Ngôn ngữ kể chuyện 'chưa bao giờ có' của Roald Dahl

GD&TĐ - Bằng 'Sophie và tên khổng lồ', Roald Dahl đã giúp những đứa trẻ được cười một cách đầy hồn nhiên với phong cách viết văn 'có một không hai' của ông.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

“Hết sức thú vị. Trò chơi nhảy lò cò. To lớn vụng về. Lộn xộn”. Đó là những đặc điểm miêu tả tính cách của BFG – người khổng lồ đầy thân thiện và luôn yêu quý trẻ em trong cuốn sách “Sophie và tên khổng lồ”.

Thổi về những giấc mơ tươi đẹp

Xuyên suốt hành trình giải cứu thế giới khỏi lũ người khổng lồ chuyên đi ăn thịt người, hình ảnh về một BFG thân thiện, yêu thương và mong muốn dành điều tốt đẹp nhất cho trẻ em luôn nổi bật trong từng trang truyện. Tuy là tình yêu mộc mạc, giản dị nhưng chắc chắn sẽ in đậm trong tâm trí của mỗi đứa trẻ.

Đó có thể là BFG đã hằng đêm làm gì đó lén lút trước từng phòng ngủ của những đứa trẻ trên khắp nước Anh. Nếu không bị cô bé Sophie bắt gặp, có lẽ độc giả sẽ không thể biết được rằng BFG khi ấy đang thổi những giấc mơ đẹp, giấc mơ vàng sưu tầm từ vùng đất giấc mơ cho trẻ thơ.

Hay BFG sẵn sàng đem những điều tốt đẹp nhất của thiên nhiên cho cô bé Sophie: Những tiếng chân của con bọ rùa trên lá, những tiếng hát văng vẳng từ các vì sao trên trời, hay cả cuộc sống đầy nhộn nhịp của những chú kiến hay của từng tán cây, ngọn cỏ. Và cũng nhờ tình yêu ấy, BFG đã sẵn sàng lên đường giải cứu thế giới khỏi bọn khổng lồ ăn thịt người.

Tất cả những việc làm đó giúp độc giả thấy được BFG luôn là người biết sẻ chia niềm vui tới người khác, và chỉ giữ lại những thứ không được hoàn hảo bên mình.

Tuy là người đầu tiên biết được nội dung của những giấc mơ, hoặc là người duy nhất có khả năng nghe được những âm thanh tuyệt vời mà người bình thường không nghe thấy được, nhưng BFG không ích kỉ giữ lại chúng mà luôn cho vào va li để “phân phát” cho các trẻ em ở khắp mọi nơi.

Hoặc nếu bắt phải một cơn ác mộng, BFG cũng sẽ hả hê vì không để cho chúng có cơ hội được xâm nhập vào giấc mơ của đứa trẻ: “A ha! Hỡi con quái vật độc ác kia! Mày sẽ không bao giờ thoát được ra ngoài để ám ảnh một đứa trẻ đậu người đáng thương!”.

Có lẽ BFG hiểu được rằng, những điều tốt đẹp sẽ chẳng bao giờ đạt được đến mục đích cao cả của chúng nếu không được sẻ chia tới những người xung quanh.

Ngôn ngữ kể chuyện thú vị

Để khắc họa được một nhân vật BFG đầy tình thương với trẻ em như vậy, tác giả Roald Dahl sử dụng tới ngôn ngữ kể chuyện “chưa bao giờ có”: Thay vì viết một cuốn sách chuẩn chỉ, nghiêm túc, thì ông đã cố gắng viết sai chính tả và đi ngược lại với các chân lí thật nhiều.

Chính người dịch Nguyễn Thị Bích Nga cũng phải thừa nhận: “Xuyên suốt tác phẩm, tác giả để tên Khổng lồ sử dụng sai ngữ pháp, nhưng rất khó dịch ra tiếng Việt”.

Có thể kể đến những sự nhầm lẫn rất thú vị của BFG, chẳng hạn như tưởng nhầm xứ Wales là whales – cá voi trong tiếng Anh, thành phố Jersey với jersey – áo thun len, người Đan Mạch với dane – chó Đan Mạch…

Hoặc BFG cứ khăng khăng tranh cãi rằng, nước khi sủi bọt sẽ luôn luôn đi xuống dưới thay vì đi lên trên và một cái “đắm dánh” – đánh dắm là biểu hiện của niềm vui thay vì một sự bất lịch sự. Biệt danh “lộn xộn” cho BFG có lẽ là không thể sai được!

Sự cố gắng làm ngược lại những điều bình thường ấy của tác giả Roald Dahl, bên cạnh để đem đến những tiếng cười vui, miêu tả về tính cách “lộn xộn” của BFG, còn có thể là một cử chỉ đầy ẩn ý.

Để khắc họa được một nhân vật BFG độc đáo, tác giả Roald Dahl sử dụng tới ngôn ngữ kể chuyện “chưa bao giờ có”. Ảnh: Tấn Quyết.

Để khắc họa được một nhân vật BFG độc đáo, tác giả Roald Dahl sử dụng tới ngôn ngữ kể chuyện “chưa bao giờ có”. Ảnh: Tấn Quyết.

Có lẽ, tác giả muốn thông qua tác phẩm này để ngầm động viên những đứa trẻ luôn luôn sống hết mình, sống theo những gì mình mong muốn. Có thể ông không muốn trẻ em bị gò bó trong khuôn khổ, và từ đó tuổi thơ của đứa trẻ sẽ chỉ có một màu – đơn điệu và nhàm chán, thậm chí có thể khiến trẻ em sau này trở nên nhút nhát, tự ti với mọi thứ xung quanh.

Từ đó, tác giả cũng mong muốn những bậc làm cha làm mẹ sau khi cùng con đọc xong tác phẩm sẽ luôn thấu hiểu những gì con muốn, sẵn sàng chia sẻ bao điều tốt đẹp của thế giới ngoài kia cho con.

Chỉ như vậy mới có thể giúp con lớn lên lành mạnh, cởi mở với cuộc sống xung quanh, cũng như có được một tuổi thơ êm đềm và ngập tràn màu sắc.

Bằng “Sophie và tên khổng lồ”, Roald Dahl đã giúp những đứa trẻ được cười một cách đầy hồn nhiên với phong cách viết văn “có một không hai” của ông.

Không chỉ thế, tác phẩm sẽ luôn xứng đáng được các thế hệ độc giả đón đọc, với những bài học quý giá về tấm lòng biết sẻ chia, cũng như biết sống hết mình, không bị gò bó trong khuôn khổ, để mỗi người có thể cảm nhận được cuộc sống đầy tươi đẹp theo cách riêng của họ.

“Sophie và tên khổng lồ” là tác phẩm của “Người kể chuyện cho trẻ em vĩ đại nhất thế kỉ XX” - nhà văn Roald Dahl, đến với tay độc giả Việt qua bản dịch của Nguyễn Thị Bích Nga. Kể về hành trình “ra tay” bắt những tên khổng lồ ăn thịt người của người khổng lồ thân thiện - BFG và cô bé Sophie, cuốn sách không chỉ đem lại nhiều niềm vui, mà còn giúp độc giả rút ra những thông điệp đầy ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