Lão thực, minh triết
Trong văn giới, ông rất nổi danh, nhưng như có người nhận xét: ông lặng lẽ trong văn chương, như vị mắm ba khía quê ông, ai không quen thì tò mò, mà quen rồi thì phát ghiền. Ông sẵn sàng rời bỏ mọi hào quang của một nhà văn để trở về sống cuộc sống của một người nông dân bình dị. Theo nhà thơ Thanh Thảo, thời chống Mỹ, ở rừng, ông thường xuyên xung phong đi công tác chiến trường, về bám đồng bằng.
Và trong những chuyến đi dài ngày đó, bao giờ nhà văn cũng mang sẵn trong bòng…vài trăm lưỡi câu với một cuộn dây nhợ. Cứ mỗi khi tới trạm giao liên giữa đồng nước mênh mông, trong khi mọi người tranh thủ giăng võng nằm nghỉ thì ông lọ mọ giở đồ nghề ra câu. Chỉ cần khoảng một tiếng đồng hồ, ông đã câu đủ cơ số cá cho đội công tác ăn cả ngày.
Trước 1954, Trang Thế Hy tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông lên Sài Gòn mưu sinh và có nhiều sáng tác gây ấn tượng mạnh. Năm 1960, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam (hai năm) vì tội vẫn tham gia Cách mạng. Sau đó ra tù, ông tìm vào chiến khu tiếp tục hoạt động cho đến ngày cả nước thống nhất (1975) thì về lại Sài Gòn. Sau này nhìn lại đoạn đường dài từ 1945 đến 1975, ông thành thật cho biết: “30 năm chiến tranh tôi được nhân dân nuôi. Phần đời còn lại, tôi kiếm sống bằng nhiều nghề không chuyên như kiểm vé xe điện, thủ kho, dạy kèm, thư ký hãng buôn, sửa bản in, thư ký kế toán và… viết văn”.
Năm 1990, Trang Thế Hy về hưu. Ngay từ ngày đó, ông nói: “Già rồi… đi chỗ khác chơi”. Và Đi chỗ khác chơi thành tên một tác phẩm nổi tiếng của ông. Nhưng nơi ông tìm về không phải chỗ chơi mà là chỗ ông đã gắn bó và ra đi: Bến Tre, quê ông. Ở đó có Nắng đẹp miền quêngoại, có Tiếng khóc và tiếng hát… mà ông từng chiêm nghiệm và viết thành truyện trước khi vô bưng.
Tại đây, ông có 4,5 công đất trồng dừa với thu hoạch trung bình khoảng 400 trái dừa/tháng (tức gần 4 triệu đồng tính theo thời giá hiện nay). Có lần, một nhà báo hỏi ông: là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, ông thích nhà nào nhất, Trang Thế Hy nói ngay: “Có lẽ tôi thích nhà tôi nhất! Một ngôi nhà còm cõi, gầy hao sau chừng đó năm tháng lặng lẽ buồn nhìn tôi ra đi và lặng lẽ vui thấy tôi trở về”.
Cách phát ngôn minh triết như thế thường thấy nơi Trang Thế Hy. Ông rất nghiêm túc với bản thân. Có lần ông nói, ở tuổi ông (ngoài 80) đang là giai đoạn mục rữa (ông rất hay dùng chữ mục rữa, có lẽ vì muốn nhìn thẳng vào sự khắc nghiệt của thời gian) nhưng mục rữa cũng phải như thế nào để coi cho được. Với bức chân dung ông do họa sĩ Nguyễn Trung vẽ, ông nói Nguyễn Trung không vẽ chân dung ông mà vẽ “nỗi buồn mang gương mặt Trang Thế Hy”.
Đó là một sự tự nhìn nhận về mình một cách chính xác, vì ông luôn buồn, một nỗi buồn kiểu triết nhân ưa nghiền ngẫm cuộc sống. Cả khi bàn về văn chương, ông cũng triết lý trên nỗi buồn: “Các gánh hát về làng quê thường phát loa dọc các bến sông: “Tối nay gánh hát chúng tôi sẽ trình diễn vở tuồng... Xin mời bà con đến coi, trước mua vui, sau làm nghĩa”. Tại sao trước mua vui? Vì cuộc sống vốn đầy nỗi buồn. Xin đừng gắn cho văn chương những lời hoa mỹ, to tát kiểu như “cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Đối với tôi, văn chương mà có tác dụng “giảm đau” đã là quý lắm rồi!”
Chân dung Trang Thế Hy do họa sĩ Nguyễn Trung vẽ |
Viết văn là để tu thân
Trang Thế Hy tự sự: “Viết văn là tu thân, là đương đầu với nỗi buồn. Nếu không biến được nỗi buồn thành người bạn đường, thì cũng không để nỗi buồn nhận chìm mình trong trầm cảm”.
Với thái độ “thành khẩn” gần như tuyệt đối với văn chương như thế, dễ hiểu vì sao Trang Thế Hy không viết nhiều. Chính ông cũng tự gọi mình là “người tình thủy chung nhưng hờ hững của văn chương”. Ông tâm tình: “Tôi không yêu văn chương đủ như Roméo có thể chết vì Juliette. Người - tình - văn - chương độc chiếm trái tim tôi nhưng nếu người ta có thể dành cả đời viết văn, làm thơ để nồng nhiệt tỏ tình với “nàng” thì tôi, tuy rất yêu nhưng nhiều khi chỉ nghĩ về nàng! Ai cũng hiểu văn chương là nghệ thuật ngôn từ nên chỉ nghĩ thôi thì tác phẩm chưa được sinh thành. Bởi vậy nói tôi chưa thực sự là nhà văn là tôi đã rất biết phận mình!”.
Trước 1945, Trang Thế Hy từng học trường Tây nên ông rất yêu thích văn học Pháp. Ông hay nói: “Các nhà văn Pháp họ viết nhiều hơn nói”. Riêng đối với nhà văn Mỹ Hemingway, ông coi là bậc thầy. Ông thường mượn những câu chuyện của Hemingway để gửi gắm thông điệp về văn chương.
Ông nhớ nhất câu nói này của Hemingway khi bàn về những điều kiện cần có của một nhà văn: “Có năm điều kiện. Một là thái độ chính trị, hai là đàn bà, ba là chất kích thích, bốn là tham vọng và điều kiện thứ năm chính là thiếu bốn điều kiện trên”. Tức là nói cho cùng, nhà văn viết văn không phải để làm chính trị, để có người đẹp theo đuổi, để hưởng thụ vật chất, để trở thành nổi tiếng, giàu có. Nhà văn viết vì chính nhu cầu của tự thân. Và, theo ý ông, khi không còn bị thúc bách bởi nhu cầu viết nữa thì nhà văn nên nghỉ viết!
Trang Thế Hy đặc biệt rất sủng mộ Tagore, ông cho rằng thơ tình Tagor là nhất thế giới. Và những vần thơ dưới đây của Tagore, ông rất thường hay ngâm ngợi: Nơi nào mà mọi con đường được vạch sẵn /Tôi đi lạc /Hãy nhìn trời xanh và biển khơi /Đâu có lằn vạch nào /Tôi hỏi trái tim tôi /Có phải máu của mi có huyền năng làm cho đôi mắt nhìn thấy được lối đi ẩn khuất…
Đó cũng là một thông điệp của riêng ông gửi đến các bạn văn: Đừng đi theo những hướng đã vạch sẵn (sẽ lạc), chính trái tim (chân thật) của mình sẽ mách bảo nên đi hướng nào!