Người “chép sử ” bằng ảnh

GD&TĐ - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng qua đời sáng 21/10 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, thọ 104 tuổi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.

Tin ấy khiến tôi nhớ đến những bức ảnh đen trắng của ông kể về Hà Nội những năm 30 - 40 của thế kỷ XX. Thuở ấy, Hà Nội không có nhiều máy ảnh như bây giờ. Chụp ảnh đa số là người nước ngoài. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng có lẽ là một ngoại lệ thú vị.

Ngược về thời trai trẻ

Nghệ sĩ nhiếp ảnh  Lê Vượng sinh năm 1918. Từ năm 1945 tới 1954, ông đi kháng chiến, làm việc tại Thanh Hóa. Năm 1954 tới 1962, Lê Vượng làm biên tập ảnh và sáng tác ảnh tại NXB Mỹ thuật Âm nhạc. Năm 1962 tới 1984, NSNA Lê Vượng làm công tác nhiếp ảnh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1985, ông nghỉ hưu, tiếp tục công việc sáng tác ảnh và tham gia các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng từng được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba…

Một chiều cuối thu năm 2016. Trong căn biệt thự cũ trên phố Trần Quốc Toản (Hà Nội), lão nghệ sĩ Lê Vượng đeo máy trợ thính, ăn vận lịch sự, ngồi chờ khách trong phòng trên tầng 2. Trong căn phòng khách giản dị, ngập tràn những kỷ vật như cất lên tiếng nói của một thời.

Thời ấy đã xa, nhưng vẫn vẹn nguyên trong ký ức của thệ hệ những người như nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng. Đó có thể là bức ảnh đen trắng chụp cầu Thê Húc, là mái phố cổ Hà Nội nhấp nhô, hay những kỷ vật gắn với nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, các họa sĩ Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái...

Tôi đã dừng lại rất lâu ngắm 3 bức tranh vẽ “Bà Vượng” - người bạn đời của nghệ sĩ Lê Vượng, do họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tặng, hay chân dung Lê Vượng của họa sĩ Bùi Xuân Phái... Đặc biệt, trong không gian này còn có bức tranh quý của danh họa Lê Phổ, là chú ruột, đồng thời cũng là “người thầy đầu tiên” trong nghệ thuật của nghệ sĩ Lê Vượng…

Một không gian của những câu chuyện đong đầy ký ức, một không gian đã gắn bó với ông trong suốt hơn nửa thế kỷ qua… Nhìn ngắm những kỷ vật này cũng là nguồn vui những năm tháng hoàng hôn cuộc đời của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.

Những đứa trẻ.

Những đứa trẻ.

Cũng trong không gian ấy, tôi được nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng kéo ngược về thời trai trẻ của ông. Theo lời kể của lão nghệ sĩ, ông làm quen với nghề ảnh từ năm 1935, khi đó mới 17 tuổi. Số là khi ấy người cậu ruột mua lại hiệu ảnh Khánh Ký nổi tiếng nhất Hà Nội thời đó.

Một năm sau, ở tuổi 18, Lê Vượng với chiếc máy ảnh và chiếc ô tô vừa được gia đình tậu cho, đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt, xuyên Đông Dương đầu tiên của đời mình. Chuyến đi ấy kéo dài mấy tháng trời.

Sau này, nghệ sĩ Lê Vượng còn thực hiện nhiều chuyến đi khác không chỉ trong nước mà đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia trên thế giới như Nga, Pháp, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc... Dù đi đâu, làm gì thì vật bất ly thân của ông chính là chiếc máy ảnh, có khi ông còn đem theo vài ba chiếc.

Ông tâm sự: “Tôi chụp ảnh vì yêu thích, say mê. Tôi thấy đất nước mình quá đẹp và với tình yêu Hà Nội, tôi không thể dừng chụp ảnh. Bản thân tôi không thể nào rời được chiếc máy ảnh, đi đâu cũng muốn chụp…”.

Đau đáu với những vẻ đẹp có thể bị biến mất

Phố Hàng Cân.

Phố Hàng Cân.

Cùng trò chuyện với tôi hôm đó, còn có con trai thứ của ông - anh Lê Cường. Theo anh Cường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng gặp gỡ, kết bạn với nhiều nghệ sĩ lớn của Hà Nội cùng thời không chỉ đơn thuần là vì công việc, mà là sự chia sẻ tâm đắc về nghệ thuật, về cuộc sống, về những điều đau đáu của những nghệ sĩ bậc thầy đối với Hà Nội thân thương. Đó là những người luôn trăn trở với Thủ đô, với những vẻ đẹp có thể sẽ vĩnh viễn mất đi.

