Những người lính, sĩ quan từng chiến đấu trong Trung đoàn 27 thời kỳ 1969 -1972 được xem vở kịch “Đại đội trưởng của tôi” đều hiểu rằng, nguyên mẫu nhân vật chính và nhiều tình tiết ấn tượng, hấp dẫn trong vở kịch này chính là từ người Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu, khi ấy mới ngoài 20 tuổi, và những trận đánh của Đại đội. Tuy nhiên, trong văn học, khi sáng tác, tác giả cũng có thể còn bổ sung cho nhân vật chính của mình những đặc điểm, câu chuyện từ nhiều tấm gương thực tế chiến đấu khác để thêm phần cuốn hút.
Vậy từ nguyên mẫu, đến nhân vật Đại đội trưởng Lê Văn Thục trong vở kịch nổi tiếng “Đại đội trưởng của tôi” có đường dẫn kỳ diệu nào? Nhà văn quân đội Lê Hoài Nam từng tiếp xúc sâu với Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Nguyễn Huy Hiệu, nguyên mẫu cho tác phẩm sân khấu, và sau này là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu để viết nên cuốn sách “Bến sông tuổi thơ” gồm những bút ký thể hiện quãng đời chiến đấu huy hoàng của một người lính, sĩ quan, vị tướng anh hùng.
Chúng ta hãy cùng trò chuyện với nhà văn để chiêm nghiệm về trường hợp một người anh hùng đã đi vào văn học như thế nào, và bài học mới mẻ từ tác phẩm sân khấu đã tạo ảnh hưởng tới đông đảo chiến sĩ trong chiến tranh và còn có tác dụng đến ngày nay.
- Thưa nhà văn, tác phẩm “Đại đội trưởng của tôi” của kịch tác gia Đào Hồng Cẩm đã được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu |
- Đào Hồng Cẩm là một nhà văn quân đội. Thời điểm 1969 - 1970 ông là đoàn trưởng đoàn kịch nói quân đội, dẫn đoàn vào chiến trường để biểu diễn phục vụ chiến sĩ. Khi ông dẫn đoàn vào đến miền Tây Quảng Trị, đã dừng chân ở một binh trạm.
Ở đó, ông được nghe kể chuyện về một người Đại đội trưởng trẻ tuổi, có thành tích chiến đấu anh dũng, mưu kế, sáng tạo, chỉ huy Đại đội chiến thắng nhiều trận oanh liệt mà ít gây thương vong, tổn hao xương máu anh em chiến sĩ hạn chế nhất. Máu sáng tác nổi lên, Đào Hồng Cẩm đã rất hào hứng và đề nghị được gặp người Đại đội trưởng ấy.
Được sự đồng ý của cấp trên, đoàn kịch cùng với kịch tác gia Đào Hồng Cẩm đã tìm đến căn cứ trong rừng của Đại đội, lúc này họ đang trong thời gian củng cố lực lượng. Khi gặp người Đại đội trưởng trẻ, sáng sủa đẹp trai, lại cất giọng nói người Hải Hậu (Nam Định), ông Đào Hồng Cẩm đã nhận ngay ra đồng hương, mừng không kể xiết, lao đến ôm chầm lấy người Đại đội trưởng. Nguyễn Huy Hiệu quê ở xã Hải Long, còn Đào Hồng Cẩm ở xã Hải Phú, là hai xã cạnh nhau thuộc huyện Hải Hậu.
Lúc đó Đào Hồng Cẩm đã hơn 40 tuổi, trong khi Nguyễn Huy Hiệu mới ngoài 20, nhưng họ vẫn xưng hô anh-em thân thiết. Đêm ấy, đoàn kịch đã tổ chức biểu diễn cho Đại đội xem và anh em chiến sĩ vô cùng xúc động vì đã lâu lắm mới được xem văn công biểu diễn. Sau đó, anh em chiến sĩ nhường hầm trú ẩn cho diễn viên, nghệ sĩ nằm, còn mình thì nằm võng canh gác.
Đào Hồng Cẩm và Nguyễn Huy Hiệu cùng nằm võng với chiến sĩ. Gần như họ thức trắng đêm trò chuyện, những người lính cũng đua nhau chen vào câu chuyện, kể bổ sung thêm những tình tiết hấp dẫn, ngoan cường trong các trận đánh mà Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy tài tình. Ông Đào Hồng Cẩm vừa nghe, vừa soi đèn pin ghi chép lại những chi tiết hay, quan trọng. Ông nói mình nhất định sẽ sáng tác một vở kịch dựa trên những chất liệu vừa ghi chép ở Đại đội.
