Người dân hồ hởi đến tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội

Ngay trong ngày đầu mở cửa (6/9), rất nhiều người dân Hà Nội hồ hởi đến tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, đặc biệt là những người lớn tuổi. 

Người dân hồ hởi đến tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội

Khách tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ được tìm hiểu lịch sử quá trình xây dựng nhà hát, kiến trúc của nhà hát, tham quan sảnh chính, khu cầu thang di tích, khán phòng, tham quan ảo Nhà hát Lớn, các bản thiết kế gốc vẽ bằng tay của các kiến trúc sư người Pháp. 

Đồng thời, khách cũng được tiếp đón tại phòng Gương, tìm hiểu di tích vết đạn bắn vào tháng 12 năm 1946, các sự kiện quan trọng đã diễn ra ở Quảng trường Cách mạng tháng Tám từ hồi đầu thế kỷ XX tới nay, trải nghiệm ngồi lô VIP dành cho nguyên thủ khi xem biểu diễn. 

Tầng 3 của nhà hát giới thiệu các vật liệu xây dựng và trang trí nhà hát từ hồi đầu thế kỷ XX, không gian giới thiệu quá trình trùng tu nhà hát năm 1995, không gian trưng bày các tư liệu, ảnh cổ chụp nhà hát và các sự kiện diễn ra bên trong và bên ngoài Nhà hát Lớn. 

Sau khi tham quan giá trị lịch sử, kiến trúc Nhà hát Lớn, du khách tiếp tục thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật "Hồn Việt" với các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã được chọn lọc. 

Đó là màn múa “Việt Nam quê hương tôi,” độc tấu đàn bầu “Khúc vĩ thanh của đất,” trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội,” màn múa chầu văn “Cô bé Đông Cuông,” hòa tấu sáo “Tình trăng, tình núi.” 

Nhà hát Lớn mở cửa đón khách tham quan vào 10 giờ 30 thứ hai, thứ sáu hàng tuần. Từ tháng 10 sẽ tăng cường thêm các buổi đón khách. Thời lượng tham quan là 1 giờ 30 phút, giá vé là 400.000 đồng. 

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định​từ khi đưa ra ý định xây dựng chương trình tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, rất nhiều công ty du lịch hưởng ứng. 

Với thương hiệu Nhà hát Lớn Hà Nội không đâu có được, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục phát huy để ngày càng hấp dẫn khách tham quan. 

Vì vậy, ngoài thương hiệu, địa điểm, cơ quan quản lý cũng chú trọng đến phong cách phục vụ và xây dựng chương trình nghệ thuật hấp dẫn. 

Trong thời gian gần, Nhà hát Lớn Hà Nội có thể đưa thêm một vài chương trình nghệ thuật khác mang đậm chất văn hóa truyền thống để phục vụ nhu cầu xem nghệ thuật của đa dạng đối tượng khách. 

Mong muốn có những điều chỉnh phù hợp 

Ngay trong buổi đầu mở cửa đón khách, rất nhiều người dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác đã tới tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội. 

Bởi theo họ, Nhà hát Lớn không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, nó còn gắn bó với người dân Hà Nội và cả nước nói chung thông qua nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, đặc biệt sự kiện gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Đó là cuộc míttinh ra mắt Mặt trận Việt Nam, lễ ra mắt đoàn quân giải phóng Việt Bắc khi về Hà Nội, Tuần lễ vàng, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp khóa đầu tiên tại Nhà hát Lớn… 

Cùng với những người bạn cao tuổi đến tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, ông Nguyễn Minh Vũ, phố Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bày tỏ, ông nghe trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin việc mở tour du lịch tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội nên mong mỏi sớm đến ngày hôm nay. 

Địa chỉ này có nhiều kỷ niệm với ông, từ nhỏ đã được bố cho đi xem cải lương ở đây, lớn lên ông càng hiểu về những giá trị kiến trúc, lịch sử Nhà hát Lớn. Khi đến đây, điều ông quan tâm nhất là giá trị lịch sử và kiến trúc của công trình. 

Ông Nguyễn Minh Vũ mong muốn Ban quản lý Nhà hát Lớn cần tách biệt việc tham quan kiến trúc công trình, tìm hiểu giá trị lịch sử với việc thưởng thức nghệ thuật. 

Ví dụ, ngày chẵn trong tuần mở cửa để khách tham quan kiến trúc, lịch sử, còn buổi tối biểu diễn nghệ thuật bình thường để phù hợp với thị hiếu nhiều người. 

Khi kết hợp cả việc tham quan công trình với xem nghệ thuật, giá vé 400.000 đồng là cao với đại đa số người dân và nhiều người sẽ không có nhiều cơ hội đến Nhà hát Lớn Hà Nội. 

Cũng là những người yêu các giá trị lịch sử, kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội, ông Hoàng Trọng Sử, trú tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường (Nam Định) cho biết, khi biết tin mở tour du lịch tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, ông rất phấn khởi, mất 2​-3 đêm không ngủ được vì hồi hộp. 1 giờ ngày 6/9, hai ông bà đã dậy để lên Hà Nội tham quan nhà hát đúng vào lễ mở cửa. 

Ông cũng cho biết, được tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội là mơ ước cả đời ông nhưng nay mới đạt được. Mấy hôm nữa, ông bà sẽ tổ chức cho các cháu đi tham quan công trình kiến trúc này. 

Với mức giá 400.000 đồng một vé để được tham quan nhà hát và xem nghệ thuật là phù hợp nhưng cũng có thể là cao với nhiều người khác. 

Còn ông Dương Long Tần, ngõ 219 Đê Tô Hoàng, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, ông rất muốn tham quan lịch sử, kiến trúc công trình Nhà hát Lớn nhưng giá vé này cao, trong khi mục đích của ông chỉ tham quan lịch sử, kiến trúc, không có nhu cầu xem nghệ thuật. Vì vậy ông và rất nhiều người phải ra về, không đạt theo ý nguyện ban đầu. 

Mong muốn của ông cần điều chỉnh giá vé cho phù hợp với điều kiện kinh tế của đa phần người dân hiện nay. 

Chương trình tham quan và xem nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. 

Trong quá trình hoạt động, cơ quan quản lý sẽ vừa làm vừa lắng nghe ý kiến phản hồi của du khách để điều chỉnh phù hợp.

Theo Chinhphu.vn/Vietnamplus

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quên rút chìa khóa xe (!?)

GD&TĐ - Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ 10 thanh thiếu niên, tất cả đều trú tại Hà Nội, để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Thầy trò Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An trong giờ học.

'Hạ nhiệt' áp lực kỳ thi vào lớp 10

GD&TĐ - Năm đầu tiên đổi mới hình thức, nội dung thi vào lớp 10 THPT khiến nhà trường, thầy cô, đặc biệt học sinh lớp 9 và phụ huynh băn khoăn lo lắng.