Yêu cầu đối với giáo viên
Việt Nam được đánh giá là nước có số lượng người tham gia Internet và mạng xã hội rất lớn. Hạ tầng công nghệ thông tin cũng được đầu tư đồng bộ và đáp ứng tốt hoạt động của cộng đồng. Trong đó, Internet tốc độ cao được hầu khắp các nhà trường lắp đặt đã và đang tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ trực tuyến trong các hoạt động giáo dục. Trong các lớp học tại hầu hết các nhà trường, công nghệ được các thầy cô sử dụng như một công cụ đắc lực để tạo nên những trải nghiệm học tập trực quan, sinh động và thú vị cho học trò, là cầu nối hiệu quả giữa nhà trường và gia đình.
Hơn bao giờ hết, giáo viên tự nhận thấy công nghệ có ý nghĩa quan trọng thế nào với mình lúc này. Thực tế, thầy cô đã tự trang bị cho mình kỹ năng sử dụng công nghệ và tận dụng công nghệ cho mục tiêu phát triển tiềm năng của người học. Là người trong cuộc, hơn ai hết, họ hiểu vai trò của người giáo viên thời 4.0 không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng tương lai. Ở không ít các nhà trường, những cuộc thi công nghệ, dạy học tích hợp liên môn, trong đó công nghệ giữ vai trò thiết yếu đã trở thành những sinh hoạt giáo dục bổ ích và lý thú. Trong các lớp học, học sinh đã biết chủ động khai thác nguồn tư liệu mở phục vụ cho bài học của mình một cách hiệu quả.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nghĩa – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Để thành công trong môi trường giáo dục với sự phát triển công nghệ nhanh như hiện nay ngoài chuyên môn chính là bộ môn mình giảng dạy, giáo viên rất cần có đủ: Trình độ công nghệ để có thể đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng; Kỹ năng liên môn khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên đủ để có thể cùng học sinh sáng tạo và phân tích bài học một cách hấp dẫn và mang lại giá trị giáo dục lớn nhất. Tất nhiên để đáp ứng được đủ những yêu cầu này với một số người là khá khó khăn, nhưng đây là đích đến cần thiết cho một giáo viên trong tương lai.
Các nhà trường ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào dạy học nhiều năm nay |
Khi nhà giáo vào cuộc
Là giáo viên dạy tiếng Anh, cô Trần Thị Thùy, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) đã đưa công nghệ vào giờ lên lớp khiến học sinh ham học và học tốt hơn. Cách làm của cô là dùng ứng dụng công nghệ thông tin trong mỗi giờ học để tạo động cơ học tiếng Anh cho học sinh hiệu quả hơn. Đặc biệt ở 2 kỹ năng nghe - nói và đọc - viết, thông qua công nghệ sẽ giúp việc lồng ghép truyền đạt kiến thức ngôn ngữ cùng với thực tiễn cuộc sống xung quanh. Công nghệ đã giúp giờ học hấp dẫn hơn, truyền tải thông tin nhiều hơn và làm giàu được vốn hiểu biết văn hóa địa phương của học sinh, giúp các em tự tin khi giao lưu hội nhâp, có bản sắc của địa phương mình.
Thầy Nguyễn Hữu Phi – giáo viên Trường THPT Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cũng áp dụng công nghệ một cách hiệu quả trong các giờ lên lớp. Thầy Phi đã xây dựng sơ đồ tư duy giúp giáo viên và học sinh trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, suy nghĩ sáng tạo. Mỗi giờ học, tùy theo nội dung bài dạy sơ đồ tư duy (SĐTD) được trình chiếu tóm tắt thông tin, hệ thống kiến thức.
Từ đó giúp tăng cường khả năng ghi nhớ, đưa ra ý tưởng mới, tạo hứng thú, hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học. Việc thực hiện SĐTD giúp giáo viên và học sinh chuyển từ phương pháp học truyền thống sang phương pháp học bằng SĐTD phát huy năng lực học sinh; rèn luyện cho học sinh kỹ năng thuyết trình và tự nghiên cứu một cách hiệu quả.
Tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin – các giáo viên của Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) không chỉ sử dụng công nghệ để các giờ học trở nên hấp dẫn mà còn ứng dụng vào kiểm tra đánh giá kết quả học tập của mỗi môn học khi hết học kỳ. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi học kết thúc học kỳ, giáo viên giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức, sau đó bắt tay vào tổ chức thi trực tuyến.
Mỗi học sinh sẽ ngồi trước một máy tính làm bài trong thời gian quy định. Bài làm xong, phần mềm sẽ tự chấm điểm và thông báo cho học sinh điểm số đồng thời cũng cập nhật trên hệ thống. Trường THPT Hoàng Quốc Việt là cơ sở đầu tiên ứng dụng cách làm này ở Quảng Ninh, đã và đang được đánh giá cao về hiệu quả, tính khách quan, minh bạch trong thi cử.