Anh Lê Cường cho tôi xem những tập ảnh quý do nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã mất bao công sức để đi và chụp. Phải là một “cậu ấm” con nhà có điều kiện khi đó, thì mới đi được nhiều và chụp được nhiều như thế.

Những bức ảnh về vùng cao, về trang phục truyền thống của 54 dân tộc trong ống kính của nghệ sĩ Lê Vượng những năm giữa thế kỷ XX, giờ trở thành tư liệu quý giá cho công tác nghiên cứu văn hóa.

Đây là bộ sưu tập ảnh khiến ông mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc bởi vì phải đi khắp nơi, lặn lội đến những vùng sâu nhất, xa nhất, thậm chí là cao nhất nước thì mới tìm được đúng những trang phục truyền thống nguyên bản của một dân tộc.

Tôi cũng được biết, phòng trưng bày, sưu tập trang phục của các dân tộc của Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có công lao lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng còn có công trong việc ghi lại những hình ảnh về kiến trúc, điêu khắc cổ ở các đình chùa tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều đó, giúp thế hệ sau có những tư liệu so sánh, đối chiếu vô cùng hữu ích.

Và tất nhiên, Hà Nội nữa. Những cảnh, những người, những phương tiện giao thông trên đường phố đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng ghi lại, giờ trở thành tư liệu quý cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về một Hà Nội cũ.

Cầu Thê Húc.

Cầu Thê Húc.

Đó là bóng cầu Thê Húc có cây phượng già nghiêng nghiêng in bóng xuống mặt hồ; là bóng Tháp Rùa rêu phong; là những chiếc ghế đá cong mềm mại bên Hồ Gươm; là phố cổ Hà Nội mái ngói vảy cá lô xô; là cổng chùa Trấn Quốc giản dị trầm mặc bên hồ Tây sương khói; là cầu Long Biên sừng sững vắt ngang sông Hồng...

Nghệ sĩ Lê Vượng cũng chụp khá nhiều ảnh về phía cuộc sống đời thường, nơi có người đạp xích lô mệt mỏi ngủ gật đợi khách, nơi có những đứa trẻ bám đu tàu điện, gắng hết sức chở em đến trường... Với Hà Nội, có lẽ dấu chân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã in trên mọi phố phường...

Xem ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng, tự nhiên tôi cảm giác ông như là một người “thư ký” cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc. Ông không quá nắn nót chỉ để bắt lấy những khoảnh khắc đẹp theo thẩm mỹ thời ấy, như từng thấy đâu đó trong ảnh của một vài nghệ sĩ khác.

Cũng có thể, bởi ông có nghề ảnh trong tay, lại dư dả hơn, nên việc chụp cũng thoải mái hơn? Vì thế, bây giờ, trong kho ảnh nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng để lại, có thể thấy được nhiều câu chuyện về văn hóa, cuộc sống người dân ở nhiêu vùng đất.

Sinh thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái từng nhận xét: “Lê Vượng chụp ảnh đã thành tinh!”. Còn nhà văn hóa Hữu Ngọc thì nhận xét: “Ảnh của ông thể hiện những nét đẹp độc đáo của các dân tộc trên đất Việt Nam, khơi dậy tình yêu quê hương chân thành, giản dị, chất “xa lạ” (Exotic) luôn cuốn hút người thưởng ngoạn”.

Về nhiếp ảnh, nghệ sĩ Lê Vượng đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia nhiều triển lãm ở Rumani, Pháp, Ba Lan, Malaysia, Liên Xô (cũ), Nhật Bản, Mỹ, Canada, Pháp...
Ông là thành viên Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) và được phong Tước hiệu AFIAP. Ông cũng đã được nhận nhiều giải thưởng quốc tế: Giải thưởng Bifota (Đức) với tác phẩm “Đôi bàn tay khéo” (1967), giải Nhì triển lãm ảnh tại Liên Xô (1972) với tác phẩm “Nghệ nhân Song Hỷ” thêu tranh, Huy chương Đồng CHDC Đức năm 1973 cho tác phẩm “Ruộng bậc thang”, Giải ACCU (Nhật Bản) năm 1984 với tác phẩm “Hội Đền Hùng”… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.