Ngôi trường đi đầu trong hội nhập quốc tế

GD&TĐ - Là một trong những trường đi đầu về hội nhập quốc tế, Trường Nguyễn Siêu đã trở thành một trường học trong hệ thống các trường quốc tế Cambridge và là trung tâm khảo thí ủy quyền của Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) với mã số VN 236.

Chuyện học trò “đi sứ” đã trở thành hoạt động thường niên của học sinh THPT Nguyễn Siêu
Chuyện học trò “đi sứ” đã trở thành hoạt động thường niên của học sinh THPT Nguyễn Siêu

NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Nguyễn Siêu - chia sẻ bí quyết tạo nên thành công trên.

 “Đi trước đón đầu”

Dựa trên mục tiêu của từng tiết dạy, từng môn học cụ thể, các thầy cô nghiên cứu và tiến hành tích hợp liên môn đồng thời tổ chức nhiều hoạt động phong phú kết hợp với ứng dụng CNTT và đồ dùng dạy học nâng cao hiệu quả truyền đạt. Tất cả vì học sinh thân yêu, nên ai cũng nỗ lực hết mình để mang đến những bài giảng hay nhất cho năm học đầy thành công.
NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh

NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh - cho biết: công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên luôn “đi trước đón đầu”.

Theo đó, Ban giám hiệu nhà trường tổ chức các lớp học bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có mời các chuyên gia đầu ngành về trò chuyện, chia sẻ và hướng dẫn cho giáo viên hiểu rõ nhiệm vụ cũng như cách thức tổ chức lớp học mới trong đổi mới giáo dục.

Các giáo viên tiếp tục trau dồi kiến thức, tổ chức lớp dạy chuyên đề với định hướng dạy học góp phần hình thành và phát triển năng lực của người học và nhập vai học sinh để cảm nhận bài giảng.

Cũng theo NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, mỗi bài học không chỉ bó hẹp trong không gian lớp học mà được mở rộng ra ngoài lớp học, vườn thực vật hoặc đi trải nghiệm tại các làng nghề, nông trại… Nhờ đó mà bài học trở nên sinh động, cuốn hút học sinh và giúp học sinh có cái nhìn thực tế về cuộc sống, tránh lý thuyết suông và cứng nhắc.

Thứ nhất, học tại vườn thực vật: Nhà trường đã xây dựng một khu vườn thực vật nhỏ cho học sinh thực hành. Tại đây các bạn được trồng rau và chăm sóc cây mỗi ngày, tìm hiểu về tiến trình phát triển của thực vật dưới góc nhìn sinh học, biết trân trọng sản phẩm nông nghiệp và yêu mến cây xanh.

Không chỉ có vậy, trong khuôn viên trường cũng có rất nhiều cây xanh phong phú, đa dạng cho các bạn lựa chọn để giúp học sinh quan sát, hỗ trợ các môn Tập làm văn, Tự nhiên xã hội, Khoa học…

Thứ hai, học tại di tích, di sản: Hàng năm, nhà trường luôn tổ chức các chuyến đi học cho học sinh đến: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Đô, Di tích Cổ Loa…

Các bạn không chỉ được mở mang kiến thức về lịch sử mà còn được biết thêm về văn hóa, kiến trúc, tâm linh tại những vùng đất thiêng liêng này.

Từ đó giáo dục học sinh lòng tự hào dân tộc, ý thức về bảo tồn các giá trị văn hóa và biết sống cống hiến cho đất nước mai sau.

Thứ ba, học tại bảo tàng: Nảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng thiên nhiên, Bảo tàng tài nguyên rừng… là những điểm đến được nhà trường lựa chọn bổ trợ kiến thức cho học sinh về Khoa học, Lịch sử, Văn hóa, Môi trường…

Thậm chí là giờ học song ngữ. Tăng hoạt động thực hành, làm việc theo nhóm và khả năng phán đoán quan sát sự vật, hiện tượng.

Thứ tư, học tại làng nghề: Làng gốm Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm… đã giúp học sinh được trải nghiệm làm thợ gốm, thợ làm bánh, kẹo truyền thống. Đây là hoạt động trải nghiệm gắn học sinh với lịch sử, văn hóa, hướng về cội nguồn để trân trọng, nâng niu và phát triển giá trị làng nghề truyền thống có từ lâu đời.

Thứ năm, học tại nông trại: Đây là hoạt động thu hút đông đảo học sinh tham gia, nơi để các bạn trải nghiệm nghề nông, được cấy lúa, trồng rau, thu hoạch quả, nhặt trứng, chèo thuyền và bắt cá…

Cũng chính nhờ hoạt động này mà các bạn biết được sự vất vả của nhà nông, biết trân trọng những sản phẩm do mồ hôi công sức của nông dân làm ra, sự phong phú của nông sản nước mình và cả kiến thức khoa học về thực vật, động vật.

