Người dân Đà Nẵng xếp hàng từ nửa đêm chờ tiêm vắcxin cho con

Tình trạng hỗn loạn diễn ra trước cổng Trung tâm y tế dự phòng ở Đà Nẵng do người dân đến tiêm phòng cho con quá đông.

Người dân Đà Nẵng xếp hàng từ nửa đêm chờ tiêm vắcxin cho con

Từ 1h sáng ngày 28/3, hàng trăm người dân Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tập trung trước cổng Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng - cơ sở tiêm chủng số 103 đường Hùng Vương, quận Hải Châu (trung tâm) chờ lấy số thứ tự cho con vào tiêm vắcxin 6 trong 1.

"Tôi đến lúc 3h sáng đã có khoảng 300 người đứng chờ đợi. Nhiều người trải chiếu ngủ ngay trên vỉa hè", anh Tấn Việt nói và cho biết nhiều người dân chờ đợi quá lâu đã tự lấy giấy ghi số cho mình. Đến 5h sáng, gần 200 người cầm sẵn số trên tay.

Người dân xếp hàng từ đêm đến sáng 28/3 để chờ lấy phiếu tiêm dịch vụ cho con. Ảnh: Tấn Việt.

Người dân xếp hàng từ đêm đến sáng 28/3 để chờ lấy phiếu tiêm dịch vụ cho con. Ảnh: Tấn Việt.

Lúc 6h, Trung tâm y tế dự phòng mở cổng. Dòng người ùa vào phía trong. Bên ngoài cổng là cảnh chen lấn, xô đẩy. Nhiều phụ huynh không đủ kiên nhẫn mạo hiểm trèo qua rào sắt của trung tâm với hy vọng sẽ có được phiếu tiêm chủng.

Gần 7h, ông Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm cầm loa thông báo đợt này chỉ có 500 mũi tiêm dịch vụ vắcxin 6 trong 1. Trong đó hôm qua (27/3) đã tiêm 320 mũi, chỉ còn 180 mũi. Ông đề nghị những người có số thứ tự từ 181 ra về.

Những người dân trắng đêm chờ đợi đã phản ứng trước việc trung tâm không đủ vắcxin. Tình hình dần trở nên hỗn loạn. Cảnh sát được huy động đến để phân luồng giao thông, bảo vệ an ninh trật tự. Tuy nhiên đến 8h, trung tâm bất ngờ thông báo ngừng tiêm chủng.

Hàng trăm người dân thất vọng song vẫn nán lại. "Con tôi trễ tiêm mũi vắcxin này 3 tháng rồi. Sáng nay tôi đến từ lúc 3h, chờ đến 9h vẫn chưa có phiếu", chị Văn Thị Hải nói với giọng mệt mỏi. Nhiều phụ huynh đã đăng ký thành công qua mạng, khi đưa con đến cũng không được tiêm chủng vì các cửa phòng đều đóng kín.

Trung tâm sau đó phải in "Thông báo khẩn", với nội dung cho biết sẽ tiêm chủng trở lại vào buổi chiều cho những người đã đăng ký qua mạng, gồm 180 người theo số thứ tự đăng ký sáng 28/3. Riêng những khách hàng từ số thứ tự 181 ghi lại tên và số điện thoại, trung tâm cam kết sẽ gọi thông báo lịch tiêm khi có vắcxin.

Ông Tôn Thất Thạnh cho biết cứ mỗi đợt khan hiếm vắcxin 6 trong 1 thì lại xảy ra tình trạng quá tải ở trung tâm. "Sáng nay chúng tôi cũng hơi bất ngờ nên không kịp xử lý được các tình huống phát sinh", ông nói và cho biết đã lập danh sách 300 người chưa tiêm được vắcxin cho con đợt này.

Sau khi vãn hồi trật tự, Trung tâm kiểm soát bật tật Đà Nẵng phải ghi tên cho những người chưa được tiêm chủng đợt này để gọi điện thông báo khi có vắc xin. Ảnh: Nguyễn Đông.

