Người 'chuyển hướng' học sinh khủng hoảng

GD&TĐ -Các chương trình chuyển hướng cho phép học khu yêu cầu học sinh phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong cộng đồng trường. Chương trình được áp dụng bằng cách biến việc đình chỉ thành cơ hội học tập.

Ông Nathaniel Wylie hỗ trợ người học gặp khủng hoảng tâm lý.
Ông Nathaniel Wylie hỗ trợ người học gặp khủng hoảng tâm lý.

Vấn đề hành vi hậu Covid

Hơn 7 giờ sáng một ngày trước kỳ nghỉ tháng Hai, chiếc Ford SUV màu đen là phương tiện đầu tiên tấp vào bãi đậu xe của trường. Ông Nathaniel Wylie nghe những khúc cuối cùng của bài hát trước khi tắt động cơ và đi vào bên trong tòa nhà.

Một ngày của Wylie bắt đầu trước bình minh với buổi tập luyện dài một giờ. Vào bữa trưa, ông ăn một mình tại văn phòng bên trong Trung tâm Giáo dục Washington Irving (Mỹ).

Nhân viên xã hội 46 tuổi này luôn quan tâm đến việc tự chăm sóc bản thân. Bởi, công việc của ông vốn căng thẳng, khiến cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần do Covid gây ra càng trở nên tệ hơn.

Đại dịch đã đẩy sức khỏe tâm thần của học sinh trở thành tâm điểm chú ý. Học sinh, cha mẹ và người giám hộ, cũng như các nhà giáo dục tiếp tục vật lộn với căng thẳng, trầm cảm, thất vọng và đau buồn do trường đóng cửa, mất việc làm và thu nhập, sự ra đi của những người thân yêu, bất ổn kéo dài do Covid gây ra.

Mặc dù nhu cầu hỗ trợ sức khỏe tâm thần cao, một số khu học chánh đang cắt giảm các vị trí nhân viên xã hội do hạn chế về ngân sách. Điều đó làm tăng khối lượng công việc của những người ở lại.

Tuy nhiên, các học khu khác, như Học khu Thành phố Schenectady gần Albany, New York, đang tăng cường cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Nhờ đó, hỗ trợ giải quyết vấn đề của người học. Trong đó, bao gồm một chương trình tương đối mới, nhắm vào những trẻ em gặp rắc rối do tổn thương tâm lý trong quá khứ.

Học khu Schenectady đã củng cố chương trình vào năm 2021, khi nhận thấy nhiều học sinh bị đình chỉ dài hạn vì các vấn đề về hành vi sau đại dịch. Wylie - người đã được đào tạo về can thiệp điều trị khủng hoảng, hiện làm việc với những trẻ em từ lớp 6 đến lớp 12.

Những trẻ này đã bị đình chỉ học và đang tham gia chương trình chuyển hướng tại Trung tâm Giáo dục Washington Irving của quận. Tại đây, ông Wylie giúp trẻ học cách quản lý hành vi – nguyên nhân khiến họ bị đình chỉ học.

Những hành vi này thường là đánh nhau, tàng trữ ma túy hoặc vũ khí, hành hung nhân viên hoặc quản trị viên của trường. “Đây là những học sinh cư xử theo cách mà nếu ở bên ngoài trường học và có cảnh sát xung quanh, họ có thể sẽ bị bắt,” ông Wylie nói.

Wylie - người cha của ba thanh thiếu niên, là một trong hai nhân viên xã hội chuyển hướng ở Schenectady. Các chương trình chuyển hướng của trường vẫn còn tương đối mới. Ông có 15 năm làm nhân viên xã hội cho khu học chánh và 5 năm làm việc trước đó tại các cơ sở điều trị nội trú và phòng khám địa phương.

Tuy nhiên, Wylie vẫn mất hai tuần để nghiên cứu khái niệm trước khi nhận nhiệm vụ vào đầu năm học 2021. Các chương trình chuyển hướng như của Schenectady cho phép học khu yêu cầu học sinh phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong cộng đồng trường.

Cụ thể, chương trình được áp dụng bằng cách biến việc đình chỉ thành cơ hội học tập, bỏ qua hoàn toàn kỷ luật. Để đổi lấy việc không phải nộp các khoản phí kỷ luật, phụ huynh hoặc người giám hộ có thể cho học sinh tham gia chương trình chuyển hướng.

Qua đó, giúp người học kết nối với trường. Đồng thời, nhận các dịch vụ và hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại trường, với khả năng bị đình chỉ học ngắn hạn. Ngày càng có nhiều học khu đang áp dụng ý tưởng này như một cách để giúp những học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần không bị đình chỉ học dài hạn.

