Ngụ ngôn cho thiếu nhi

GD&TĐ - Nhà thơ Đỗ Toàn Diện sinh năm 1957 có sức viết ít ai sánh kịp. Ông đã có 16 tập thơ ra mắt bạn đọc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, ông liên tục cho ra mắt bốn tập thơ thiếu nhi, được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá thành công.

Thơ thiếu nhi Đỗ Toàn Diện có số ít bài lục bát, đa số là thơ năm chữ và bốn chữ. Chất thơ ông viết như đồng dao, dễ đọc, dễ hiểu rất phù hợp cho trẻ thơ. Sự quan sát và cảm thức thế giới xung quanh bằng đôi mắt, tâm hồn thiếu nhi của ông rất đa dạng, phong phú và tỉ mỉ.

Để rồi từ đó, đúng như trong lời giới thiệu cho tập “Lên trời hái sao” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Anh đã tạo ra một thế giới “đại đồng” của tất cả những gì được tạo hóa sinh ra trên thế gian này. Và từ đó, anh lặng lẽ gieo vào lòng những đứa trẻ những hạt giống của cái đẹp và lòng nhân ái mà mở ra trí tưởng tượng đầy tính trẻ thơ từ những điều và từ những con người thân thuộc”.

Được đọc cả bốn tập thơ thiếu nhi của Đỗ Toàn Diện, tôi đặc biệt chú ý và thích thú “thế giới” ngụ ngôn trong đó. Ông kiên trì nhẫn nại quan sát thế giới động vật, từ những côn trùng bé tí như kiến, muỗi cho đến to lớn như trâu, voi, để từ đó có những câu chuyện ngụ ngôn nhẹ nhàng, hữu ích cho thiếu nhi.

Điều đặc biệt nữa là, cả bốn tập thơ với rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn, nhưng ông viết không trùng lặp, có thể viết nhiều truyện về một con vật, nhưng với góc nhìn khác nhau, rất thú vị.

Trong “Lên trời hái sao”, tập thơ có 72 bài, hơn một nửa là viết về động vật, chỉ có 15 câu chuyện có tính ngụ ngôn mà lại có sức nặng hơn cả. Ở đó, bằng cách viết “không nhằm đạo đức hóa” cứng nhắc, gò ép các câu chuyện, nhưng các bài học về đạo đức vẫn diễn ra theo lối rất tự nhiên.

Tập thơ mở đầu bằng bài “Tai thỏ”. Điều thú vị ở chỗ, tai thỏ dài là chuyện thường tình nhưng Đỗ Toàn Diện đã khéo tạo ra câu chuyện bằng sự tưởng tượng: “Một tối lên giường ngủ

Tai thỏ bỗng dài thêm

Khóc bù lu cả đêm

Tai cũng không ngắn lại...”.

Lạ, tai vẫn vậy, sao thỏ con lại nghĩ nó dài thêm? Thì ra là:

“Con lừa dối bạn gà

Bơi ra ao nhặt thóc…

Gà liền nhảy xuống nước

Chới với suýt bị chìm

May có chị vịt xiêm

Bơi ra cứu vớt kịp…”.

Cảm giác có lỗi khiến cái tai vốn dài vướng víu, nên thỏ con nghĩ nó dài ra thôi, một bài học sâu sắc về sự lừa dối.

Câu chuyện “Ti toe hăng máu” bắt nạt chị bò của ngựa con cũng là bài học:

“Ngựa con tung vó dọa

Chị bò cứ phì cười

Ngựa trượt… ngã sóng soài

nên bị trẹo chân trước”.

(Chị ơi em xin lỗi)

Đấy, hậu quả của ti toe, “ngựa non háu đá” là vậy. Từ câu thành ngữ, ông đã tạo nên câu chuyện nhẹ nhàng và bài học cho thiếu nhi.

Thêm nữa, “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông” là câu tục ngữ, nói về tập quán sinh học của tôm cá, để truyền kinh nghiệm cho người đánh bắt. Nhưng trong đôi mắt trẻ thơ của Đỗ Toàn Diện lại có góc nhìn khác. “Tôm đi chạng vạng” là vì

“..Ngày ngủ đêm ăn

Chẳng chịu siêng năng

La cà lêu lổng…”.