Trung tâm kiểm soát bệnhtật Đà Nẵng ghi tênnhững người chưa được tiêm chủng đợt này để gọi điện thông báo khi có vắcxin. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo ông Thạnh, đơn vị bị động trong việc nhập vắcxin 6 trong 1 về cung cấp cho người có nhu cầu. Quy trình nhập vắcxin là đăng ký số lượng với công ty sản xuất. Nhưng khi nhập về phải qua Cục Dược của Bộ Y tế. Số lượng vắcxin sau đó phân bổ theo lịch sử dụng của từng tỉnh, thành.

"Đôi khi chúng tôi đăng ký cả nghìn liều nhưng phía cung cấp đưa cho 100 liều cũng phải chịu", ông Thạnh nói và cho biết trung tâm đã tính đến phương án để phụ huynh đăng ký trước khi có vắc xin. Tuy nhiên, cách giải quyết này nảy sinh tâm lý chờ vắcxin ở những phụ huynh đã đăng ký thành công, có thể lỡ thời gian phòng bệnh tốt nhất của trẻ. "Chúng tôi đang cân nhắc việc này", ông nói thêm.

Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Nguyễn Tiên Hồng thừa nhận do nhu cầu tiêm vắcxin dịch vụ của người dân tăng cao đã vượt quá khả năng cung ứng của trung tâm.

 "Nguồn vắcxin dịch vụ chưa được kiểm soát về số lượng cung ứng cho mỗi địa phương. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại Đà Nẵng đã đăng ký mua 5.000 liều nhưng mỗi lần về rất bấp bênh, có lúc 200 có lúc 500 liều. Đây là vấn đề mà Bộ Y tế cũng chưa giải quyết được", ông Hồng nói.

Để khắc phục, lãnh đạo ngành y tế Đà Nẵng đã đề nghị trung tâm xây dựng đề án tạo nguồn vắcxin và chủ động thông tin đầy đủ qua mạng internet.

"Hiện nay trung tâm chỉ thông báo số liều, không thông báo số lượng đã đăng ký, số lượng vắcxin còn trống, nên người dân đến đông thì không đáp ứng được", ông Hồng nói và cam kết ngành y tế sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Trong quý 1, Đà Nẵng tiêm vắcxin ComBE Five cho 3.200 trẻ, tỷ lệ phản ứng nặng bằng 0%. Tuy nhiên số khách hàng có nhu cầu chủng ngừa vắcxin dịch vụ thay thế cho ComBE Five vẫn tăng cao đột biến. Ông Hồng cho rằng, người dân không nên quá phụ thuộc tiêm vắcxin dịch vụ với tâm lý "tốt hơn tiêm chủng mở rộng".

"Tiêm chủng mở rộng đã có kế hoạch từ trước, có nguồn vắcxin dự trữ đầy đủ, có nguồn thuốc dư ra để phòng khi hao hụt và có lịch thông báo rõ ràng với hệ thống các trạm y tế xã phường. Phụ huynh nên đưa con đến các trạm y tế thay vì chờ đợi, chen chúc đi tiêm dịch vụ mà các bé không được tiêm đúng thời gian", ông Hồng khuyến cáo.

Đến gần trưa, hàng chục phụ huynh vẫn còn lán lại với hy vọng sớm đăng ký tiêm dịch vụ cho con. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đến gần trưa, hàng chục phụ huynh vẫn còn nán lại với hy vọng sớm đăng ký tiêm dịch vụ cho con. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng quá tải tiêm vắcxin dịch vụ trong năm nay. Hơn một tháng trước, người dân cũng phải xếp hàng từ nửa đêm nhưng đến trưa mới tiêm phòng được cho con. 

Từ tháng 12/2018, Bộ Y tế chính thức sử dụng vắcxin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất thay thế vắcxin Quinvaxem của Hàn Quốc. Đây là vắcxin 5 trong 1 ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib, được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Hàng năm có khoảng 5 triệu liều văcxin 5 trong 1 được tiêm cho gần 1,7 triệu trẻ em, là loại văcxin có số lượng sử dụng lớn.

Vắcxin 6 trong 1 tiêm dịch vụ ngăn ngừa 6 bệnh, gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh xâm lấn do Haemophilus influenza túyp b (Hib), bại liệt.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