Một ngôi làng ở Ý trải qua 3 tháng chìm trong bóng tối đã "xây dựng mặt trời của riêng mình" bằng cách sử dụng một tấm gương lớn để phản chiếu ánh sáng xuống phía dưới.
Tiến sĩ Karan Raj đã giải thích cách ngôi làng Viganella trải qua khoảng ba tháng trong bóng tối vì nó nằm ở dưới cùng của một thung lũng dốc và được bao quanh bởi những ngọn núi che khuất ánh sáng trên kênh Tik Tok cá nhân mang tên @ dr.karanr của mình.
Tiến sĩ Karan nói: "Đây là Viganella - một ngôi làng chìm trong bóng tối trong 90 ngày từ tháng 11 đến tháng 2. Nó được bao quanh bởi những ngọn núi và thung lũng dốc cản tia nắng mặt trời".
Ngoài ra, ông còn nói thêm rằng: "Việc thiếu ánh sáng mặt trời đồng nghĩa với việc người dân trong ngôi làng sẽ bị giảm mức độ serotonin - hormone tỉnh táo. Thiếu ánh sáng tự nhiên có thể có tác động tiêu cực đến tâm trạng, giấc ngủ, mức năng lượng và tỷ lệ tội phạm".
Vào năm 2006, ngôi làng đã lắp một tấm gương bằng thép kiên cố dài 8 m x 5 m trên đỉnh một trong những ngọn núi cao nhất trong khu vực.
Tấm thép giờ đây đóng vai trò vô cùng quan trọng như một tấm gương và phản chiếu ánh sáng mặt trời trở lại trung tâm ngôi làng.
Theo BBC, dự án tiêu tốn khoảng 100.000 euro vào thời điểm đó.
Tiến sĩ Karan cũng giải thích thêm rằng: "Tấm gương phản chiếu ánh sáng trong sáu giờ một ngày, cho phép mọi người hòa nhập với xã hội".
Năm 2008, Thị trưởng thành phố Midali Viganella Pierfranco Midali đã nói: "Ý tưởng đằng sau dự án không có cơ sở khoa học, mà là do con người. Nó xuất phát từ mong muốn giúp mọi người hòa nhập xã hội vào mùa đông, khi ngôi làng phải đóng cửa vì giá lạnh và bóng tối".
Sau khi xem nhưng hình ảnh và clip về tấm gương phản chiếu ánh sáng này, nhiều cư dân mạng đã tỏ ra rất ấn tượng với khả năng điều chỉnh và thích nghi của ngôi làng.
Một người dùng nói, "OK, đây là một thiên tài thực sự". Một người khác lại viết, "Wow - điều này thật tuyệt vời".
Một điều thú vị khác là Viganella không phải là nơi duy nhất tạo ra "mặt trời của riêng mình". Rjukan ở Na Uy cũng đã thiết lập một dự án tương tự vào năm 2013.