Người “gieo chữ” cho học sinh dân tộc Chứt

GD&TĐ - Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Toàn sinh năm 1963, ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã tâm huyết viết đơn xin tình nguyện vào bản Rào Tre dạy học cho con em, học sinh dân tộc Chứt.

Người “gieo chữ” cho học sinh dân tộc Chứt

Một đời tâm huyết với nghề “gieo chữ”

Những ngày cuối năm, trên con đường gập ghềnh dốc núi, chúng tôi đến với xã Hương Liên, huyện miền núi Hương Khê. Đây là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi này.

Ghé thăm trường Tiểu học Hương Liên, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cô giáo đang miệt mài “gieo mầm” những vần chữ cho học sinh dân tộc Chứt, hỏi ra mới biết đó chính là cô giáo Nguyễn Thị Thanh Toàn, điều này càng khiến chúng tôi thấm thía được tâm huyết của cô dành cho học sinh nơi đây.

Tiếp chúng tôi sau giờ nghỉ trưa, cô Toàn tâm sự: Tốt nghiệp THPT, cô theo học một trường Sư phạm tại Nghệ An. Sau khi ra trường, cô trở về quê nhà và tham gia giảng dạy nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện.

Năm 2001, cô được phân công về dạy ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hương Khê. Đây là ngôi trường được thành lập để dành cho con em dân tộc thiểu số, các xã vùng khó khăn, trong đó có cả học sinh dân tộc Chứt ở bản Rào Tre về đây nội trú học tập.

Người Chứt ở bản Rào Tre, vốn sinh sống trên hang động của dãy Trường Sơn (thuộc huyện miền núi Hương Khê). Sau hơn 25 năm về bản, tộc người nhỏ bé và sơ khai này vẫn còn xa lạ với chữ viết và nhận thức còn thấp kém.

Các em dân tộc Chứt vốn nhỏ, sức khỏe yếu lại ở rừng núi về đây ở nội trú. thầy cô là người dạy, thay bố mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giức ngủ, giám sát mọi hoạt động. Thế mà, không kể ngày đêm, mưa gió cứ thiếu chú ý là các em lại vượt rào trốn về nhà, về khe, suối nơi kiếm ra cái ăn của chúng.

Cứ hai tuần một lần trường cho học sinh về bản và giáo viên cùng về theo để bàn giao, đưa đón các cháu ra trường học và để gần gũi bố mẹ các em, phối hợp quản lí các em tại nhà, đề phòng các em lại trốn vào rừng cùng kiếm măng, bẫy chim, bẫy chuột rồi bỏ học.

Ấy vậy mà cô Toàn đã có hơn 8 năm sống và làm việc như thế, không chỉ là người nắm rõ và biết được đặc điểm của từng hộ gia đình dân tộc Chứt, mà cô Toàn là một trong số ít người nói và hiểu được cả tiếng học sinh dân tộc Chứt.

Đến tháng 8/2015, do tuổi tác và hoàn cảnh gia đình nên cô xin về giảng dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê và đã được các cấp ban ngành đồng ý. Tại đây, cô được dạy gần nhà và có điều kiện để phát huy danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh của mình.

“Giải cứu” con chữ cho học sinh Chứt

Cũng trong khoảng thời gian này, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hương Khê thông báo không tuyển học sinh tiểu học, học sinh dân tộc Chứt sau đó được chuyển về học tại trường nhà Tiểu học Hương Liên. Cũng từ đây việc dạy các em dân tộc Chứt gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu giáo viên kèm cặp.

Để giải quyết bài toán trên, phòng giáo dục huyện Hương Khê đã phát đi một thông báo là cần một giáo viên tăng cường 1 tuần/tháng vào Trường Tiểu học Hương Liên để dạy học cho các em học sinh dân tộc Chứt.

