Đam mê khoa học
Cuốn sách “20 trí tuệ kiệt xuất” làm thay đổi thế giới của NXB Mỹ Thuật cho biết, từ bé, Rosalind Franklin đã không thích búp bê và là một cô bé độc lập, quyết đoán. Cô bé còn luôn đặt câu hỏi với những gì được dạy bảo. Ví dụ như khi cha mẹ nói về Chúa, họ sẽ nhắc đến “ông ấy”, Franklin sẽ hỏi ngay: “Tại sao bố mẹ có thể chắc là Chúa không phải phụ nữ?”.
Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé đã thể hiện khả năng học tập đặc biệt nổi trội. Cô theo học ở Trường Nữ sinh St.Paul và đặc biệt xuất sắc trong các môn khoa học, cũng như tiếng Đức, Pháp, Latin và thể thao. Âm nhạc là môn duy nhất cô học yếu.
Một ngày nọ, khi được hỏi sẽ chọn cuốn sách nào làm phần thưởng, Rosalind Franklin đã chọn cuốn về vật lý lượng tử và năng lượng nguyên tử. Ở tuổi 16, cô đã biết mình muốn trở thành một nhà khoa học.
Năm 1938, cô gái trẻ đến học tại Newnham College, Cambridge, chuyên ngành Hóa học. Năm 1941, cô được trao Second Class Honours trong kỳ thi tốt nghiệp. Chứng chỉ này được chấp nhận như bằng tốt nghiệp đại học để tìm kiếm việc làm. Cambridge bắt đầu cấp bằng cử nhân và thạc sĩ cho phụ nữ từ năm 1947 và những người phụ nữ từng học tại đây sẽ tự động được cấp bằng tương ứng.
Sau đó, Thế chiến thứ hai nổ ra. Bà tham gia đội cứu hộ sau những trận không kích. Trong lúc đó, Franklin vẫn luôn tìm kiếm môi trường để học tập và nghiên cứu.
Bến đỗ sự nghiệp tiếp theo của bà là Hiệp hội Nghiên cứu Ứng dụng Than vương quốc Anh, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về cấu trúc vi mô của nhiều loại than khác nhau. Một số nghiên cứu của Franklin được sử dụng để cải thiện mặt nạ phòng độc và rất nhiều năm sau dùng vào việc chế tạo tàu vũ trụ.
Sau đó, nhà nữ khoa học chuyển đến Paris (Pháp) để làm việc với nhà tinh thể học Jacques Mering, người đã dạy bà về sự nhiễu xạ qua tia X, một cách để “chụp ảnh” vị trí của các nguyên tử trong vật thể rắn như than chì hay kim cương. Sau đó sắp xếp lại cấu tạo các phân tử. Cuối cùng, Franklin dành được học bổng của trường King’s College ở London, nơi bà tiến hành các nghiên cứu về ADN.
ADN là các phân tử đơn giản, nhưng rất đặc biệt: Nó gồm các thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống của bất kỳ sinh vật nào trên Trái đất. Ví dụ như những quy định về màu mắt, màu tóc, màu da đều được “viết” lên ADN và một ngày nào đó, chúng ta sẽ truyền lại những thông tin này cho con, cháu chúng ta. Vào thời của Franklin, ADN là một bí ẩn to lớn và những nhà khoa học giỏi nhất thế giới chạy đua để giải mã nó.
Trường King’s College là nơi có môi trường làm việc trọng nam khinh nữ cực đoan. Tại đây, phụ nữ thậm chí còn không được phép vào phòng ăn để ăn chung cùng nam giới!
Tài năng nhưng yểu mệnh
Một thời gian sau, hai nhà khoa học James Watson và Francis Crick mời Wilkins và Franklin tới thăm quan mô hình ADN họ đang xây dựng sau khi nghe bà gợi ý trong buổi hội thảo rằng ADN có cấu trúc xoắn kép.