Còn “Cá đi rạng đông” là vì cá siêng năng, đêm ngủ đúng giờ, rạng đông đã dậy để:

“…Bên nhau đoàn kết

Cùng học cùng chơi

Khi nào hứng khởi

Rủ nhau thi bơi..”.

Tác giả đã vận dụng tục ngữ để thành hai bài thơ, tạo nên sự đối lập hữu lý và bài học cho trẻ thơ về sự siêng năng và lười biếng.

Câu chuyện của chú nhím đi học bị bắt nạt, mặc dù dù nhím có “lông sắc như mũi tên/Nhưng không dùng vũ lực” mà chỉ “Bình tĩnh chẳng bực tức/Dùng lời lẽ dễ nghe/Để khuyên nhủ bạn bè/Mạnh chớ bắt nạt yếu!” với mục đích là phải đoàn kết để “Bạn bè thêm gắn kết/Dưới mái trường thân yêu” (Bắt nạt).

Trong các câu chuyện của mình, Đỗ Toàn Diện đã có sự liên tưởng rất khéo léo giữa bé và động vật. Từ câu chuyện của chú bê con không nghe lời mẹ, lười ăn, ham chơi nên tối về đói không ngủ được đến câu chuyện con dơi bạ đâu ngủ đó, nằm ngủ không đúng cách: “Em ngủ nằm giường/Dơi ngủ treo ngược..” để đưa ra một nhận xét “cảnh báo” khoa học cho bé:

“Này dơi nhỏ ơi

Ngủ không nằm giường

Nếu bị chóng mặt

Làm sao đến trường?”.

(Dơi con ngủ)

Rồi câu chuyện bé thắc mắc: “Bố ơi sao cá ngủ/Mà mắt cứ mở to…?” để có một câu trả lời “giật mình” của sự khóc nhè:

“Có thể cá hay khóc

Nên mi mới cứng đờ

Thành tật không nhắm được

Từ xưa cho đến giờ”.

(Cá ngủ)

Một liên tưởng nhẹ nhàng khác của cách sống hòa đồng, mình vì mọi người rất tự nhiên của các con vật được tác giả gửi gắm trong những câu thơ thật đáng yêu, đáng học tập:

“Chú chim gõ kiến

Đi khắp đó đây

Chữa bệnh cho cây

Chuyên làm việc thiện…”.

(Chim gõ kiến)

Hay câu chuyện trong bài thơ “Trâu mẹ” sinh nghé “như em bé”, một con nghé rất ngoan nên trâu mẹ luôn:

“…Liếm xoa đầu nghé ngoan

Nghé luôn nghe lời mẹ

Vui chơi không rời đàn”.

Đến câu chuyện:

“Công siêng năng luyện tập

Múa uyển chuyển lạ lùng

Người người xem hâm mộ

Công luôn sống hòa đồng”.

Nhờ vậy nên “…Mỗi khi công xuất hiện/Được tán thưởng reo mừng..” (Công múa). Những câu chuyện giúp bé nhận ra, ngoan ngoãn, siêng năng, hòa đồng, thiện lành sẽ nhận được những tình cảm xứng đáng.

Trong bài “Khẩu súng độc ác”, Đỗ Toàn Diện có sự quan sát khá đau lòng. Có người đặt câu hỏi, bài này có nên để các cháu đọc chăng? Vì nó gieo vào đầu thơ trẻ những điều không tốt đẹp:

“Một phát súng nổ

Lũ chim ngơ ngác

Xao xác lá cành

Chim mẹ rơi nhanh…

Bên kia đầu ghềnh

Tổ chim mới nở

Đang thèm khát sữa

Mong mẹ về nhanh…”.

Theo tôi, nên và rất nên. Cảnh tượng này rất phổ biến, không thể giấu giếm. Đọc bài thơ này, nếu bạn nhỏ nào rơi nước mắt, có nghĩa là thơ ca đã có tác dụng giáo dục sâu sắc tính nhân văn cho con trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.