Tạo ra văn hóa chăm sóc

Bà Andrea Tote-Freeman cho rằng, cần tạo ra văn hóa chăm sóc trong trường học.

Bà Andrea Tote-Freeman cho rằng, cần tạo ra văn hóa chăm sóc trong trường học.

Ông Wylie nhận định, chương trình chuyển hướng của Schenectady là vô cùng đặc biệt. Bởi, mục đích của chương trình là cố gắng giảm thời gian đình chỉ đối với học sinh.

Đồng thời, cho phép họ học tại nhà. Wylie chia sẻ, ông từng bị bắt vào năm lớp 9 vì đánh chị gái của một người bạn – kẻ đã bắt nạt ông ở trường. Khi đó, ông đã quay cuồng trong những suy nghĩ và tự hỏi, liệu bản thân có cảm thấy bị sỉ nhục hay không.

Nam nhân viên xã hội này đã kể về chuyện trong quá khứ của mình để khiến các học sinh nhận ra rằng, mọi người đều mắc sai lầm. Câu chuyện này sau đó dẫn đến một cuộc thảo luận có hướng dẫn. Người học được yêu cầu xác định các yếu tố kích hoạt phản ứng của bản thân và hậu quả sau đó.

Ông Wylie nhắc rằng, điều quan trọng nhất được thảo luận trong 45 phút không chỉ là tức giận. Đó là lý do tại sao họ không nên hành động vì tức giận.

Thay vào đó, cần hành động để những người xung quanh biết rằng, tức giận là không tốt cho mối quan hệ của họ. Ông cũng lưu ý, người học không thể mắc thêm sai lầm. Nếu không, thời gian bị đình chỉ học của họ có thể tăng gấp đôi.

Bà Andrea Tote-Freeman - trợ lý giám đốc phụ trách các dịch vụ hỗ trợ học sinh của học khu cho biết: “Tạo ra một văn hóa chăm sóc, đó là trọng tâm của chúng tôi. Học khu nhận thấy nhiều nhu cầu về hỗ trợ sức khỏe tâm thần xuất hiện trước Covid.

Những nhu cầu này đã tăng trong thời kỳ đại dịch. Tình trạng đó khiến các nhà quản lý phải tăng cường tất cả dịch vụ công tác xã hội học đường của học khu. Công tác xã hội là công việc nên làm khi phải đối mặt với một nhóm học sinh đôi khi có mức độ chấn thương cao”.

Một số lượng lớn học sinh của học khu đã trải qua một hoặc nhiều sự kiện đau thương, như bị lạm dụng thể chất và tình cảm, bị bỏ rơi, cha mẹ ly hôn và nghèo đói.

Hơn 70% học sinh của Schenectady đủ điều kiện nhận bữa trưa miễn phí hoặc giá rẻ - một thước đo mức độ nghèo đói. Ngược lại, khoảng 20% cư dân của Schenectady sống trong cảnh nghèo đói. Học sinh da màu chiếm 80% số người học tại trường.

Trước đại dịch, các nhân viên xã hội của học khu đã hỗ trợ giáo viên trong lớp hiểu về cách giúp học sinh và gia đình vượt qua khủng hoảng. Đồng thời, kết nối họ với các dịch vụ cộng đồng.

Giờ đây, các nhân viên xã hội cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự và giúp đỡ đồng nghiệp cũng như người học đang gặp khó khăn với vấn đề sức khỏe tâm thần. Chương trình chuyển hướng chỉ là một trong những dịch vụ hỗ trợ học sinh của học khu.

“Ban lãnh đạo thực sự hiểu tác động của chấn thương tâm lý”, bà Tote-Freeman chia sẻ. Việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ sẵn có và chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng đã dẫn đến quyết định thành lập nhóm phòng chống khủng hoảng vào năm 2017.

Trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường được học tại nhà. Bởi, hành vi của trẻ không cho phép chúng tham gia lớp học. Tuy nhiên, những người học này thường không thể kết nối với một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng.

“Chúng tôi có những đứa trẻ học tại nhà vì chúng quá khủng hoảng trong lớp học. Vấn đề là trẻ cần được kết nối với các dịch vụ sức khỏe tâm thần, nhận hỗ trợ lâm sàng”, bà Tote - Freeman chia sẻ.

