Phá vỡ ranh giới của giáo dục truyền thống
Sinh ra và lớn lên ở Chí Linh (Hải Dương), cô Nguyễn Thị Nguyệt có hơn 20 năm công tác và gắn bó với giáo dục Quảng Ninh. Từ năm 2002 đến 2015, cô là giáo viên Tiếng Anh ở Trường THCS Vĩnh Thực – thị xã Móng Cái và Trường Tiểu học Phương Nam B - TP Uông Bí. Từ năm 2016 cho đến tháng 1/2023, cô về làm giáo viên Trường Tiểu học Thủy An, thị xã Đông Triều rồi chuyển sang Trường Tiểu học Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương).
Trong quá trình công tác, cô luôn tìm tòi, sáng tạo những cách làm hay, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để lôi cuốn học trò vào bài giảng, giúp các em nâng cao ý thức tự giác học tập. Một trong những điểm nhấn phải kể đến là hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của cô Nguyệt.
Nhớ lại quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cô Nguyệt cho rằng, đại dịch đã tạo ra những lo lắng, mất mát thiệt hại, song cũng giúp chúng ta làm quen với sự biến đổi trong thế giới bất định này. Cô đã đi tìm cách dạy online phù hợp với học sinh của mình. Để ứng dụng được các phần mềm, nữ nhà giáo đã tìm hiểu, học hỏi và sáng tạo dựa trên những điều kiện thực tế. “Trên bước đường tìm kiếm đó, tôi may mắn gặp được thầy cô giỏi trên Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam để được hướng dẫn, giúp đỡ và cho mình phương pháp.
Tôi không bị mê hoặc bởi những danh xưng hay thành tựu to lớn mà nhiều người trong số họ đã và đang nắm giữ, mà bị cuốn hút bởi sự uyên bác, học rộng, hiểu sâu trong nghề nghiệp. Các thầy cô rất bình dị, lặng lẽ cống hiến, âm thầm học hỏi để đổi mới từng giờ, cập nhật xu thế từng giây để mở rộng tầm nhìn”, cô Nguyệt nói.
Là người có xu hướng đổi mới, khi công tác ở Trường Tiểu học Thủy An (Đông Triều, Quảng Ninh), cô Nguyệt đã áp dụng tích cực các kiến thức, kỹ năng đã học về chuyển đổi số, ứng dụng phần mềm trong giảng dạy để tạo ra giờ học hứng khởi, giúp các em phát triển năng lực thông qua phần mềm quản lý lớp học và đánh giá công bằng, minh bạch và dân chủ. Cô cũng chia sẻ cho đồng nghiệp cách sử dụng nhiều phần mềm vào buổi tập huấn; dành thời gian cho học sinh trải nghiệm phương thức giảng dạy mới.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt luôn tiên phong áp dụng phương pháp mới và ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Ảnh: Đình Tuệ |
Bên cạnh đó, cô đã ứng dụng nhiều phần mềm như Classdojo để quản lý lớp học và kết nối phụ huynh; Flip để tăng cường tiếng nói cho học sinh; Lumi, Canva, Camtasia, Filmora, Powerpoint, Explaindio… có tác dụng tạo video bài giảng; Storyline 3 để tạo bài giảng E-Learning; Ms Form, Quiziz, Kahoot, Padlet One Note và Class Notebook, Sway… giúp học sinh làm việc nhóm và ôn luyện kiến thức.
Nỗ lực trong xu thế chuyển đổi số
Tự nhận mình dám đi “ngược đường” khi tiên phong áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy cùng công nghệ mới cho học sinh, nhưng cô Nguyệt cũng luôn tự hào vì được những người đi trước hỗ trợ, đồng hành và truyền cảm hứng để tự học. Từ đó, học sinh hào hứng đón nhận giờ học. Đồng nghiệp được học hỏi những phương pháp và tiếp cận ứng dụng mới phục vụ giảng dạy, xa hơn là xây dựng trường học số.
“Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng nên khoảng cách và ranh giới về địa lý là vô nghĩa với những người ham học hỏi và tìm hiểu. Để học tập cái mới, con người phải biết tự tìm kiếm và chủ động lĩnh hội kiến thức. Mô hình trường học số phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nó không chỉ lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong phạm vi nhà trường, mà còn với nhiều sở GD&ĐT và các đồng nghiệp trên khắp cả nước”, cô Nguyễn Thị Nguyệt tâm sự.
Công tác và gắn bó với đồng nghiệp hơn 7 năm, cô Ngô Thị Ngân – giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Thủy An luôn hào hứng khi nói về cô Nguyệt. Cô Ngân cho rằng, cô Nguyệt là người chị đi trước luôn truyền cảm hứng tích cực, kinh nghiệm giảng dạy hay cho các đồng nghiệp trẻ. Ở trường, cô Nguyệt là giáo viên gương mẫu, hoà đồng, giản dị với chuyên môn vững vàng.
“Đây là hình mẫu chúng tôi cần học hỏi bởi trong cô luôn sẵn nguồn năng lượng làm việc dồi dào; sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong trường về mọi mặt, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số. Trong công tác giảng dạy, cô Nguyệt đã tham gia và giúp đỡ đồng nghiệp cũng như học sinh làm ra video đạt giải cao, nhiều bài giảng E-Learning chất lượng tốt. Học sinh rất hào hứng với phần mềm như Classdojo, Flip, Quizziz, Kahoot… trong các tiết dạy” - cô Ngân bày tỏ.
Là cán bộ phụ trách mảng chuyển đổi số trong giáo dục và áp dụng CNTT trong dạy học (Phòng Giáo dục phổ thông - Sở GD&ĐT Quảng Ninh), ông Phùng Danh Tú đánh giá cao khả năng cũng như tâm huyết, sự sáng tạo của cô Nguyễn Thị Nguyệt.
Theo ông Tú, những lần tham gia tập huấn cho giáo viên trên toàn tỉnh về ứng dụng CNTT trong dạy học, cô Nguyệt thể hiện rất tốt vai trò, kinh nghiệm của mình để cụ thể hóa những gì đã thu nhận được từ Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam nhằm giúp đồng nghiệp nắm bắt được thật nhiều thông tin, công cụ hữu ích trong giảng dạy cũng như quản lý học sinh. Nhất là với môn Tiếng Anh có phần minh họa bằng nhiều tình huống dạy học thông qua phần mềm khác nhau. Đây thực sự là tấm gương sáng về tinh thần tự học; là giáo viên có tính “thực chiến” cao để đưa ra những phương pháp giảng dạy thực sự hiệu quả.
Cô Trần Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủy An (Đông Triều, Quảng Ninh) chia sẻ: 3 năm liền cô Nguyệt được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft. Suốt thời gian công tác tại trường cho đến lúc chuyển công tác về đơn vị mới, cô luôn thể hiện xuất sắc vai trò và sự tâm huyết của mình với học trò. Là địa bàn không có nhiều điều kiện để trẻ làm quen với Tiếng Anh nhưng trong 5 năm trở lại đây, cô Nguyệt đã có nhiều giải pháp hay, sáng tạo để tạo hứng thú cho các em với môn Tiếng Anh cũng như môn khác. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường có khởi sắc đáng ghi nhận. Cô Nguyệt xứng đáng là bông hoa đẹp trong rừng hoa đổi mới của ngành Giáo dục.