Ngược xuôi lo Tết cho trò nghèo

GD&TĐ - Cận Tết, nhiều nhà trường, thầy cô vùng khó lại ngược xuôi lo Tết cho trò. 

Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa tham gia gói bánh chưng. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa tham gia gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Những món quà mang giá trị chưa nhiều nhưng với học sinh hoàn cảnh khó khăn thì đây là nguồn động viên ý nghĩa để các em vui đón Tết cùng gia đình.

Vượt rừng mang Tết cho trò

Tết Nguyên đán cận kề nhưng thầy Nguyễn Ngọc Hiển (cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn ngược xuôi kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng từ đôi dép, áo ấm, bút vở đến quà Tết, cho học trò nghèo nơi đại ngàn Trường Sơn với mong muốn động viên các em đón Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình.

Dù không trực tiếp đứng lớp nhưng nhiều năm qua với sự thấu hiểu, sẻ chia, tình thương học trò, thầy Hiển đã nỗ lực kết nối thành công nhiều nhà hảo tâm tổ chức các chương trình thiện nguyện hướng đến học sinh vùng khó. Tấm lòng của thầy không chỉ mang lại giá trị vật chất, mà hơn thế tạo động lực, niềm vui để các em học tập, duy trì sĩ số sau Tết.

Chia sẻ về hành trình kết nối yêu thương giúp học trò nghèo không mất Tết, thầy Hiển cho biết đã gắn bó với ngành Giáo dục lâu năm, đi nhiều nơi, đến nhiều trường, đặc biệt các điểm trường vùng khó. Được chứng kiến biết bao nhọc nhằn, thiệt thòi của học sinh dân tộc khi cắp sách tới trường khiến bản thân cảm thấy cần có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện vật chất, tinh thần nhiều hơn cho các em. Khi nào học trò chưa có “điểm tựa” vững chắc thì không thể yên tâm học tập, thậm chí nhiều em phải nghỉ học giữa chừng...

Thầy Nguyễn Ngọc Hiển (cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đến với học sinh ở những điểm trường khó khăn nhất. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Ngọc Hiển (cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đến với học sinh ở những điểm trường khó khăn nhất. Ảnh: NVCC

“Tôi luôn cố gắng mọi cách để hỗ trợ học trò, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Dù chỉ là quyển vở, cây bút, đôi dép, hay chiếc áo ấm, gói bánh, hộp kẹo… cũng có thể động viên các em vượt lên khó khăn đang đối diện. Việc làm thiện nguyện không chỉ xuất phát từ trách nhiệm, mà phải cả bằng tình yêu thương, sự sẻ chia và lương tâm người thầy với học sinh vùng khó...”, thầy Hiển trao đổi.

Thầy Hiển cũng cho biết thêm, huyện Hướng Hóa thuộc địa bàn miền núi, nhiều điểm trường được bố trí ở khu vực dân cư heo hút nhằm bảo đảm quyền được tới trường, học tập của học trò vùng khó. Đến được những nơi này, đường sá gập ghềnh cách trở, khó đi vô cùng. Song thầy Hiển luôn đặt quyết tâm đi hết những điểm trường xa khó nhất để nắm bắt thực tế, từ đó có kế hoạch kêu gọi, giúp đỡ học trò.

Ông Hoàng Văn Sơ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đánh giá cao cống hiến của thầy Hiển. “Nhiều năm qua, thầy Hiển rất tích cực trong việc kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm để giúp đỡ học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Từ các nguồn lực hữu ích, thiết thực nhiều thế hệ học sinh Vân Kiều, Pa Kô đã có thêm điều kiện đến trường, yên tâm học tập và duy trì sĩ số ổn định…”.