Thống kê cho thấy, số học sinh nhập viện vì sức khỏe tâm thần trong 5 năm qua tại học khu đã giảm hơn một nửa, từ 86 xuống 37. Là một phần trách nhiệm công việc, ôngWylie làm việc với phụ huynh, giáo viên và trợ giảng, cũng như các quản lý trường học.

Nhờ đó, giúp họ hiểu cách đối phó với những học sinh đang có hành vi ngang ngược. “Đôi khi họ kích động sinh viên nhưng không nhận ra điều đó”, ông Wylie nhận định. Nhân viên xã hội này đã cung cấp cho họ hướng dẫn về cách nhận ra các hành vi báo hiệu “bùng nổ” của học sinh. Đồng thời, truyền đạt các kỹ năng giúp kiểm soát hành vi của người học.

“Chiến tuyến” của nhân viên xã hội

Học khu Schenectady có tỷ lệ nhân viên xã hội trường học trên học sinh là khoảng 1/160.

Học khu Schenectady có tỷ lệ nhân viên xã hội trường học trên học sinh là khoảng 1/160.

Với 57 nhân viên xã hội trường học cho 9.180 học sinh, học khu Schenectady có tỷ lệ nhân viên xã hội trường học trên học sinh là khoảng 1:160. Người học sẽ được hỗ trợ bởi các nhà quản lý, một nhân viên xã hội và một nhà tâm lý học. Học khu cũng có một nhóm phòng chống khủng hoảng, bao gồm một nhà trị liệu tâm lý, nhân viên xã hội lâm sàng và một y tá tâm thần được cấp phép hành nghề có thể thẩm định, đánh giá và điều trị cho học sinh.

Christy McCoy - Chủ tịch Hiệp hội Công tác Xã hội Trường học của Mỹ, cho biết, giống như học sinh, các nhà giáo dục, nhân viên và quản trị viên cũng đã trải qua mất mát, trầm cảm và lo lắng trong đại dịch. Điều đó có thể ảnh hưởng đến cách họ thực hiện công việc của mình.

“Rất nhiều nhiệm vụ với tư cách là nhân viên xã hội trong hai năm qua giúp chúng tôi nhận ra rằng, mình thực sự cần phải giúp học sinh. Bởi, nếu học sinh không được quản lý, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách họ thể hiện trong lớp học. Tình trạng đó có thể vô tình gây ra chấn thương và các hành vi khác”.

Vào buổi chiều cùng ngày, ông Wylie đã gọi điện cho những phụ huynh không có mặt, nhận hai học sinh mới vào chương trình chuyển hướng. Đồng thời, gửi nhận xét tới một học sinh trung học, mẹ của học sinh và các thành viên trong nhóm ứng phó khẩn cấp. Nhận xét với kết luận: Không đạt đủ tiến bộ. Đối với một người thích giữ thái độ tích cực, việc đánh giá tiêu cực đó là phần tồi tệ nhất trong ngày của ông Wylie.

Phần lớn thời gian của Wylie được dành cho những cánh cửa đóng kín, trong các cuộc họp và trò chuyện hoặc gọi điện thoại. Trước khi đại dịch xảy ra, ông có nhiều tương tác thân mật hơn với học sinh.

Ông tham gia nhiều chương trình ngoài giờ do học khu hoặc các đối tác cộng đồng của học khu cung cấp để hỗ trợ học sinh và gia đình các em. Các chương trình này bao gồm tư vấn cho những học sinh đã trải qua mất mát, hỗ trợ cho các ông bố trẻ và Câu lạc bộ Quyền anh Chiến binh Hòa bình.

Wylie đồng sáng lập nhóm vào năm 2008 và vẫn đồng huấn luyện vào các buổi chiều thứ Năm với Rafael Medina - một nhà tâm lý học tại trường trung học. Wylie và Medina hỗ trợ học sinh thông qua các buổi tập quyền anh, xen kẽ với những lời tích cực.

“Tôi không rõ có bao nhiêu người thực sự biết chúng tôi làm gì. Hầu hết nhân viên xã hội học đường đang làm công việc như thế này hằng ngày”, ông Wylie nói. 4 giờ chiều hằng ngày, Wylie tắt máy tính, cất điện thoại di động và trả bộ đàm cho văn phòng.

Trở lại chiếc xe SUV của mình, ông bắt đầu nghe những ca khúc yêu thích để thư giãn. Sau khi về nhà, ông chia sẻ với các con, hỏi điều gì tuyệt vời và tồi tệ nhất trong ngày của trẻ. Nam nhân viên xã hội có vài giờ để ăn, thư giãn và ngủ một chút trước khi trở lại “chiến tuyến”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