Người chị thần đồng của thiên tài Mozart

GD&TĐ - Trong lịch sử âm nhạc, Wolfgang Amadeus Mozart được ghi nhận là nhà soạn nhạc thiên tài có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu.

Hai chị em Mozart hòa nhạc tại cung đình Áo.
Hai chị em Mozart hòa nhạc tại cung đình Áo.

Thế nhưng ít người biết về người chị của ông, cũng là một thần đồng âm nhạc, nhưng chỉ vì sống trong thời đại đầy định kiến với phụ nữ nên tài năng đành mai một.

Cô bé thần đồng

Vợ chồng Leopold và Anna Maria Mozart sinh bảy người con nhưng chỉ có hai người sống quá tuổi ấu thơ, đó là Maria Anna Walburga Ignatia Mozart và Wolfgang Amadeus Mozart.

Leopold Mozart là một nhà soạn nhạc, giáo viên âm nhạc và nghệ sĩ vĩ cầm ở Salzburg, Áo. Dù không nổi tiếng như con trai là Wolfgang Mozart, nhưng ông được các nhà sử học đánh giá cao trong việc truyền thụ âm nhạc cho các con của mình. Ngoài ra, ông còn là một người đàn ông rất mạnh mẽ và nghiêm khắc trong gia đình, nhất là với vợ và con gái đầu lòng.

Maria Anna Walburga Ignatia Mozart, biệt danh là Nannerl, sinh ngày 30/7/1751. Cô bắt đầu học đàn harpsichord khi mới 7 tuổi và được cha dạy cách đọc và viết nhạc. Mỗi lần cô học, cậu bé Wolfgang Mozart thường ngồi cạnh bên chăm chú theo dõi. Hai đứa trẻ nhà Mozart rất thân thiết, thậm chí còn phát triển “ngôn ngữ bí mật” để trao đổi riêng với nhau.

Nannerl được mô tả như một thần đồng âm nhạc bẩm sinh. Wolfgang thần tượng chị mình và xin được cô chỉ dạy từ năm mới lên 3 tuổi. Ông Leopold rất vui khi nhận thấy mình có hai tài năng âm nhạc trong nhà.

Ông đã sắp xếp để hai chị em Mozart biểu diễn trong một buổi hòa nhạc ở Vienna năm 1762 và phục vụ Hoàng hậu Maria Theresa tại cung điện hoàng gia. Sau đó, ông cùng hai con thực hiện một chuyến lưu diễn khắp châu Âu, bao gồm cả Paris, kinh đô âm nhạc thời bấy giờ.

Tài năng của Nannerl được chú ý đến mức tên cô luôn xuất hiện trước tên của em trai trong các thông báo và chương trình biểu diễn. Một bài phê bình đánh giá về buổi hòa nhạc của hai chị em trong chuyến lưu diễn năm 1763 như sau: “Hãy tưởng tượng một cô bé mười một tuổi, biểu diễn những bản sonata và concerto khó nhất của những nhà soạn nhạc vĩ đại trên đàn harpsichord hoặc fortepiano với độ chính xác, nhẹ nhàng lạ thường. Thật là kỳ diệu!”.

Nannerl không chỉ chơi đàn điêu luyện, cô còn là một nhà soạn nhạc tài năng. Wolfgang ca ngợi khả năng sáng tác nhạc của chị mình trong những bức thư trao đổi giữa hai chị em. Kỹ năng của Nannerl ngang ngửa, nếu không muốn nói là tốt hơn Wolfgang.

Tuy nhiên, tên tuổi của cô hầu như không được lịch sử âm nhạc ghi nhận. Chẳng những vậy, các tác phẩm âm nhạc của cô cũng bị thất lạc hoàn toàn và Leopold Mozart không hề đề cập đến những sáng tác của con gái trong những bức thư còn lưu lại.