Có thể nói, với nỗ lực hết mình thầy Hiển đã và đang mang lại những điều kiện vật chất ý nghĩa cho ngành Giáo dục và trò nghèo. Hình ảnh thầy Hiển với ba lô nặng trĩu bánh kẹo, vở, bút… tặng học sinh dịp lễ, Tết đã trở nên thân thuộc với đồng nghiệp, học sinh Hướng Hóa.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hiển (cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) kết nối các nhà hảo tâm để tặng quà cho học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hiển (cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) kết nối các nhà hảo tâm để tặng quà cho học sinh. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về “duyên” ở lại vùng đất Hướng Hóa, dành tình yêu vô bờ cho học sinh vùng khó khi ngược xuôi, tất tả kết nối hoạt động thiện nguyện giúp học trò, thầy Hiển cho biết, sinh ra trong gia đình nông dân ở vùng quê hiếu học Lệ Xuyên (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nên sẵn có sự đồng cảm với khó khăn của học sinh dân tộc nơi đây.

Trong ký ức, thầy Hiển vẫn chưa quên những ngày đầu gian khó, thiếu thốn khi đặt chân đến mảnh đất Hướng Hóa: “Năm 1989, tỉnh Quảng Trị mới tách ra khỏi tỉnh Bình Trị Thiên. Điều kiện về cơ sở vật chất của ngành Giáo dục thiếu thốn. Phòng học chủ yếu bằng tranh, tre, nứa lá, mùa mưa dột nát, bàn ghế không đủ; nhà công vụ của giáo viên cũng tạm bợ. Đường sá đi lại gian nan. Thầy cô phải kiên trì khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống và dạy học, phát huy trách nhiệm, tâm huyết để bám lớp dạy người. Điều đó khiến học trò thiệt thòi các điều kiện học tập, giáo dục chậm phát triển so với nhiều nơi khác…”, thầy Hiển chia sẻ.

Vùng núi Hướng Hóa là nơi phần lớn bà con Vân Kiều, Pa Kô sinh sống. Đồng bào thật thà, chất phác luôn khát khao cho con đến trường học chữ, song tại một số địa bàn, do ảnh hưởng của nhiều hủ tục, điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân chưa quan tâm đến giáo dục. Đây thực sự là rào cản không nhỏ đối với những người mong muốn làm “thay da đổi thịt” cho giáo dục như thầy Hiển.

Thế nhưng, hơn 30 năm qua thầy Hiển và biết bao giáo viên đã gắn bó, miệt mài cống hiến cho giáo dục Hướng Hóa, góp phần vào sự thay đổi tích cực. “So với trước, hiện nay cơ sở vật chất trường học được đầu tư, xây dựng kiên cố, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học. Mừng hơn khi ý thức của học sinh về việc học đã thay đổi tích cực, nhiều em đã nỗ lực vươn lên học tới đại học, thạc sĩ…”, thầy Hiển chia sẻ.

Ngành Giáo dục miền núi Hướng Hóa và Quảng Trị nói chung còn khó khăn, hạn chế. Song những tấm lòng như thầy Hiển thật trân quý.

Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa nhận bánh chưng Tết của nhà trường. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa nhận bánh chưng Tết của nhà trường. Ảnh: NTCC

Chung tay để học sinh có Tết

Thời gian qua, việc lo Tết cho học trò ở các trường vùng khó được hết sức quan tâm với nhiều hoạt động. Thầy Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa), cho biết, với tinh thần “tương thân tương ái”, trường đã kêu gọi hỗ trợ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, các nhà hảo tâm để có được những món quà vật chất ý nghĩa trao tặng học sinh nghèo, hoàn cảnh đúng dịp lễ Tết.

Xuân Canh Tý 2020, trường quyên góp được hơn 13 triệu đồng, chia sẻ khó khăn với 19 học sinh. Năm 2021, sau 2 tuần quyên góp, trường nhận được số tiền gần 32 triệu đồng, trao tặng 50 học sinh nghèo vượt khó những phần quà Tết. Năm 2022, với sự đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện... trường nhận được 37 triệu đồng trao cho 49 học sinh mồ côi, nghèo chăm ngoan, vượt khó vươn lên trong học tập.

