Vừa bỏ chiếc tai nghe thuyết minh lên bàn sau khi chăm chú xem những hiện vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm tham quan bảo tàng bằng tai nghe thuyết minh, thật thú vị và hữu ích. Trong số bảo tàng phía Bắc từng tham quan, tôi chưa thấy ở đâu áp dụng công nghệ này".
Nữ du khách cho biết, so với giá thuê hướng dẫn viên, nghe thuyết minh qua audio có giá rất hợp lý. "Hy vọng thiết bị này tiếp tục được triển khai thêm bằng nhiều thứ tiếng khác để phục vụ du khách", chị Hà nói thêm.
Tai nghe thuyết minh bao gồm một máy phát âm thanh MP3, một thẻ chứa mã số hiện vật và tai nghe. Bên trong máy phát chứa thẻ nhớ 8Gb phát âm thanh thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Việt mô tả nội dung của hiện vật, phát nhạc và các âm thanh khác như: tiếng chim hót, nước chảy róc rách, tiếng sóng biển…
Được tích hợp hai ngôn ngữ, chiếc tai nghe đóng vai trò như "hướng dẫn viên số". Chỉ cần nhập mã số hiện vật vào máy phát âm thanh MP3, tai nghe sẽ tự động thuyết minh cho khách tham quan biết về nguồn gốc, giá trị của hiện vật có trong bảo tàng.
Chủ nhân của sáng chế này là anh Hồ Hải Duy (37 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng). "Việc đưa ứng dụng tai nghe thuyết minh vào quảng bá các hiện vật trong bảo tàng được mình ấp ủ rất lâu. Không ngờ ý tưởng của mình được nhiều người ủng hộ như vậy", anh Duy nói.
Năm 2008, anh Duy nghỉ công việc hướng dẫn viên du lịch ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm sang Mỹ học công nghệ thông tin. Song tình yêu với những hiện vật ở bảo tàng vẫn thu hút, thôi thúc anh phải tìm cách quảng bá được những nét văn hóa độc đáo của người Chăm đến mọi người.
Một lần tình cờ tiếp cận với công nghệ tai nghe thuyết minh, anh Duy quyết sáng chế thiết bị dành riêng quảng bá các hiện vật Chăm. Vận dụng những kiến thức công nghệ thông tin đã học trước đó, anh mày mò công nghệ làm thiết bị tai nghe của nước ngoài. Sau thời gian tìm hiểu, để làm ra sản phẩm tai nghe như hiện tại sẽ có chi phí rất đắt nên anh chuyển hướng sử dụng những thiết bị có sẵn ở thị trường Việt Nam.
Anh Duy cho biết sắp tới sẽ phát triển thêm nhiều thứ tiếng ở thiết bị này. |
Các linh kiện điện tử ở Việt Nam chi phí rẻ nhưng khi đó anh Duy ở Mỹ, phải nhờ bạn gửi qua nên tốn kém rất nhiều. Để có tiền "đổ" vào việc sáng chế, ban ngày anh làm thêm ở tiệm nail, chiều đến xin phụ bếp tại nhà hàng Nhật. Thiết bị hoàn thành sau hơn nửa năm anh Duy mày mò nghiên cứu.
Khi đề xuất ý tưởng đưa tai nghe vào phục vụ du khách, anh Duy được lãnh đạo Bảo tàng Chăm đồng ý ngay. Bên bảo tàng sẽ chịu trách nhiệm nội dung, còn anh thuê người dịch và thu âm lại nội dung bằng hai thứ tiếng vào thẻ nhớ, sau đó lắp ghép hoàn chỉnh vào máy phát âm thanh MP3.
Sau khi về nước, bỏ qua rất nhiều cơ hội làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh Duy quyết định gắn bó sự nghiệp ở Bảo tàng Chăm với vai trò là nhà đầu tư thiết bị tai nghe thuyết minh. Đầu năm 2013, ứng dụng tai nghe thuyết minh đưa vào sử dụng, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách.
Ngoài sản phẩm tai nghe thuyết minh, anh Duy còn cho ra đời chiếc hộp đựng bảo tàng. Sản phẩm gồm tinh thể pha lê thủy tinh bên trong có tượng Tiên nữ Apsara và phần đèn Led tích hợp máy phát âm thanh MP3. Cũng có chức năng như tai nghe thuyết minh, sản phẩm phát ra âm thanh thuyết minh đa ngôn ngữ về các hiện vật. Chiếc hộp tuy nhỏ nhưng chứa đựng tất cả giá trị văn hóa của Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
"Tôi dự định sẽ tích hợp thêm nhiều ngôn ngữ vào ứng dụng tai nghe để hỗ trợ khách du lịch đến tham quan bảo tàng. Ngoài ra, tôi cũng sẽ sử dụng dịch vụ cho một số lĩnh vực khác và hy vọng nhận được sự ủng hộ của mọi người", anh Duy cho biết thêm.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cho biết ứng dụng tai nghe thuyết minh nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ khách tham quan. Nó không chỉ giúp du khách dễ dàng tìm hiểu được thông tin về các hiện vật mà còn quảng bá văn hóa Chăm đến đông đảo du khách quốc tế.