- Cụ thể, hình tượng người Đại đội trưởng ấy đã được xây dựng như thế nào trong vở kịch của Đào Hồng Cẩm?
- Đó là một người tiểu đội trưởng liên lạc, tên Lê Viết Thục, nhờ sự nhanh trí, sáng tạo, đã được đề bạt lên chức trung đội trưởng, rồi sau đó được tiếp tục đề bạt lên chức Đại đội trưởng. Câu chuyện trong tác phẩm kịch như vậy được xây dựng đúng như tình huống trong cuộc đời chiến đấu của Nguyễn Huy Hiệu. Cách chỉ huy chiến đấu của nhân vật Lê Viết Thục cũng chính là cách chỉ huy chiến đấu của Nguyễn Huy Hiệu: táo bạo, linh hoạt, sáng tạo, nhanh nhạy, hiệu quả, hạn chế tối đa thương vong.
Chi tiết Lê Viết Thục bị thương khá nặng bên vai và cánh tay nhưng anh giấu chiến sĩ, nén cơn đau, tiếp tục chỉ huy trận đánh đến kết thúc cũng là tình huống có thật trong cuộc đời Nguyễn Huy Hiệu.
- Được biết, hình tượng người Đại đội trưởng trong vở kịch ấy rất hấp dẫn, được nhiều người lính yêu thích và coi như một tấm gương, một hình mẫu để noi theo, để tự tin chiến đấu hết mình, với tinh thần quyết thắng. Vậy hình mẫu ấy có nét gì truyền thống và có nét gì mới mẻ, thưa nhà văn?
- Về khía cạnh truyền thống, thì người Đại đội trưởng ấy hội đủ tinh thần chiến đấu dũng cảm, với tình yêu lớn dành cho quê hương, đất nước, với tình đồng chí, đồng đội tha thiết, chân tình, gắn kết, sẵn sàng hy sinh cho nhau.
Còn nét mới mẻ hấp dẫn của người Đại đội trưởng, gây xúc động cho khán giả cùng biết bao chiến sĩ là sự táo bạo, sáng tạo bất ngờ trong chỉ huy, tạo nên những chiến thắng oanh liệt, và thành tích ấy của anh được cấp trên ghi nhận, được đề bạt Đại đội trưởng khi anh còn quá trẻ. Anh đã trở thành một tấm gương cho chiến sĩ noi theo, và họ tin tưởng rằng, chính họ cũng có thể sống và chiến đấu như anh, và người có công sẽ được thưởng xứng đáng.
Còn một điều rất kịch tính và gây cảm xúc mạnh, tác động lớn lao đến người xem, đó là việc người Đại đội trưởng tiền nhiệm, khi mắc sai lầm đã bị giáng chức, và chịu làm cấp dưới của Đại đội trưởng Lê Viết Thục, trái với thói thường, anh không khó chịu hay kình địch với Lê Viết Thục, mà sát cánh chiến đấu bằng cả tâm sức của mình, tuân thủ tuyệt đối mọi mệnh lệnh.
Đó không chỉ là sự tâm phục khẩu phục trước một tài năng hơn mình trong chỉ huy chiến đấu, mà còn thể hiện sự trưởng thành của một nhân cách, sự minh bạch của công tác tổ chức.
Chính cha ruột anh đã giáng chức con mình để đưa người tài lên thay, trước tiên là vì mục tiêu chiến thắng, giải phóng đất nước, sau là rèn bản lĩnh cho con trai mình. Vở kịch hấp dẫn và có tính nhân văn cao cả, là còn ở tình tiết đó.
- Ông có cho rằng, kịch tác gia Đào Hồng Cẩm chỉ lấy một nguyên mẫu là Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu cho tác phẩm “Đại đội trưởng của tôi”, hay còn có những nguyên mẫu khác được đưa chung vào để tạo nên nhân vật điển hình?
- Tôi cho rằng, trong sáng tác, tác giả luôn dựa trên một nguyên mẫu chính, một nguồn cảm hứng chính, nhưng cũng có thể gộp thêm những nét tính cách, câu chuyện, chi tiết từ các nguyên mẫu phụ, để xây dựng nên một hình tượng có sức hấp dẫn mạnh đối với khán giả.
- Xin cảm ơn nhà văn!