Người chăn nuôi ở Nghệ An lao đao vì giá thức ăn tăng cao

GD&TĐ - Nhiều tháng qua, giá thức ăn công nghiệp tăng cao khiến người chăn nuôi ở Nghệ An lâm vào tình cảnh khó khăn. Một số trang trại phải giảm quy mô hoặc tạm dừng tái đàn.

Giá thức ăn chăn nuôi đang là gánh nặng với nhiều hộ chăn nuôi.
Giá thức ăn chăn nuôi đang là gánh nặng với nhiều hộ chăn nuôi.

Liên tục trong nhiều tháng qua, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến giá các loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp đồng loạt tăng theo từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng với việc giá xuất chuồng lợn hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi ở Nghệ An đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Đang nuôi hơn 100 con lợn thịt, anh Nguyễn Quốc Đồng (trú huyện Thanh Chương) cho biết, những năm trước, gia đình anh chăn nuôi lợn năm nào cũng đều có lãi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, giá thức ăn công nghiệp liên tục tăng cao khiến lứa lợn xuất chuồng cách đây 2 tháng bị thua lỗ hàng chục triệu đồng.

“Dù lứa lợn vừa qua bị lỗ nhưng tôi vẫn nhập lợn giống về nuôi tiếp, tuy nhiên với chi phí cao thế này mà giá lợi hơi không tăng thì chắc chắn lại lỗ tiếp. Gia đình tôi đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, bán không được nhưng giữ nuôi cũng chẳng xong”, anh Đồng suy tư.

Cũng lâm vào cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Tiến (trú huyện Nghi Lộc) hiện đang nuôi hơn 200 con lợn thịt cho biết, sau lứa này gia đình anh quyết định sẽ không tiếp tục tái đàn.

“Với mức giá thức ăn công nghiệp như hiện nay, giá lợn hơi phải từ 70.000 đồng/kg trở lên mới có lãi, trong khi đó giá lợn hơi bây giờ chỉ còn 50.000 đồng/kg. Đàn lợn của tôi hiện nay mới hơn 70kg/con nên phải tiếp nuôi, sau lứa này gia đình sẽ tạm ngừng nuôi để nắm bắt tình hình thị trường”, anh Tiến chia sẻ.

Giá đầu vào tăng, đầu ra giảm khiến nhiều trang trại lớn phải giảm quy mô.
Giá đầu vào tăng, đầu ra giảm khiến nhiều trang trại lớn phải giảm quy mô.

Chị Phạm Thị Hiên – chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết, theo các đại lý bán thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn công nghiệp cho gà có giá giao động từ 12-15 triệu đồng/tấn; thức ăn cho lợn con từ 18-22 triệu đồng/tấn, còn cho lợn thịt 12-15 triệu đồng/tấn. Mức giá này tăng khoảng 15-25% so với thời điểm năm ngoái.

“Trong khi giá thức ăn tăng thì giá bán đầu ra lại giảm. Vừa qua, chúng tôi có đi kiểm tra các cơ sở chăn nuôi thì giá thức ăn tăng mạnh khiến một số trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ phải dừng nuôi, trong khi đó những trang trại lớn phải giảm quy mô hoặc nuôi cầm chừng. Nếu giá đầu ra tiếp tục giảm thì người dân không còn cầm cự được”, chị Hiên chia sẻ thêm.

Ông Trần Võ Ba - Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Nguyên nhân chủ yếu do ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá nguyên liệu chiếm khoảng 80-85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên giá thế giới tăng tác động trực tiếp tới giá thành trong nước.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển, kho bãi tăng mạnh theo. Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá trong khi giá thành bán ra có xu hướng giảm gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Dự báo giá thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Để đối phó với tình trạng này, ông Ba cho biết, ngành chăn nuôi ở Nghệ An đang triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Đồng thời cử cán bộ hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành thức ăn, phương pháp bảo quản sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng…

Bên cạnh đó, khuyến khích tuyên truyền người dân tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cám, ngô, chuối... nhằm hạn chế chi phí mua thức ăn hỗn hợp công nghiệp. Khuyến khích chuyển nuôi các loại gia súc ăn cỏ như dê, thỏ, bò, trâu… bởi loại gia súc này hạn chế tối đa thức ăn công nghiệp.

Theo Cục Thống kê Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 931.620 con lợn (tăng 2,61% so với cùng kỳ năm ngoái); 31.146 con gia cầm (tăng 7,82% so với cùng kỳ năm ngoái). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 266.619 tấn; sản lượng trứng ước đạt 641.840 ngìn quả. Toàn tỉnh có gần 941 trang trại chăn nuôi, trong đó, 21 trang trại bò, 438 trang trại lợn và  482 trang trại gia cầm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chiến đấu cơ Mỹ xuất kích tấn công Houthi.

Mỹ tấn công 'yết hầu' của Houthi

GD&TĐ - Liên quân Mỹ-Anh đã tiến hành các cuộc không kích mới vào thành phố cảng chiến lược Hudaydah do Houthi kiểm soát vào sáng 31 tháng 10.

Minh họa/INT

Răn đe hạt nhân

GD&TĐ - Nga tuyên bố bác tin nước này đang đàm phán với Ukraine, một động thái như cú bồi dập tắt tia hy vọng về thỏa thuận cho cuộc xung đột hiện nay.