Người dân miền núi làm giàu bằng nghề nuôi ong nội

GD&TĐ - Việc nuôi ong nội lấy mật đã giúp hơn 1.100 hộ dân ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nghề nuôi ong đang mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Vũ Quang. (Ảnh: H.N)
Nghề nuôi ong đang mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Vũ Quang. (Ảnh: H.N)

Hiệu quả kinh tế cao

Là thương binh hạng 4/4, nhưng với phẩm chất của người lính, đặc biệt là tinh thần cần cù lao động, sáng tạo, ông Nguyễn Quang Đài (SN 1963, ở thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) luôn trăn trở hướng làm giàu. Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình, ông Đài đã quyết định đầu tư nuôi ong lấy mật trên mảnh đất quê hương.

Ông Đài cho biết, ông bén duyên với nghề nuôi ong lấy mật đã vài chục năm nay. Ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm, sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao nên ông mạnh dạn nhân giống, tăng đàn, mở rộng quy mô nuôi và xem đây là nghề thu nhập chính của gia đình.

“Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhất là các chương trình dự án đào tạo nghề nuôi ong, tôi đã dành nhiều thời gian, công sức tìm tòi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nuôi ong nội địa. Từ chỗ chỉ nuôi thử nghiệm một số đàn ong dưới tán cây rừng tự nhiên, đến nay gia đình ông Đài đã có trên 100 đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Đài nói

Theo ông Đài, những năm gần đây bình quân gia đình ông thu hoạch khoảng 1,3 tấn mật/năm, xuất bán hàng chục đàn ong giống, thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Ong nuôi dưới tán cây ăn quả, cây rừng tự nhiên, mật luôn có màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

Việc nuôi ong nội đang là mô hình phát triển kinh tế của nhiều người dân ở huyện Vũ Quang. (Ảnh: Văn Chương)

Việc nuôi ong nội đang là mô hình phát triển kinh tế của nhiều người dân ở huyện Vũ Quang. (Ảnh: Văn Chương)

Tương tự, mô hình nuôi ong nội địa của gia đình ông Đậu Khắc Mạnh (SN 1956, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Mạnh cho biết, năm 2010 có chương trình dự án nuôi ong xóa đói giảm nghèo về hỗ trợ cho người dân. Những hộ gia đình đăng ký xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật sẽ được hỗ trợ 4 đàn ong, đồng thời tập huấn kỹ thuật chăm sóc.

“Xã Ân Phú thuộc vùng núi, cây cối tự nhiên nhiều nên sẽ có nhiều thuận lợi để nuôi ong. Do vậy, trong xã có hàng chục hộ dân đăng ký, trong đó có gia đình tôi”, ông Mạnh cho biết.

Từ 4 đàn ong hỗ trợ ban đầu, bằng sự cần cù, chịu khó đến nay gia đình ông Mạnh đã có hơn 100 đàn ong. Ngoài ra, ông còn là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi ong Ân Phú với quy mô hơn 400 đàn.

“Trừ hết các chi phí, mỗi năm nghề nuôi ong lấy mật mang lại cho gia đình nguồn thu hơn 200 triệu đồng. Nuôi ong thực sự là mô hình hiệu quả và đã giúp nhiều gia đình ở xã Ân Phú thoát nghèo”, ông Mạnh cho biết.

Liên kết phát triển

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang cho biết, trước đây, người dân trên địa bàn Vũ Quang chăn nuôi ong theo hình thức nông hộ, chưa hình thành nhiều HTX quy mô lớn; sản phẩm sản xuất chưa kiểm soát được chất lượng, thị trường đầu ra không ổn định.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhãn mác thương hiệu giữa các HTX, THT và hộ nuôi ong chưa đồng nhất gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng, giá cả; liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX, THT với người dân trong sản xuất, cung ứng kỹ thuật, vật tư cũng như bao tiêu sản phẩm còn hạn chế…

Trước thực tế đó, huyện Vũ Quang yêu cầu Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp cần kiện toàn lại bộ máy hoạt động; phối hợp các phòng, ban, ngành thống nhất mẫu mã, nhãn mác cho tất cả sản phẩm mật ong. Ngoài ra, các địa phương cần vận động các hộ nuôi ong vào HTX, THT; có kế hoạch thu mua sản phẩm mật cho các hộ nuôi ong; thống nhất về giá để nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm 2017, Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang được thành lập nhằm kết nối các hộ nuôi với nhau, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu các chính sách, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập.

Sản phẩm mật ong ở Vũ Quang được đăng ký nhãn mác, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. (Ảnh: Văn Chương)

Sản phẩm mật ong ở Vũ Quang được đăng ký nhãn mác, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. (Ảnh: Văn Chương)

Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang hiện có 5 HTX và 1 THT, gồm: HTX Thọ Điền, HTX Đức Lĩnh, HTX Đức Bồng, HTX Đức Giang, HTX Ân Phú và THT thị trấn Vũ Quang.

Hiện nay, toàn huyện Vũ Quang có hơn 1.100 hộ nuôi với hơn 9.000 đàn ong mật. Năm nay, nhờ thời tiết ủng hộ nên các loại cây có tỷ lệ ra hoa cao, tạo ra nguồn mật dồi dào cho đàn ong.

“Ước tính, sản lượng mật thu được trên toàn huyện đến cuối vụ (cuối tháng 7 dương lịch) đạt khoảng hơn 90 tấn, tăng 10 tấn so với năm ngoái. Hiện tại, với giá bán 200 nghìn đồng/lít, người dân Vũ Quang có một vụ mật thắng lợi, tổng số tiền thu về ước đạt khoảng hơn 13 tỉ đồng”, ông Dũng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.

Phương pháp chạy deadline hiệu quả