Theo ghi nhận của chúng tôi, sau những trận mưa lũ người dân quanh khu vực sôngĐăk Broai (đoạn chảy qua xã Đăk Pék) lại rủ nhau ra sông đãi vàng. Theo đó, từng tốp người mang theo cuốc, xẻng, thau chậu… hì hục đào bới dưới lòng sông với hy vọng tìm được vàng sa khoáng.
Một số người mang theo nước, thức ăn để thuận tiện cho việc tìm kiếm vàng. Không chỉ người lớn, một số em nhỏ cũng theo bố mẹ ra sông tìm vàng khi không lên lớp.
Mỗi người một nhiệm vụ, phối hợp thuần thục với nhau. Người thì xúc đất cát dưới lòng sông đổ vào máng. Người thì phụ trách sàng, đãi để loại bỏ đất đá. Sau khi trong máng còn lại lớp quặng đen dưới đáy, người dân mang về tiếp tục sơ chế để lấy vàng.
Theo anh A Huy (xã Đăk Pék), sau khi bão lũ đi qua, nhiều người dân xuống sông để tìm vàng. Thấy vậy, anh cũng tạm gác việc nương rẫy để đi đãi vàng với hy vọng đổi đời. Những hôm đãi vàng anh mang bán kiếm được hơn 100.000 đồng, hôm ít cũng được 50.000 đồng.
“Ngày mưa mình không biết làm gì nên đi đãi vàng kiếm tiền mua thức ăn. Biết là nguy hiểm nhưng khó khăn quá nên đành đánh liều.”, anh A Huy chia sẻ.
Mặc dù việc đãi vàng giúp người dân có thể kiếm được cả trăm nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên lại tìm ẩn nguy cơ nguy hiểm, bởi khu vực người dân đãi vàng nằm dưới hạ lưu đập thủy điện Đăk Pru 1.
Ông Nguyễn Khắc Tụ, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pék cho biết, sau mỗi trận mưa, lũ người dân lại rủ nhau xuống sông Đăk Broai để đãi vàng. Lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không xuống sông đãi vàng. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã cũng nhiều lần truy đuổi, yêu cầu người dân không đãi vàng tuy nhiên được ít hôm người dân lại tiếp tục.
Về vấn đề này, bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho hay, việc đãi vàng dưới sông là trái phép. Do đó, đơn vị đã chỉ đạo các xã tăng cường vận động người dân không đi đào, đãi vàng. Đặc biệt địa phương đã nhiều lần truy quét, bố trí lực lượng canh giữ không cho người dân đãi vàng.