Ngôn ngữ Tây Ban Nha: Khám phá thế giới đa văn hóa

GD&TĐ -Hợp tác giữa Việt Nam và Tây Ban Nha ngày càng tốt đẹp trên nhiều phương diện. Điều này mang lại cơ hội việc làm khi học ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha.

Sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.
Sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.

Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ phổ biến thứ 4 trên thế giới. Tại Châu Âu, tiếng Tây Ban Nha được ưa chuộng và dùng nhiều chỉ sau tiếng Anh. Với bối cảnh hợp tác song phương giữa Việt Nam - Tây Ban Nha ngày càng mạnh mẽ trên nhiều phương diện, cơ hội việc làm cho bạn trẻ theo học ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha là rất lớn.

Môi trường mở để trải nghiệm những điều mới

Ngôn ngữ Tây Ban Nha là ngành học cung cấp kiến thức chuyên sâu về tiếng Tây Ban Nha và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ này trong xã hội. Ngoài ra, ngành học này còn trang bị cho người học các kiến thức liên quan đến văn hóa, kinh tế, chính trị, lịch sử… của các đất nước sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha.

Từng học ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha và hiện đang làm trong Mảng Tuyển dụng của ngành Nhân sự tại công ty Adecco, chị Phan Trần Phương Vi chia sẻ: “Mình thấy, điều tuyệt vời nhất mà bộ môn Ngữ văn Tây Ban Nha cho mình đó chính là môi trường mở để có cơ hội trải nghiệm những điều mới trong sự định hướng rõ ràng của thầy cô. Điều này hỗ trợ mình rất nhiều trong quá trình tìm ra đam mê và hoàn thiện kỹ năng cần có để theo đuổi định hướng mà mình vạch ra.

Điều tuyệt vời nữa là mình đã được gặp rất nhiều bạn giỏi và chủ động nên mình cũng được học từ các bạn rất nhiều, bên cạnh việc học theo chương trình của bộ môn”.

Theo ThS Đỗ Huyền Thanh - Phó Trưởng bộ môn Ngữ văn Tây Ban Nha, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, lịch thực tập của sinh viên được thiết kế vào học kỳ 8, học kỳ cuối cùng của 4 năm đào tạo. Trong học kỳ này, sinh viên có nhiều cơ hội và thời gian để thực tập thực tế tại công ty hoặc doanh nghiệp sử dụng tiếng Tây Ban Nha.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể trau dồi thêm một số kiến thức và kỹ năng có ích cho công việc trong tương lai như: ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ nghiệp vụ du lịch, kỹ năng thuyết trình… Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức xuyên suốt 4 năm học thông qua các câu lạc bộ thực hành tiếng và các hoạt động riêng của từng nhóm, lớp do giáo viên hoặc cố vấn học tập hướng dẫn và định hướng.

Các sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Ý, Du lịch… trao đổi về cơ hội việc làm tại di tích trong chương trình Company Tour (C-Tour) lần thứ 5 - Ảnh: OCER
Các sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Ý, Du lịch… trao đổi về cơ hội việc làm tại di tích trong chương trình Company Tour (C-Tour) lần thứ 5 - Ảnh: OCER

Ứng dụng ngôn ngữ trong nhiều lĩnh vực

Nguyễn Thị Tuyết Trinh - sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha - chia sẻ: “Vì tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ được nhiều quốc gia sử dụng nên nếu tương lai có nhiều công ty xuất thân từ các đất nước sử dụng ngôn ngữ này đầu tư ở Việt Nam thì những sinh viên ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha sẽ có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp”.

Đối với những ngành học về ngôn ngữ, ngoài yêu cầu các kiến thức và kỹ năng về chuyên ngành ngôn ngữ, các nhà tuyển dụng cũng mong muốn sinh viên trau dồi thêm về các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Trong đó, có thể kể đến kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, linh hoạt.

Trước những quan niệm về sự chưa phổ biến của ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Việt Nam, chị Phan Trần Phương Vi bày tỏ: “Chính vì ngôn ngữ này chưa được phổ biến, nên nguồn cung trên thị trường lao động rất hiếm. Từ góc nhìn của một người làm tuyển dụng, thị trường Việt Nam không hề thiếu cơ hội cho các bạn có khả năng và định hướng phát triển theo tiếng Tây Ban Nha lâu dài. Điều thật sự cản trở các bạn là việc chuyên môn chưa đủ vững hoặc là kỹ năng mềm chưa tốt”.

Đại sứ quán Tây Ban Nha gặp gỡ tập thể giảng viên, các sinh viên bộ môn Ngữ văn Tây Ban Nha - Ảnh: OCER
Đại sứ quán Tây Ban Nha gặp gỡ tập thể giảng viên, các sinh viên bộ môn Ngữ văn Tây Ban Nha - Ảnh: OCER

ThS Đỗ Huyền Thanh cho hay: “Sau khi tốt nghiệp, các tân cử nhân có thể đảm nhận các vị trí như: giảng dạy tại các trường đại học hoặc trung tâm ngoại ngữ; các nhà ngôn ngữ học, biên dịch hay phiên dịch viên; chuyên viên marketing nghiên cứu thị trường tiêu thụ du lịch, văn hóa các nước nói tiếng Tây Ban Nha; hướng dẫn viên du lịch hoặc làm việc tại các công ty du lịch; trợ lý, thư ký giám đốc công ty quốc tế…

Nói cách khác, sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha có cơ hội làm việc trong môi trường đa văn hóa không chỉ tới từ Tây Ban Nha mà còn tại cộng đồng các nước nói tiếng Tây Ban Nha, bao gồm 19 nước khu vực Trung và Nam Mỹ”.

“Tiếng Tây Ban Nha đã được đưa vào giảng dạy chính thức tại Đại học Hà Nội từ năm 2002 và tại Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM từ năm 2010. Tất cả sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha từ hai cơ sở đào tạo này nói chung và từ Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM nói riêng đều nhanh chóng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp hoặc đạt các cơ hội học tập và nghiên cứu ở bậc đào tạo cao hơn”, ThS Đỗ Huyền Thanh chia sẻ.

ThS Đỗ Huyền Thanh (chính giữa) cùng các cựu sinh viên - Ảnh: OCER
ThS Đỗ Huyền Thanh (chính giữa) cùng các cựu sinh viên - Ảnh: OCER
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có nền văn hóa đặc sắc nhất trên thế giới. Nghiên cứu về tiếng Tây Ban Nha đem đến cho người học những kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, chính trị thương mại của đất nước này. Ngôn ngữ Tây Ban Nha cũng là ngành được ĐHQG TPHCM tài trợ một phần chi phí đào tạo thông qua hỗ trợ học phí và các hoạt động phát triển năng lực sinh viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.