Ngược chiều gió

GD&TĐ - Theo quy định, nếu có một quốc gia trong khối như Thổ Nhĩ Kỳ phản đối thì mong muốn của các nước xin gia nhập NATO sẽ không thể thực hiện được.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong bối cảnh các nước EU liên tục tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine, thì Serbia lại giữ thái độ ngược lại, bất chấp việc đang trong giai đoạn tìm cách gia nhập EU.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ) hôm 26/5 tiếp tục tái khẳng định rằng, nước này sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga, dù đang chịu sức ép lớn từ các nước EU. Theo đó, Serbia vẫn kiên định theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập của riêng mình.

Người đứng đầu Serbia cũng cho biết, dù tương lai vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn nhưng Serbia sẽ vẫn ưu tiên lợi ích của chính mình. Đồng thời, ông cũng thể hiện sự tự hào về việc một quốc gia nhỏ như vậy mà vẫn có thể giữ vững chính sách trung lập trong hơn 90 ngày biến động vừa qua tại châu Âu do xung đột Nga - Ukraine gây ra.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, EU đã gây sức ép buộc Serbia tham gia các lệnh cấm vận trừng phạt Nga. Thêm vào đó, EU cũng thể hiện quan điểm rằng, với tư cách là một nước có nguyện vọng gia nhập khối này thì Serbia phải “hài hòa” các chính sách và luật pháp của mình với EU.

Nhưng trái ngược với kỳ vọng cũng như đòn ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” của EU, Chính phủ Serbia của ông Vucic vẫn “đứng vững” trước sức ép với lý do bảo đảm các lợi ích và nguyên tắc của chính mình.

Mặc dù không làm thỏa mãn các thành viên của khối, quốc gia này vẫn duy trì mục tiêu chiến lược là tìm cách trở thành thành viên EU trong tương lai.

Ngoài sức ép chính trị và ngoại giao chính thức, với lập trường trung lập của mình về vấn đề Nga - Ukraine, đất nước Serbia còn phải đối mặt với nhiều lời đe dọa khủng bố giả, xảy ra không chỉ trên một số chuyến bay, mà còn ở các trường học và trung tâm mua sắm.

Hiện nay, trong khi các nước EU đã đóng cửa toàn bộ không phận của mình với Nga thì Serbia vẫn cho phép các chuyến bay giữa hai thủ đô Belgrade và Moscow diễn ra bình thường.

Trong khi đó, một quốc gia khác cũng đang có quan điểm “ngược chiều gió” tại châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hôm 25/5 tiếp tục nhắc lại tuyên bố quan điểm cứng rắn không đồng ý cho hai nước Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không chịu bất kỳ áp lực thời gian nào và sẽ không tiến tới thỏa thuận này trước cuộc họp tiếp theo của NATO bằng mọi giá.

Trong cùng ngày 25/5, các phái đoàn từ Thụy Điển và Phần Lan đã gặp những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara để thảo luận nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ họ trở thành thành viên NATO.

Nhưng Ankara vẫn không thay đổi sự phản đối, với lý do liên minh quân sự này chưa đáp ứng được các lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề cấm vận và chống khủng bố.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan phải dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với nước này và dẫn độ những người có liên quan đến Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và phong trào Gulen (FETO) về Thổ Nhĩ Kỳ xét xử.

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu hai nước Bắc Âu xếp các nhóm quân sự và chính trị của người Kurd ở Syria là các tổ chức khủng bố.

Theo quy định, nếu có một quốc gia trong khối như Thổ Nhĩ Kỳ phản đối thì mong muốn của các nước xin gia nhập NATO sẽ không thể thực hiện được. Điều này một lần nữa cho thấy, châu Âu hiện nay vẫn khó có thể đạt được sự đồng thuận hoàn toàn trong việc trừng phạt Nga, do mỗi nước theo đuổi một lợi ích khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.