“Năm nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, chúng tôi tiếp tục gửi thư ngỏ, kêu gọi ủng hộ chương trình “Tết nhân ái” Xuân Qúy Mão 2023, đồng thời tổ chức quyên góp mỗi học sinh dành một bữa ăn sáng để ủng hộ. Có em đã ủng hộ 100.000 - 200.000 đồng, nhiều thầy cô đăng ký ủng hộ với tổng số lên tới 7,5 triệu đồng. Tổng số tiền quyên góp được hơn 20 triệu đồng. Và còn nhiều người tiếp tục đăng ký hỗ trợ…”, thầy Thanh cho hay.

Thầy Vũ Ngọc Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa), khẳng định sự quan tâm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, các nhà hảo tâm sẽ tạo động lực, giúp học sinh và gia đình nghèo giảm bớt gánh nặng, nỗi lo khi Tết đến. Đây là nghĩa cử cao đẹp của mọi người giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống và cố gắng học tập.

Sau đợt kêu gọi, nhà trường đã quyên góp được hàng chục triệu đồng để tổ chức trao 60 suất quà Tết cho 60 học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Mỗi phần quà Tết cho các em sẽ có gạo, dầu ăn, nước mắm, mì chính, muối ăn, nước ngọt, bánh kẹo, chè khô… tổng trị giá 500.000 đồng. Trường cũng dành 2 phần quà đặc biệt để tặng 2 học sinh mắc bệnh hiểm nghèo trước Tết.

Thầy, cô giáo tại Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa, cũng cùng quyên góp tiền để mua quà tặng học sinh dịp Tết. Thầy Phạm Anh Toàn, Hiệu trưởng, cho biết, dịp Tết cổ truyền những năm gần đây, Ban giám hiệu nhà trường lại phát động phong trào quyên góp, ủng hộ học sinh khó khăn đón Tết sum vầy cùng gia đình. Còn nhiều học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng trường quyết tâm “Không để học sinh nào mất Tết vì khó khăn”. Giáo viên nhà trường cũng chia sẻ và ủng hộ học trò nghèo một cách tự nguyện...

Cũng theo thầy Toàn, Tết Nguyên đán Quý Mão này, trường tiếp tục tổ chức hoạt động “Ngày hội gói bánh chưng” với chủ đề “Xuân gắn kết - Tết yêu thương” cho học sinh trước khi về quê đón Tết cùng gia đình. Nhà trường đã kêu gọi tổ chức Công đoàn, Hội Chữ thập đỏ, thầy, cô giáo… trích một phần lương để mua quà Tết.

Để tiễn học sinh về nghỉ Tết Nguyên đán, cùng với số tiền huy động từ xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học… Trường THPT DTNT Thanh Hóa, ngoài trao tặng quà cho học sinh nghèo, còn tổ chức xe đưa học sinh về nghỉ Tết miễn phí cho 540 em tới 11 huyện/thị miền núi. Sự chu đáo này sẽ giúp các em không phải chi phí đi lại, về nhà đón Tết an toàn.

Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Thanh Hóa cho hay, học sinh nhà trường cơ bản là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 2/3 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Nhà trường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tết không chỉ rèn luyện, giáo dục học sinh về kỹ năng sống, mà còn chia sẻ, động viên với khó khăn, thiếu thốn của học trò.

Trường THPT Quan Sơn thuộc huyện vùng cao biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) cũng nỗ lực chung tay lo Tết cho học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mong muốn giúp các em đón Tết sum vầy bên gia đình. Cũng như nhiều trường khác, năm nào trường cũng kêu gọi các tổ chức đoàn thể trong trường gây quỹ để mua quà Tết tặng cho học sinh.

Tết đến, Xuân về mọi người, mọi nhà sum vầy bên nhau. Những nghĩa cử cao đẹp, mang đậm chất nhân văn từ thầy, cô giáo đã làm vơi đi nỗi niềm cho nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, đáng thương. Nghĩa cử ấy, hành động ấy thật đáng trân trọng.

“Các thầy cô đến tận gia đình trao tặng những phần quà Tết, học sinh và phụ huynh vô cùng xúc động. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của nhà trường, giáo viên với học sinh; là nguồn động viên tinh thần lớn lao để các em phấn đấu trong học tập…”, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.