Nhưng bà, một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, đã chỉ trích họ gay gắt: “Chúng ta chưa có đủ dữ liệu để tạo mô hình ADN. Mô hình này sai rồi!”. Trong những ngày tháng tiếp theo đó, nhà nữ khoa học làm việc cật lực để tạo ra thiết bị chụp được các bức xạ tia X hiệu quả hơn.
Vào một ngày đẹp trời, sau 100 giờ làm việc và chờ đợi, Franklin đã có một bức ảnh hoàn hảo! Cấu trúc ADN họ nghiên cứu trong thời gian dài đã được chụp lại và nó có cấu trúc xoắn kép! Bà đánh số tấm ảnh với mã “Bức ảnh 51”, rồi cất cẩn thận vào ngăn kéo với dự định sẽ công bố nó sau khi hoàn thành nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Tuy nhiên, sau đó Wilkins lấy tấm ảnh đó mà không cho nhà nữ khoa học biết, rồi vội vã đến chỗ của Watson và Crick thông báo rằng, ông ấy đã có bằng chứng từ chỗ Franklin. Sau đó, họ công bố bài viết trên tạp chí Nature – tờ tạp chí khoa học có uy tín nhất trên thế giới.
“Bức ảnh 51” của bà đóng vai trò then chốt trong việc giải mã cấu trúc ADN, một trong những bước đột phá khoa học lớn nhất và quan trọng nhất trong thế kỷ 20. Thế nhưng, năm 1962, giải Nobel Sinh lý học và Y khoa được trao cho ba người Waston, Crick và Wilkins về phát hiện cấu trúc ADN. Trong lễ trao giải ở Stockholm (Thụy Điển), không một ai nhắc đến những đóng góp của nhà nữ khoa học.
Còn bản thân Franklin thì không thể lên tiếng vì đã qua đời trước đó bốn năm do mắc bệnh ung thư. Việc tiếp xúc thường xuyên với tia X được xem là nguyên nhân gây ra căn bệnh này của bà.
Các quy tắc của Giải Nobel giới hạn số người cho một giải thưởng là ba và cũng giới hạn giải thưởng cho những người vẫn còn sống. Vì vậy, Franklin đã không đủ điều kiện nhận giải Nobel.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bà xứng đáng được đề cập rõ ràng trong giải thưởng và rằng vai trò quan trọng của bà trong việc xác nhận cấu trúc ADN đã bị bỏ qua vì cái chết sớm của bà và thái độ của các nhà khoa học thời đó đối với các nhà khoa học nữ .
Vậy, nguyên nhân gì khiến những cống hiến của Franklin không được ghi nhận? Jenifer Glynn - chị gái của bà cho rằng: “Những định kiến về nữ giới trong khoa học đã không công nhận thành tựu mà nhà khoa học nữ Rosalind Franklin đạt được”.
Dù cuộc sống ngắn ngủi, nhưng Rosalind Franklin đã có những cống hiến to lớn cho nền khoa học của nhân loại. Tuy không được ghi nhận bằng giải tưởng Nobel, nhưng các thế hệ sau vẫn nhớ đến bà là người có công lớn trong việc tìm ra ADN – “bí mật của sự sống”.
Và, dù chuyện Rosalind Franklin bị các đồng sự của mình cướp công là đúng hay sai, thì cũng không thể phủ nhận một điều rằng nhân loại đã từng bỏ qua rất nhiều thành tựu của bà.
Năm 1975, Anne Sayre xuất bản một cuốn tiểu sử về Rosalind Franklin, với mục đích đòi lại công bằng cho bà. Sau này, còn một cuốn tiểu sử khác được viết bởi Brenda Maddos, kể một câu chuyện giàu sắc thái hơn về cuộc đời Franklin.
Năm 2004, Đại học Khoa học Y tế Finch / Trường Y khoa Chicago đổi tên thành Đại học Y khoa và Khoa học Rosalind Franklin để tôn vinh vai trò của Franklin trong khoa học và y học.