Bán lợn để duy trì bữa ăn bán trú cho trò nghèo

GD&TĐ - Không muốn các em nghỉ học, giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Hà (Kon Tum) quyết định bán lợn để duy trì bữa ăn bán trú.

Hai con heo mà thầy, cô giáo quyết định bán để lấy kinh phí duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh.
Hai con heo mà thầy, cô giáo quyết định bán để lấy kinh phí duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh.

Ngày 27/4, cô Hồ Thị Thuỳ Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cho biết, giáo viên nhà trường đang tổ chức bán hai con lợn để lấy tiền duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh.

Cô Vân cho hay, toàn trường có 669 học sinh, trong đó, có 63 em người dân tộc thiểu số ở điểm trường thôn Ty Tu (xã Đăk Hà) không có chế độ bán trú. Nhà xa, hoàn cảnh khó khăn nên các em thường đi học một buổi rồi chiều không chịu ra lớp.

Mong muốn các em đi học đủ đầy, 3 năm qua, nhà trường đã góp tiền, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ để duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh. Nhờ vậy các em đi học đủ đầy, nâng cao chất lượng dạy học.

Học sinh ở điểm trường Ty Tu dùng bữa trưa miễn phí.
Học sinh ở điểm trường Ty Tu dùng bữa trưa miễn phí.

Theo cô Vân, hiện nay kinh phí để duy trì bữa ăn cho học sinh điểm trường Ty Tu đã hết. Do đó, nhà trường dự định bán hai con lợn mà giáo viên đã góp tiền mua giống và chăm sóc cách đây 10 tháng để tiếp tục bữa ăn. Từ đó mới nâng cao được sĩ số học sinh và đảm bảo công tác dạy học.

“Hai con heo trên nhà trường dự định sẽ chia cho giáo viên và học sinh nhân ngày 20/11. Tuy nhiên, hiện nay việc duy trì bữa ăn cho học sinh điểm trường Ty Tu quan trọng và cần thiết hơn nên chúng tôi quyết định bán”, cô Vân tâm sự.

Vị hiệu trưởng cho hay, với giá thị trường hiện nay nếu bán hai con lợn sẽ được khoảng 6-7 triệu đồng. Số tiền này có thể duy trì được hơn 10 ngày ăn trưa cho 63 học sinh ở điểm trường Ty Tu. Còn giáo viên của trường luân phiên nhau chở thức ăn từ trường chính và điểm thôn Ty Tu để học sinh có thể no bụng. Tuy vất vả, nhưng giáo viên, nhân viên không có bất kì chế độ hỗ trợ nào. Dù vậy, với tình thương yêu và không muốn trò bỏ học thầy, cô luôn cố gắng duy trì bữa ăn bán trú.

“Gần đây, một số nhà hảo tâm cũng đã hỗ trợ ít kinh phí để duy trì bữa ăn cho học sinh. Tuy nhiên, từ giờ đến cuối năm học 2022-2023 nếu thanh toán hết toàn bộ chi phí ăn trưa của học sinh thì số kinh phí đó là không đủ. Do đó, nhà trường đang xoay sở và kêu gọi thêm để đảm bảo các em được no bụng”, cô Vân nói.

Gia đình thuộc hộ nghèo tại địa phương, lại có đến 8 người con nên vợ chồng anh A Dé (thôn Kon Ling, xã Đăk Hà) làm quần quật cả năm cũng chẳng đủ ăn. May mắn người con trai A Hải (học lớp 1A4, điểm trường Ty Tu) được thầy, cô lo cho ăn ở vào buổi trưa vợ chồng anh bớt một phần gánh nặng.

“Gia đình mình khó khăn, khoảng cách từ nhà đến trường lại không đáp ứng để nhận chế độ hỗ trợ bán trú. May mắn con được thầy cô quan tâm, hỗ trợ. Gia đình mình vui, hạnh phúc và biết ơn lắm. Lâu lâu mình có mớ rau, hay ít cũi mang ra góp để thầy, cô nấu ăn cho các con. Nếu không có thầy cô chắc các con về nhà rồi chiều chẳng ra lớp nữa. Mình sẽ cố gắng làm việc để lo cho con được ăn học đến nơi đến chốn, không phụ tấm lòng của thầy cô”, anh A Dé nói.

Cô Hồ Thị Thuỳ Vân chia sẻ, hiện tại nhà trường đang xây dựng chuồng trại để tiếp tục nuôi lợn và vịt xiêm. Tất cả số tiền mua giống và công chăm sóc giáo viên trong trường cùng chung tay hỗ trợ và kêu gọi thêm nhà hảo tâm. Đây không chỉ là nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn cho học sinh mà nhà trường còn sử dụng để duy trì mô hình bán trú.

“Năm học 2023-2024, đơn vị sẽ tổ chức cho 40-50 học sinh mồ côi, nhà xa và có hoàn cảnh khó khăn ở lại từ thứ 2 đến thứ 6. Tuy nhiên, kinh phí hạn chế nên đơn vị sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ để đảm bảo việc ăn học. Từ đó, duy trì được sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời phụ huynh cũng yên tâm lao động, sản xuất khi giao con em cho giáo viên. Dù có khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, hết lòng vì học sinh”, cô Vân bộc bạch.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) có 669 học sinh, nhưng đến 97% các em là người dân tộc thiểu số. Trong đó có 394 em được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116, gồm: 15kg gạo, 149.000 đồng tiền ở và 569.000 đồng tiền ăn/tháng. Ngoài ra 667 học sinh được nhận khoản hỗ trợ về chi phí học tập. Thế nhưng không có cơ chế, chính sách cho giáo viên nấu ăn, trực quản lý học sinh bán trú và kinh phí xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất nhà ở nội trú, bếp ăn học sinh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.

mua gà bó xôi ở đâu