Vốn là một trong những giáo viên có thâm niên trong việc giảng dạy trẻ em dân tộc Chứt, cô Toàn thầm nghĩ, nhiều năm dạy các em ở Trường dân tộc nội trú mà việc học của các em còn gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, một tháng dạy một tuần thì hiệu quả sao được.

Suy nghĩ đó, khiến cô trăn trở rất nhiều, mặc dù sắp nghỉ hưu lại được công tác gần nhà, sức khỏe không còn được như trước nhưng thấu hiểu được khó khăn thiếu thốn của con em dân tộc Chứt. Cuối cùng cô Toàn quyết định viết đơn xin vào ở hẳn để đem con chữ đến với các em.

Nhưng quyết định của cô Toàn lại không được sự ủng hộ từ phía gia đình, đặc biệt là những người con sợ mẹ không đủ sức khỏe để vượt chặng đường hơn 30 cây số rừng núi để vào công tác trong đó.

Rồi cô lại phải làm công tác tư tưởng, phân tích cho mọi người cùng hiểu, đặc biệt là những người con. “Cuộc đời là phải biết hi sinh và cống hiến. Người Chứt đang cần mẹ lúc này nên mẹ không thể bỏ đồng bào mình được” - cô Toàn thuyết phục các con.

Cuối cùng những người con cũng thấu hiểu cho mẹ. Vậy là từ nay học sinh dân tộc Chứt sẽ được mở ra một hy vọng mới, hy vọng về con chữ và tương lai.

Tuy nhiên, lúc mới vào cô Toàn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cô phải đi tất cả các nhà thăm hỏi công việc làm ăn, đi rừng cùng bà con dân tộc để hiểu bà con hơn. Việc học của các cháu cũng thế phải tỉ mỉ, gần gũi, thân thiện với nó thực sự nó mới chịu nghe theo.

Cô Toàn chia sẻ: “Khi vào dạy, mình phải tìm hiểu hoàn cảnh từng em cũng như mức độ tiếp xúc về tiếng Việt để có thể giao tiếp, giảng dạy. Sự gần gũi, thân thiện của giáo viên là mắt xích để các em yên tâm đến trường”.

Thầy Đặng Khánh Tùng - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Liên - cho biết: “Từ ngày cô Toàn tự nguyện vào dạy học, lớp học 14 em học sinh dân tộc Chứt tiến bộ đáng kể, hiện tại các em đã nắm được con chữ, học đến đâu đọc, viết được đến đó và chữ viết rất đẹp.

Bên cạnh đó, thầy Tùng còn chia sẻ một số khó khăn của nhà trường, đặc biệt là đối với học sinh dân tộc Chứt, ở đây các em đi học không có kinh phí ăn, sinh hoạt phí như ở trường nội trú nên các em lười đi học hơn, hiện các em chưa có nhà ăn bán trú, còn thiếu đồ chơi và đồ dùng học tập.

Và giáo viên cũng không được chế độ như giáo viên dạy tại trường nội trú, điều kiện ăn ở và sinh hoạt chưa được đảm bảo để thầy, cô an tâm công tác. Riêng cô Toàn, vì chưa có chỗ ở nên nhà trường đang dùng căn phòng tạm bợ để  cô nghỉ ngơi sau mỗi ngày đứng lớp.

Chia tay Trường Tiểu học Hương Liên, chia tay thầy Tùng, cô Toàn, những người vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng mà chúng tôi thấy ấm lòng giữa cái rét thấu xương nơi miền sơn cước.

Nhân dịp năm mới, chúc cho thầy cô có thêm thật nhiều sức khỏe để tiếp tục ươm mầm ước mơ cho trẻ nghèo vùng cao và đặc biệt là các em học sinh dân tộc Chứt.

Người “gieo chữ” cho học sinh dân tộc Chứt ảnh 1Người “gieo chữ” cho học sinh dân tộc Chứt ảnh 2Người “gieo chữ” cho học sinh dân tộc Chứt ảnh 3Người “gieo chữ” cho học sinh dân tộc Chứt ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.