Khán giả đồng hành với những thể nghiệm kịch mới

GD&TĐ - Thể nghiệm mới đối với những vở kịch “còn mãi với thời gian” chính là giải pháp tích cực để khán giả yêu mến và trở lại với sân khấu kịch. Trong tháng 8 này, song song với việc những vở kịch được lựa chọn biểu diễn tại Nhà hát Lớn thì những sáng tạo trên sân khấu đã giúp cho các nghệ sĩ tìm được sự cảm mến của khán giả.  

Khán giả đồng hành với những thể nghiệm kịch mới

Giá trị nhân văn qua mỗi vở diễn

Điểm giống nhau của những vở diễn tại Nhà hát Lớn ở thời điểm này đó là những vở kịch đều được dàn dựng từ những tác phẩm đã được đông đảo khán giả biết đến. Bên cạnh việc có nhiều khán giả đã biết và từng xem những vở kịch từ trước đó, thì áp lực của các đạo diễn và diễn viên càng lớn hơn.

Bởi sự trăn trở là làm sao những vở diễn ấy phải giữ được những ấn tượng mà các nghệ sĩ, diễn viên của thế hệ đi trước đã cống hiến. Không những vậy trước những thay đổi của thời cuộc thì các vở diễn cũng phải có sự phá cách hay thay đổi sao cho người xem không cảm thấy có sự hụt hẫng.

Vở kịch “Kiều” do NSND Anh Tú dàn dựng lại mang đến một hơi thở mới cho người xem. Vở kịch tái hiện cuộc đời của nàng Kiều từ khi bán mình cứu cha cho tới khi nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn sau 15 năm phiêu bạt. Sự phá cách trong những thử nghiệm mới đã tạo nên những sáng tạo và giá trị nghệ thuật bất ngờ.

Trong vai diễn của mình, diễn viên Diễm Hương đã thể hiện rất thành công về đời sống nội tâm của nàng Kiều. Đặc biệt sự thể hiện những màn hát múa đan xen trong mỗi cảnh diễn đã tạo nên sự mới mẻ và làm cho vở kịch thoát khỏi sự nhàm chán.

Khán giả vẫn yêu những vở kịch lịch sử

Ở góc độ phản ánh lịch sử vở diễn “Công lý không gục ngã” - tác giả Lê Chí Trung, do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội đã tạo được dấu ấn trong lòng người xem. Tái hiện lại bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ 18, khi cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe Trịnh Cán và Trịnh Tông vào giai đoạn gay gắt, vở diễn mang đến một thông điệp về lịch sử.

Nhân vật trung tâm đó là hình tượng danh sĩ Ngô Thì Nhậm - một nhân sĩ Bắc Hà - người đã vượt qua mọi áp lực, hiểm nguy để giữ gìn kỷ cương, phép nước, để bảo vệ công lý. Đặng Mậu Lân, em của Tuyên Phi Đặng Thị Huệ được Chúa sủng ái tự xưng là “cậu trời” nên ức hiếp dân chúng, hãm hiếp con gái ngay giữa chợ... Trịnh Sâm buộc phải xử tên “cậu trời” nhưng không muốn làm mất lòng Tuyên Phi nên cử Ngô Thì Nhậm đứng ra xử lý. Thấu được lòng dân, viên quan liêm khiết Ngô Thì Nhậm bất chấp sự hối lộ, dọa dẫm của Tuyên Phi, quyết xử tử Đặng Mậu Lân đúng công lý để giữ kỷ cương, phép nước...

Vở diễn đã mang đến cái nhìn đa chiều cùng những lát cắt trong lịch sử. Khán giả có mặt tại đêm diễn thực sự xúc động như được trở về quá khứ để cùng cảm nhận và tự hào về một bậc nhân sĩ tâm phúc với đất nước. Để làm nên sự thành công của vở diễn có sự đóng góp của tập thể diễn viên tài năng và nhiệt huyết. Theo NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Trong bối cảnh hoạt động sân khấu rất khó khăn, khán giả ít quan tâm đến nghệ thuật, chủ trương tổ chức những đêm diễn kịch nói “Những vở kịch còn mãi với thời gian” không phải là “cứu cánh” của ngành sân khấu nhưng sẽ khích lệ nghệ sĩ giữ niềm tin và tình yêu vào sân khấu.

Có cơ hội được xem vở kịch “Bỉ vỏ” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn, bác Lê Thị Hà ở phố Khâm Thiên chia sẻ: Mặc dù đã từng xem vở diễn này cách đây 20 năm nhưng những cảm xúc về số phận bất hạnh của cô gái Tám Bính đã làm cho bác và nhiều người có mặt tại Nhà hát Lớn thực sự xúc động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...