Leopold Mozart cùng các con Wolfgang và Nannerl. Tranh sơn dầu trên vải của Johann Nepomuk Della Croce vẽ khoảng năm 1780.

Leopold Mozart cùng các con Wolfgang và Nannerl. Tranh sơn dầu trên vải của Johann Nepomuk Della Croce vẽ khoảng năm 1780.

Tài năng mai một

Hai chị em nhà Mozart đã mất liên lạc vào một thời điểm nào đó và họ không còn thân thiết cho đến khi Wolfgang Amadeus Mozart qua đời vào năm 1791. Còn Nannerl sau khi chồng chết vào năm 1801, bà đã trở lại Salzburg và tiếp tục dạy đàn piano cho đến khi lìa đời vào ngày 29/10/1829, hưởng thọ 78 tuổi.

Nếu như hiện nay, với tài năng của mình, Nannerl có thể đã có một sự nghiệp âm nhạc rạng rỡ, nhưng cuộc sống vào thế kỷ 18 lại rất khác, việc phụ nữ sáng tác nhạc, biểu diễn trước công chúng được xem là không phù hợp.

Kể từ năm 1769, ông Leopold không còn để Nannerl đi lưu diễn hay biểu diễn âm nhạc cùng với em trai. Vào những năm 1770, khi Wolfgang Mozart đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật trong những chuyến du lịch ở Italy thì người chị tài năng không kém phải ở nhà với mẹ. Từ năm 1772 trở đi, Nannerl dạy piano ở Salzburg và thông qua công việc này cũng góp phần làm tăng thêm danh tiếng của Leopold Mozart.

Nannerl kết hôn với Johann Baptist Franz von Berchtold zu Sonnenburg vào ngày 23/8/1784 và cùng chồng chuyển đến ngôi làng St. Gilgen, cách nhà ở Salzburg khoảng 29 km. Bà là người vợ thứ ba của von Berchtold (ông đã hai lần góa vợ) và giúp nuôi nấng năm người con của ông từ hai cuộc hôn nhân trước đó.

Nannerl có ba người con, nhưng chỉ một người sống đến tuổi trưởng thành. Dù có gia đình, bà vẫn chơi piano, luyện tập ba giờ mỗi ngày và dạy nhạc ở St. Gilgen.

Không rõ vì lý do gì, người con trai sống lâu nhất của bà, Leopold Alois, lại được cha bà, Leopold, nuôi dưỡng ở Salzburg từ bé. Trong một lá thư, Leopold Mozart viết rằng, ông muốn tự mình nuôi nấng đứa con trai đầu lòng của Nannerl trong vài tháng đầu đời, nhưng rồi, cậu bé lại sống với ông ngoại trong phần lớn cuộc đời của mình.

Trong thời gian xa con, Nannerl luôn nhận được những lá thư từ cha thông báo về những cột mốc quan trọng của đứa bé, như những từ đầu tiên, bước đi đầu tiên…

Hai mẹ con chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong những chuyến thăm ngắn ngủi, nên Nannerl không đóng vai trò gì trong quá trình nuôi dạy đứa trẻ. Về việc này có nhiều giả thuyết khác nhau, một số người cho rằng, Leopold Alois ốm yếu khi mới sinh, cần phải ở lại Salzburg để được chăm sóc tốt hơn.

Nghe có vẻ hợp lý nhưng không hiểu sao Leopold lại giữ cậu bé lâu đến vậy, dù cậu đã khỏe mạnh bình thường. Một số học giả thì nêu giả thuyết, sức khỏe của Nannerl rất kém khi sinh con nên không đủ sức nuôi đứa trẻ.

Cũng có thể do bà quá bận rộn chăm năm đứa con riêng của chồng. Theo nhà viết tiểu sử Maynard Solomon, ông Leopold Mozart có ý định tạo ra một thần đồng âm nhạc nữa trong gia đình nên yêu cầu được nuôi đứa trẻ và Nannerl đã đáp ứng mong muốn này của cha.

Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