Nhà giáo yêu thơ
Năm 1952, khi đang là giáo viên cấp 3, ông đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Nghệ An. Năm sau, ông hoạt động trong phong trào văn nghệ Liên khu bốn với các nhà thơ tên tuổi như Lưu Trọng Lư, Trần Hữu Thung, Vĩnh Mai để rồi đến năm 1957, ông được điều ra làm biên tập viên mảng văn học ở Nhà Xuất bản Thanh Niên cho đến khi về hưu.
Thơ văn gắn bó với đời ông như nhà nông với ruộng đồng. Không có tuổi hưu và không ngưng nghỉ làm thành một cốt cách văn thơ ít người có được.
Thủa nhỏ, ông học giỏi (thi đậu và tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh như ông khi đó rất hiếm). Có lần, nghe tin ông giỏi tiếng Anh, Pháp, ông Phan Đăng Dương là em ruột nhà trí thức cách mạng tiêu biểu Phan Đăng Lưu đã đến thi thố và thách đấu về vốn ngoại ngữ với ông. Sau đợt đó ông Phan Đăng Dương đã rất vị nể ông.
Là biên tập viên, sau đó là Trưởng phòng Văn học Việt Nam và biên tập cả mảng sách dịch của nhà xuất bản, ông là bà đỡ mát tay của nhiều nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Trường Thanh kể: “Tôi trở thành nhà văn cũng là nhờ công nhà thơ Phan Xuân Hạt”. Tiêu biểu như cuốn “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh đã không được in sau khi gõ cửa nhiều nhà xuất bản và khi gặp nhà thơ Phan Xuân Hạt thì cuốn sách mới được ra đời một cách thuận nhất.
Còn nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Từ Trang trong bài viết về ông đăng trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn) đã viết: “Ông có một trí nhớ tuyệt vời, là cuốn từ vị sống về nhiều lĩnh vực”.
Tai nạn nghề
Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim kể: “Thời đi học ĐH, ông và nhiều SV rất thích bài thơ “Hạnh phúc khôn tròn” của nhà thơ Phan Xuân Hạt in ở tập thơ “Tình yêu” (Nhà Xuất bản Thanh Niên):
Ôm em vào lòng
Anh hôn lên đôi má chín hồng
Bỗng đài khuya truyền tin dữ nhất
“Mỹ lại thử bom hạt nhân
dưới đất”
Hai đứa ngập ngừng
Chiếc hôn hôn dở nửa chừng
Hạnh phúc, em ơi
Chưa trọn thúng đầy thưng!
Bài thơ sau đó bị phê bình là hữu khuynh. Nhà thơ Phan Xuân Hạt kể, trong một lần họp với Hội Nhà văn, nhà thơ Tố Hữu đã nói riêng với ông: “Tôi không nhắc tên cậu mà chỉ nhắc tên bài thơ”. Chính câu kết: “Hạnh phúc em ơi chưa trọn thúng đầy thưng” đã làm ông bị “tai nạn” nghề nghiệp. Sau này, bài thơ được dịch in trên sách báo của nhiều nước như Liên Xô, Tiệp Khắc, Đức, Hungari, Nhật Bản và ông đã được minh oan.
Năm 1997, ông gửi tặng Tổng thống Pháp khi đó là Jacques Chirac một chùm thơ bằng tiếng Pháp đăng trên Le courier du Viet Nam (VNTTX) và Tổng thống Pháp đã gửi thư cảm ơn cùng với những dòng khen ngợi cảm phục về trình độ tiếng Pháp của ông: “…Xin gửi đến vị giáo sư cũ về tiếng Pháp, đến nhà thơ tài năng, đến người bạn của nước Pháp, những tình cảm quý trọng của tôi…”.
Năm 2012, ông in hợp tuyển thơ Phan Xuân Hạt bao gồm thơ chọn trong số 10 tập thơ. Trong đó, có nhiều bài thơ của ông được dịch in ra nhiều thứ tiếng (có bài thơ được đọc trong lễ kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp 1789 - 1989).
Ông cũng từng nhiều năm làm Hiệu trưởng Trung tâm Bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ Thanh niên xung phong cách mạng chủ nghĩa (tiền thân của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn). Trung tâm đã góp phần đào tạo nên nhiều nhà văn tên tuổi, trong đó có nhà văn Lê Minh Khuê. Ở đó, ông có nhiều kỷ niệm đẹp với những nhà thơ lớn của dân tộc như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên khi họ là giảng viên còn ông là “sếp”.
“Ngân vọng tiếng chuông riêng”
Nói đến cuộc đời, con đường thơ văn của ông không thể không nhắc đến công lao của vợ ông, bà Cao Thị Bạch Hường (quê ở xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An).
Bà Hường là học trò ông khi ông dạy học ở Diễn Châu thời kháng chiến chống Pháp. Khi đó, bà đã có người bỏ trầu (sau này người đàn ông đó đã làm lên đến Thứ trưởng Bộ Y tế) nhưng bà đã trả lễ mà lấy ông.
Ở nhà, vợ ông là người chu toàn mọi bề để ông yên tâm dạy học và theo nghiệp văn chương. Năm người con học hành đầy đủ, trưởng thành cũng một tay vợ ông lo liệu. Ngôi nhà làm khi tuổi đã gần 60 cũng vợ ông lo toan cả, ông chỉ có bạn thơ và thơ là nhiều.
Sau này, ông có một bài thơ khá ấn tượng viết về bà: “Em là ngôi chùa đẹp thiêng liêng/Để lòng anh đi về chiêm ngưỡng/Anh đến hành hương dù cho có muộn/Vẫn chùa em ngân vọng tiếng chuông riêng” - (Ngôi Chùa thiêng liêng).
Đồng cảm với ông, nhà thơ Trần Lê Văn Văn, bạn thân của ông đã viết: “Tình yêu dẫu chuyện trần thế/Đã vào đến cõi thiêng liêng” - (Với Khoảng xanh êm còn lại - Báo Văn nghệ 1995).
Tôi vẫn ấn tượng bởi hai câu thơ của ông đã in trong một tập từ điển thơ tình thế giới (Nhà Xuất bản Mũi Cà Mau, còn ông thì nói đã dịch in ở Pháp): “Tình yêu nếu ví là trận đánh/Kẻ chiến bại lại chính cả hai ta”.
Thơ ông không đẹp, bóng bảy kiêu sa hay cầu kỳ câu chữ mà triết lý bật lên từ cảm xúc: “Một nửa lá cành con giông bão/Nửa kia trái chín vẫn mong chờ” - (Viết dữa cơn đau).
Ông mất năm 2014 và tôi tin, thơ ông vẫn còn gieo vào lòng bạn đọc ở một mức độ nào đó, dù ông không có cơ may được nổi tiếng rộng rãi như những nhà thơ nổi tiếng khác.