'Nuôi' ong trong hốc cây

GD&TĐ - Những ngày đầu xuân người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) vào rừng đục hốc trên các thân cây để lũ ong tìm về làm tổ. Khi hạ đến, bà con lại mang theo gùi đựng bao nilon, cây rìu, dao… thu hoạch mật ong rừng.

Anh A Dịp đi kiểm tra những hốc tổ ong của mình.
Anh A Dịp đi kiểm tra những hốc tổ ong của mình.

Mùa lấy mật

Đầu hạ, người dân xã Măng Ri, Ngọc Yêu, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) với hành trang là chiếc gùi đựng bao nilon, cây rìu, dao… phấn khởi hướng về phía những cánh rừng già. Sau mấy tháng đục hốc trên thân cây để ong về làm tổ thì đây là thời gian bà con đón những giọt mật vàng óng.

Những ngày này, ông A Dục (63 tuổi) thức dậy sớm hơn thường lệ. Mang theo bên mình là những dụng cụ để lấy mật, ông A Dục thẳng tiến vào rừng. Đến bìa rừng, ông men theo con suối nhỏ dài chừng 50m rồi dừng lại ở gốc cổ thụ. Khi rìu chạm vào miếng gỗ cài trên miệng hốc cây thì lũ ong hoảng loạn bay tứ phía. Đợi ong bay hết, ông Dục mới đưa tay vào hốc gỡ từng lớp sáp còn lác đác vài con ong thợ bám vào.

“Hốc này cũng không có bao nhiêu mật cả, chỉ được khoảng 2 lít. Mình cố gắng đi thêm những gốc khác xem mật có được nhiều không”, nói rồi ông A Dục tiếp tục tiến sâu vào rừng.

Men theo con đường mòn trong rừng, ông A Dục không quên nhắc nhở: “Có những người khi lấy mật ong thường dùng khói để xua đuổi, tránh bị đốt. Tuy nhiên, khi sử dụng khói thì sau này ong sẽ không vào hốc đó nữa. Chính vì vậy, tuyệt đối khi lấy mật không được đốt lửa hoặc dùng khói”.

Theo ông A Dục, đều đặn cứ vào đầu năm người dân sẽ đi đục hốc để làm tổ đón ong về. Đến tháng 3 - 4, bà con sẽ đi thăm ong rồi tháng 5 - 6 lấy mật.

“Đầu năm nay mình làm được 10 hốc với thêm 40 hốc của những năm trước. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20 đàn ong vào làm tổ nên lượng mật cũng ít hơn so với trước. Ngày còn khoẻ, có mùa mình làm gần 100 bộng, thu 30 - 40 lít. Mấy năm gần đây, tuổi cao, không còn sức leo núi nên mình bán và cho con cái những hốc ở xa, đường khó đi. Thu xong đợt này chắc mình bán hốc hoặc cho các con làm rồi ở nhà chăm cháu và làm lúa thôi. Chứ chẳng còn sức để đi”, ông A Dục tâm sự.

Người dân đục hốc “nuôi” ong sâu trong những cánh rừng.

Người dân đục hốc “nuôi” ong sâu trong những cánh rừng.

Kĩ nghệ đục lỗ nuôi ong rừng

Với kinh nghiệm 10 năm nuôi ong rừng, vào những ngày đầu năm anh A Dịp (31 tuổi, xã Măng Ri) cùng đàn ông trong làng mang rìu, rựa vào rừng chọn những cây già cỗi, khoét hốc rộng và sâu. Hốc tổ ong chừng 3 – 4cm nằm dọc trên gốc cây cao. Sau đó, họ dùng thanh gỗ, bùn đất bịt kín lối hang, chỉ chừa vài lỗ nhỏ cho đàn ong chui vào. Bên trong hốc hoàn toàn trống rỗng, không cần bắt ong chúa để “dụ” như cách nuôi truyền thống.

“Khi đục hốc phải chọn cây mà khi đục vào không chảy nhựa, ướt. Hốc tổ phải ở gần suối và miệng tổ phải ngược theo hướng suối chảy. Hốc tổ ong cũng không được ở trên cao, bởi nếu gió nhiều ong cũng không ở”, anh A Dịp chia sẻ.

Anh A Dịp kể, anh có 15 hốc tổ ong sâu trên 50cm, rộng và cao khoảng 40cm nằm rải rác trong rừng sâu. Gần một nửa số gốc trên anh mua của những người lớn tuổi trong làng với giá từ 500.000 đến một triệu đồng.

“Bên cạnh việc nuôi ong trong hốc mình còn làm nhân viên bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh. Mỗi ngày trên đường đi làm mình tranh thủ ghé thăm mấy hốc ong để xem sắp đến ngày lấy mật chưa. Tuy nhiên, năm nay mất mùa nên chỉ có 7 hốc ong vào làm tổ, còn lại trống không. Vừa rồi mình thu được mấy tổ ong, được khoảng 2 - 3 lít/hốc. Với giá bán 500.000 đồng/lít mình có thể lo toan cuộc sống gia đình và cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Trung bình mỗi vụ thu mật ong gia đình thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng”, anh A Dịp bộc bạch.

Cũng theo anh Dịp, không chỉ anh mà 10 nhân viên tham gia bảo vệ vườn sâm đều có những hốc nuôi ong tại khu vực mình quản lý. Do đó, từ bao đời nay người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi từ rừng già và trồng lúa nước. Trong đó, nghề “nuôi” ong rừng trong hốc cây được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Để tránh nhầm lẫn, trên các hốc đều khắc tên của chủ tổ ong. Từ trước tới nay, chưa từng xảy ra tổ ong bị trộm vì kẻ trộm bị bắt sẽ bị làng phạt trâu, bò...

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, toàn xã có hơn 500 hộ dân và đa số bà con đều có những hốc nuôi ong trên rừng.

Theo ông Trí, người dân chỉ chọn những cây mục rỗng từ trước. Sau đó đục mở rộng ra, không đục cây lành lặn nên không ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây.

“Những hộ làm ít thì vài tổ, có gia đình đến vài chục hốc nuôi ong. Từ những hốc tổ ong này cho thu từ vài chục, nhiều thì lên đến cả trăm lít mật. Số mật ong này được người dân bán để trang trải cuộc sống hoặc sử dụng trong gia đình”, ông Trí nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