Học sinh được phát triển nhiều kỹ năng
Học sinh được phát triển nhiều kỹ năng

Tích hợp liên môn, thực hiện học tập theo dự án

Việc dạy tích hợp liên môn và học tập theo dự án đã mang đến dấu ấn núi cho Trường Nguyễn Siêu trong công tác dạy học. Và ranh giới về môn chính, môn học phụ bị mờ nhạt, thay vào đó là niềm đam mê của học sinh khi làm chủ kiến thức khoa học Vĩnh.
NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh

Theo NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh , dạy học theo chủ đề tích hợp là dạy cho học sinh biết cách sử dụng kiến thức của mình để giải quyết tình huống trong cuộc sống.

Hiện nay, dạy học theo chủ đề tích hợp là một trong những quan điểm giáo dục cần được áp dụng rộng rãi ở nhiều cấp học.

Học tập theo dự án cũng được nhà trường áp dụng cho tất cả các bộ môn. Có thể làm dự án theo chủ đề chuyên môn hoặc liên môn, giúp học sinh tìm tòi, sáng tạo và trải nghiệm thực tiễn từ những kiến thức đã học.

Mỗi một năm học lại có những đòi hỏi, yêu cầu khác nhau về đổi mới phương pháp dạy học như: Làm giáo án điện tử, thiết kế đồ dùng dạy học, sử dụng CNTT cho bài giảng, áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp giảng dạy Mỹ thuật theo Đan Mạch được triển khai hay soạn thảo chương trình bổ sung nâng cao là những gì nhà trường đã nỗ lực thực hiện để mang đến sự tự tin, tích cực, chủ động trong quá trình tiếp thu bài học, học sinh được bộc lộ năng lực bản thân, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Trong 10 năm trở lại đây, ngày càng nhiều CLB sau giờ học thu hút được sự quan tâm của học sinh và cha mẹ học sinh. Ngoài ra để phát huy vốn tiếng Anh của học sinh, rất nhiều câu lạc bộ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh ra đời, đáp ứng nhu cầu phát triển các kỹ năng mềm và các môn năng khiếu của học sinh như: Câu lạc bộ bóng rổ, bóng đá, võ thuật, earobic, cờ vua…

Câu lạc bộ nghệ thuật như: ukulele, piano, organ, guitar, âm nhạc, mỹ thuật… Các CLB truyền thống như làm phim, tổ chức sự kiện…

Các hoạt động sôi nổi trong và ngoài giờ học đã giúp cho không khí học đường ngày càng giàu sức sống, sáng tạo, phong phú về nội dung, đa dạng, văn minh về hình thức, tạo cơ hội cho mỗi học sinh phát triển được tài năng của riêng mình. Số lượng học sinh đạt các giải thưởng trong nước và quốc tế từ các môn văn hóa tới các môn năng khiếu đều tăng lên sau mỗi năm học.

Học sinh Trường Nguyễn Siêu
Học sinh Trường Nguyễn Siêu

Học tập tại nước ngoài

Chuyện học trò “đi sứ” đã trở thành hoạt động thường niên của học sinh THPT Nguyễn Siêu. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giao lưu giữa các trường quốc tế Cambridge mà Nguyễn Siêu là thành viên, đoàn học sinh Nguyễn Siêu đã có chuyến “du học” tại Trường Nội trú Quốc tế Skal tại Đan Mạch - cách Hà Nội 8.462 km.

Tại đây, các học sinh lớp IGCSE đã được hòa mình vào đời sống học tập, sinh hoạt của một trường quốc tế Bắc Âu, có cơ hội giới thiệu về Việt Nam, thể hiện bản lĩnh của học sinh Nguyễn Siêu, con người Việt Nam thế hệ mới trong mắt bạn bè quốc tế, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham quan nước bạn. Đây cũng là dịp để học sinh thực hành tự lập, rèn luyện kĩ năng chăm sóc và bảo vệ bản thân…

"Hai trường Nguyễn Siêu và Skals cũng đã có những thỏa thuận hợp tác và trao đổi học sinh hàng năm. Đây là một minh chứng cụ thể cho sự gắn kết không chỉ của hai trường, mà còn là của hai dân tộc, hai đất nước. Tiếp sau Đan Mạch, Trường Nguyễn Siêu cũng đã ký kết hợp tác các chương trình trao đổi học sinh thường niên tương tự với Trường McLeans tại New Zealand và Trường Liceo Scientifico “Galileo Galilei” của Ý" - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