Ngôi nhà đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt

GD&TĐ - Suốt 21 năm qua, Trung tâm Phúc Tuệ đã trở thành mái ấm thứ hai của trẻ chậm phát triển, tự kỷ. Không nản lòng trước khó khăn, những người mẹ nơi đây luôn bền bỉ, tận tâm chăm sóc cho những đứa con đặc biệt.

Một góc nhỏ trong lớp học đặc biệt
Một góc nhỏ trong lớp học đặc biệt

Nơi đong đầy tình thương

Được thành lập năm 2001, Trung tâm Phúc Tuệ là nơi giáo dục, chăm sóc và phục hồi chức năng cho các em chậm phát triển trí tuệ.

Đến trung tâm, bà Vũ Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ, với mái tóc bạc, nở nụ cười hiền hậu tiếp đón chúng tôi. Dù ngoài 80 tuổi, bà giáo già vẫn minh mẫn và nhớ tên từng đứa trẻ. Bà đưa chúng tôi đến từng phòng học, nơi mà bà dành hơn nửa cuộc đời vun đắp, yêu thương.

Mỗi phòng học chỉ rộng hơn 20m2, được trang trí đơn giản cùng với bảng đen, phấn trắng. Học sinh ở đây có độ tuổi khác nhau, chủ yếu từ 11 đến 23 tuổi. Dù thân hình đã lớn nhưng bên trong vẫn là những đứa trẻ “to xác” chỉ nói được vài câu vu vơ không rõ nghĩa.

Nói về cơ duyên gắn bó với trẻ đặc biệt, bà giáo già chậm rãi kể: “Trong thời gian công tác tại Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi bắt đầu bén duyên với trẻ đặc biệt thông qua một dự án liên quan đến trẻ chậm phát triển. Khi đó, tôi được tiếp xúc với nhiều phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ, tôi rất đồng cảm và thấy thương họ vô cùng.

Phụ huynh có con mắc chứng bệnh này rất vả. Nỗi khổ đó không ai biết được, họ luôn phải âm thầm chịu đựng. Cái khổ bề ngoài là đưa đón, chăm sóc, dạy dỗ thì ai cũng nhìn thấy nhưng không ai hiểu được nỗi khổ tâm của họ”.

Theo bà Hương, đối với cha mẹ, điều hạnh phúc nhất là được chứng kiến con cái trưởng thành, khôn lớn và bà cũng thế. Bà may mắn khi các con mình khỏe mạnh, thành đạt trong khi các gia đình có con mắc bệnh tự kỷ lại không được như vậy. Bà nghĩ mình cần phải làm gì đó để chia sẻ với gia đình kém may mắn hơn. Những trăn trở ấy thôi thúc bà thành lập một mái ấm riêng dành cho trẻ tự kỷ.

Học phí ở đây chỉ bằng 1/3 những trung tâm khác. Bởi bà giáo già biết còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nếu thu quá cao họ không đủ điều kiện để chi trả.

Trung tâm Phúc Tuệ gồm 2 lớp học dành cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển. Mỗi lớp có khoảng 7-8 học sinh. Thế nhưng, tất cả chỉ có ba cô giáo phụ trách lớp.  Các cô phải thường xuyên để mắt đến từng học sinh. Lớp học ở đây không ồn ào bởi hầu hết các em mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển, không làm chủ được hành vi của bản thân.

Để duy trì được lớp học kiên cố, khang trang như hiện tại, bà Hương từng 3 lần di chuyển địa điểm trung tâm. Bà chia sẻ: “Mỗi lần di chuyển địa điểm giống như cháy nhà vậy. Chúng tôi phải đầu tư xây dựng lại mọi thứ từ lưới bảo vệ an toàn cho trẻ đến làm bậc thang rồi cả việc trang trí lớp học rất tốn kém. Tôi phải bỏ hết tiền lương hưu tiết kiệm ra để chi trả”’

Khó khăn là thế nhưng bà Hương luôn cố gắng làm mọi cách giữ lại trung tâm mong giúp đỡ những phần đời bất hạnh.

Những đứa trẻ đặc biệt chăm chú nghe cô giáo kể chuyện
Những đứa trẻ đặc biệt chăm chú nghe cô giáo kể chuyện  

Điểm tựa yêu thương

Dạy trẻ chậm phát triển, tự kỷ là công việc vô cùng khó khăn, vất vả. Để làm được việc này, giáo viên cần kiên trì, có tấm lòng tình yêu thương, sự thông cảm... đối với các em.

Cô Đỗ Thị Thu Hiền là giáo viên phụ trách dạy trẻ tự kỷ ở Trung tâm Phúc Tuệ. Công tác trong ngành giáo dục đặc biệt 21 năm, cô Hiền chưa bao giờ cảm thấy khó khăn. Ngược lại, cô luôn đồng cảm và thấu hiểu cho những đứa trẻ ấy. 

Thời gian đầu, cô Thu Hiền rất sợ tiếp xúc với các con do chưa quen với môi trường này. “Nhìn các bạn tôi cũng sợ lắm vì các bạn cứ kéo chân xong bắt “cô hát, cô hát”. Có những em liệt sau đó kéo chân tôi muốn hát, tôi thì chỗ nào chị cũng hát, hay hát”, cô Hiền vui vẻ kể lại.

Chỉ tay về phía cô học trò nhỏ, cô Hiền kể: “Kia là Ngân. Ngày đầu tới đây, Ngân không nói chuyện với ai, chỉ ngồi một góc. Ánh mắt vô hồn của em làm tôi thấy thương. Tôi trò chuyện nhiều hơn với em. Dần dần, Ngân mở lòng với tôi. Điều đó làm tôi vui lắm”.

Tình yêu nghề từ sâu thẳm đáy lòng, cô Hiền tự tin mình sẽ tìm được công việc khác liên quan khi bị chỗ khác đào thải. Với cô, mỗi khó khăn của các con đều là cơ hội giúp cô phát triển tư duy, tìm ra hướng đi đúng đắn. Bất kỳ lời nói ngô nghê nào từ trẻ, cô luôn dừng lại để lắng nghe.

Còn cô Trần Thị Thanh Hà gắn bó với Trung tâm Phúc Tuệ đã 17 năm. Vất vả có, khó khăn có nhưng chỉ cần các em tiến bộ một chút cũng đủ làm cô Hà có thêm động lực tiếp tục với nghề.

Ở trung tâm, cô Hà chủ yếu dạy môn toán và tiếng việt. Ngoài ra, cô còn dạy kỹ năng sống cho các em. Mỗi học sinh là một độ tuổi và trình độ nhận thức khác, điều đó khiến cô Hà rất vả trong quá trình dạy.

Cô Hà luôn tâm niệm, làm việc trong ngành giáo dục đặc biệt không đặt cái tâm lên trên sẽ không thể làm được lâu dài. Cô trải lòng: “Tôi quyết định sẽ làm việc ở đây tới khi nào tôi không còn đủ sức thì thôi”.

Dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển là một quá trình dài, cần có sự cố gắng của cả cô và trò. Hành trình đó dù có gian nan đến mấy nhưng những người mẹ đặc biệt ở Trung tâm Phúc Tuệ vẫn luôn là điểm tựa vững chắc, chèo lái đưa các con đến bến bờ hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