Người “có tài” làm việc thiện

GD&TĐ - Gia đình chỉ đủ gạo ăn và tiền bạc chẳng mấy dư dả nhưng hơn chục năm nay ông Nguyễn Văn Hưởng (thường được gọi là Năm Hưởng, 73 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vẫn ngày ngày đi làm việc từ thiện.

Người “có tài” làm việc thiện

Học nghề trong giấc chiêm bao

Không có tiền, ông dốc sức làm mọi việc nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau của những phận đời khốn khổ. Tính đến nay, ông đã đóng gần 400 cái quan tài dành tặng miễn phí cho người nghèo và bỏ công sức cất hàng chục cây cầu, căn nhà… cho cộng đồng cùng các hộ khó khăn.

Ngày chúng tôi tìm đến, ông đang cặm cụi bên những chiếc hòm còn dang dở bên kia sông. Ông Năm Hưởng có dáng người nhỏ nhắn và đang ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn linh hoạt cưa từng miếng gỗ. Ngồi trong trại hòm từ thiện mặt dính đầy mạt cưa, ông Năm Hưởng nói: “Thông thường người ta có của ăn của để mới đi làm từ thiện, còn tôi chỉ cần gia đình đủ no là làm”.

Ông Năm Hưởng quê gốc ở xã Bình Đức, nay là phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Trước giải phóng, ông tham gia cách mạng, đến năm 1979 nghỉ hưu.

“Sau khi nghỉ, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng tôi có tới 10 đứa con. Tuy vậy, chưa ngày nào chúng tôi thiếu đói bởi tôi biết làm đủ nghề, nhất là “nghề” ráp lò sấy lúa. Những năm đó, khi còn ở Long Xuyên, một ngày tôi ráp lò sấy ăn công sắm được 3-4 chỉ vàng. Chỉ mấy năm sau, gia đình đã có dư tới 200 cây vàng. Một thời gian sau, tôi bị một người thân giật mấy trăm cây vàng, gia đình rớt vào cảnh nghèo không có vốn làm ăn”, ông Hưởng nhớ lại.

Năm 1993, gia đình ông Năm Hưởng dìu dắt nhau về xã Vĩnh Khánh che chòi sống lay lắt qua ngày. Điều lạ là ông chẳng học nghề bất kỳ nơi đâu mà tự dưng biết làm rất nhiều việc như những người thợ lành nghề.

Nói về điều này ông Năm Hưởng kể: “Năm 12 tuổi, đêm nào tôi cũng nằm chiêm bao. Khi đó, tôi thấy ông già râu tóc bạc phơ nói văng vẳng bên tai: Đời này con không lo làm việc thiện mà còn giành danh lợi đến bao giờ nữa. Một thời gian sau cũng chính ông lão này dẫn tôi đi học hết nghề này đến nghề khác (trong mơ). Ban đầu tôi chưa tin nhưng làm theo những gì mách bảo thì quả thật, nhúng tay vào cái nào cái đó đều đẹp mắt và thành công ngoài mong đợi. Những việc như đóng hòm, cất nhà, làm cầu… tôi đều thủ vai chính”.

Nhờ đa tài thế mà gia đình ông Năm Hưởng lại có nguồn sống ổn định và mua được 7 công đất ruộng. Công việc cứ thế ăn nên làm ra và ông lập nhà máy xay lúa nuôi con khôn lớn, cưới vợ, gả chồng cho chúng. Từ lúc thấy cuộc sống đủ ăn, ông Năm Hưởng quyết định bán nhà máy lấy tiền đi làm việc thiện, từ đóng quan tài cho đến cất nhà, xây cầu...

 Nhớ lại những ngày đầu gặp Năm Hưởng, ông Liêm, một người dân cùng xóm kể: “Lúc ông Năm Hưởng tới, thấy tụi tôi đóng mấy cái hòm thì chê sao làm rề rà và xấu quá! Thế là ổng nhảy vào làm trang trí hoa văn khiến cái hòm từ thiện đẹp y như hàng bán bên ngoài. Từ đó không chỉ dân trong tỉnh mà dân các nơi lân cận như Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau… đều đến đây xin hòm nườm nượp. Thời điểm đó phải nói hòm ông Hưởng làm ra… đắt như tôm tươi”.

