua làm dược liệu.

Theo UBND huyện Kỳ Sơn, địa phương có hơn 1.100ha cây bo bo, trong đó, diện tích khoanh nuôi bảo vệ 672ha, cây do người dân nhân rộng hơn 250ha. Năm 2022, tổng sản lượng hạt bo bo của huyện đạt 722 tấn, mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Cây bo bo ở Kỳ Sơn phân bố nhiều ở các xã có địa hình cao như Na Ngoi, Tây Sơn, Nậm Càn, Huồi Tụ... Từ năm 2015, chính quyền huyện Kỳ Sơn có đề án trồng và khoanh nuôi, bảo tồn cây bo bo, với diện tích hàng trăm ha.

Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An cũng đưa bo bo vào danh mục quy hoạch trồng, bảo tồn các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là cây xóa đói giảm nghèo của người dân vùng cao Nghệ An.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