Nhận xét về Năm Hưởng, ông Đỗ Văn Mẫn (Chín Mẫn) - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Vĩnh Khánh, nói: “Từ lúc biết anh Năm Hưởng tới giờ, chưa thấy ảnh học nghề ngày nào mà sao cái gì ảnh cũng biết và làm rất giỏi. Ảnh thạo nghề thợ hồ, mộc, hàn và từng dám đứng ra tính toán kỹ thuật xây liền mấy cây cầu đúc bự. Hễ cất nhà xong là anh quay sang đóng hòm rồi đi xây cầu, sửa đường… không nghỉ ngày nào. Từ việc làm hiệu quả của ảnh mà bà con trong và ngoài xã nhiệt tình quý mến và ủng hộ”.

Sống đến đâu làm việc thiện đến đó

Ông Năm hưởng nói, con người ai cũng phải chết, nhưng còn sống là còn phải phục vụ cho xã hội. Bản thân ông lớn lên trong nghèo khó nên đến lúc đủ ăn là đi làm việc thiện tích đức cho con cháu. Nói về nguyên nhân trở thành thợ đóng hòm bất đắc dĩ, ông Năm Hưởng bày tỏ:

“Thời điểm đó, mình thấy dân khổ quá nhiều. Trước đây có trên 80% hộ nghèo, chết không có tiền mua hòm. Thấy vậy tôi bỏ tiền túi mua cây và xuất công đóng hòm rồi sau đó cùng các ông Sáu Quân, Chín Mẫn, Hai Su tự nguyện đóng 40 – 60 cái/năm cho người nghèo. Thấy mình làm được việc, họ đem cây đến cho, tặng…, đóng không hết. Giờ đây chỉ còn lại mình tôi đảm nhận việc này”.

Theo lời ông Năm Hưởng, từ ngày tham gia làm việc thiện đến nay, ông đã đóng gần 400 cái hòm cho người nghèo. Hai năm gần đây, một số người e ngại trong việc xin hòm (vì có nhận tiền phúng điếu lúc làm đám tang) nên lượng người đến nhận ít dần, chỉ dao động khoảng 15-20 cái/năm.

Anh Võ Văn Sang (ngụ ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh) cho biết: “Nhà tôi nghèo nên được mấy chú bên từ thiện giúp đỡ gạo, tiền rất nhiều. Nhiều năm trước bà ngoại, chị Năm, cha, mẹ tôi lần lượt mất đều được các chú cho hòm về chôn cất đàng hoàng. Hòm chú Năm Hưởng đóng không phải tạm bợ như những chỗ khác mà rất chắc chắn và đẹp”.

Có thể nói, hiện tại, toàn bộ công sức, tiền bạc của ông Năm Hưởng đều dành cho việc xã hội. Hàng ngày, ông dành thời gian đi cất nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu… rồi tranh thủ thời gian còn lại bỏ công đóng hòm biếu không cho người nghèo.

Mỗi cái hòm được ông Hưởng đóng trong 2-3 ngày, trị giá khoảng 4 triệu đồng. Cách nay khoảng một năm, ông đứng ra lãnh xây cây cầu Kênh Trục giúp nguồn ngân sách tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng so với dự toán.

Sau quá trình làm việc miệt mài ông đổ bệnh rồi vào viện nhưng chỉ một tuần là đòi xuất viện. “Làm việc quen rồi, vô đó nằm khó chịu vô cùng. Mặc dù tuổi cao nhưng làm việc thiện xong về nhà mình ngủ khỏe re do không tính toán danh lợi”, ông Hưởng tâm sự.

Ông Đỗ Văn Mẫn là người gây dựng phong trào từ thiện của xã mấy chục năm qua. Nhờ kết hợp với “tài nghệ” của ông Năm Hưởng cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của một số người trụ cột, Vĩnh Khánh đã trở thành xã đi đầu về công tác từ thiện.

“Năm 2006, tụi tôi đang cất nhà tình thương cho anh Chiến ở ấp Vĩnh Lợi. Anh Năm Hưởng tới nhìn một chặp rồi nói: Mấy ông cất nhà gì mà thấy phát tức; cột, kèo méo mó tùm lum, hổng đẹp. Nói dứt lời, ảnh nhảy vào bào đẽo một hơi, trong chốc lát căn nhà trở nên đẹp lạ thường. Thấy vậy, tụi tôi mời ảnh vô đội từ thiện của xã”, ông Mẫn kể.

Ông Nguyễn Văn Lãm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh, nhận xét: “Chú Năm Hưởng có hoàn cảnh nghèo nhưng lại góp công rất lớn cho địa phương mà khó ai trong xã bì kịp. Chú đứng ra chủ trì xây cầu, cất nhà, làm đường… từ thiện, nhiều công trình quy mô và đạt chất lượng, giúp chính quyền xã khỏi phải thuê mướn nhân công tốn kém”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