Ngôi làng nổi danh nhờ sừng trâu

GD&TĐ - Đô Hai – một ngôi làng nhỏ đất chiêm trũng thuộc xã An Lão (Bình Lục – Hà Nam) đã nổi danh khắp thế giới nhờ vào sừng trâu.

Nghề chế tác sừng trâu ở Đô Hai đã có trên 100 năm.
Nghề chế tác sừng trâu ở Đô Hai đã có trên 100 năm.

Trong giới chế tác sừng trâu ở nước ta, hai ngôi làng được nhắc đến nhiều nhất là Thụy Ứng (Thường Tín – Hà Nội) và Đô Hai. Về lịch sử hình thành nghề, Thụy Ứng đã có cách đây cả 400 năm. Còn Đô Hai thì chưa lâu lắm, chỉ khoảng hơn trăm năm trước.

Thế nhưng, xét về kỹ thuật thì Đô Hai chẳng thua kém gì Thụy Ứng. Những sản phẩm mỹ nghệ từ sừng trâu được khắp thế giới biết đến. Người người, nhà nhà ở Đô Hai đều gắn bó với nghề. Nhờ nghề mà họ trở nên giàu có, sung túc.

Thành nghề nhờ học “mót”

Sản phẩm mỹ nghệ từ sừng trâu được nhiều người yêu thích.
Sản phẩm mỹ nghệ từ sừng trâu được nhiều người 
yêu thích.

Theo người dân địa phương, tổ nghề làm sừng mỹ nghệ của Đô Hai là cụ Nguyễn Văn Tuấn. Khoảng hơn trăm năm trước, cụ Tuấn đã bươn chải khắp nơi, từ các nước Đông Dương đến châu Âu, châu Phi kể kiếm sống. Ở đâu cụ Tuấn cũng thấy người ta dùng sừng trâu, sừng bò để chế tác ra đủ thứ đẹp đẽ. Từ lược ngà đến đồ trang trí đều hết sức tinh xảo.

Nghĩ quê mình cũng nhiều trâu bò, mà sau khi giết trâu thì đôi sừng cũng chẳng để làm gì, rất phí phạm.

Thế rồi, cụ học “mót” được nghề chế tác sừng trâu và về quê truyền dạy cho con cháu. Sau này, những người học trò của cụ Tuấn đều trở thành nghệ nhân nức tiếng, đem nghề làm sừng truyền bá đi khắp nơi.

Ông Trần Văn Thiết, trưởng làng Đô Hai cho biết, làng có khoảng gần 400 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu thì hầu hết các hộ đều làm sừng mỹ nghệ. Ngay cả những em nhỏ cũng có thể làm được nghề nhưng là những công đoạn giản đơn. Người lớn thì cũng tùy sự khéo tay mà phân công chế tác, người giỏi thì làm thợ chính, người chưa giỏi thì làm công đoạn thô.

Với người Đô Hai, nghề chế tác sừng trâu, bò thành những tác phẩm mỹ nghệ tuyệt đỉnh đã trở thành cái duyên cái nghiệp. Thời thịnh vượng nhất của làng sừng Đô Hai thực sự khởi sắc từ những năm 1985 khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp. Các hộ bắt đầu sản xuất số lượng lớn những sản phẩm đẹp nhất để bán ra thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian này, làng có khoảng 160 - 180 mẫu hàng như rồng phượng đôi, anh hùng Tư Ngộ, lược, 12 con giáp. Hầu hết số lượng sản phẩm thời kỳ đó được xuất khẩu sang các nước như Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc, Cu Ba…

Nhộn nhịp làng sừng ngày Tết

Ngày nay, sản phẩm của làng sừng Đô Hai rất đa dạng.
Ngày nay, sản phẩm của làng sừng Đô Hai rất đa dạng.

Bằng đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng Đô Hai, những chiếc sừng trâu thô mộc đã biến thành những sản phẩm mỹ nghệ tinh tế. Cũng nhờ vậy, vào mỗi dịp trước và sau Tết, làng Đô Hai lại trở nên tất bật hơn bất cứ thời điểm nào trong năm.

Giáp Tết, từng đoàn xe về làng đặt hàng, lấy hàng để đem đi các nơi tiêu thụ. Không khí vô cùng nhộn nhịp, đến các xưởng sản xuất cũng không còn chỗ trống để xếp hàng. Hàng trăm bao tải, thùng xốp đóng hàng để chuyển đi các nơi cho kịp thời hạn.

Trong các lò “nướng sừng”, sức nóng như nhân đôi giữa thời tiết buốt giá. Những chiếc sừng lớn được nghệ nhân hơ nóng, uốn dẻo, cạo mài rất kỹ lưỡng để cho ra sản phẩm mới. Các xưởng máy cắt còn ồn ào hơn, bởi lượng sản phẩm cần gia công đang xếp đống cao như núi.

Theo các cao niên làng Đô Hai, thời kỳ đầu khi xuất hiện nghề làm sừng, sản phẩm của làng chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân khu vực Bắc Bộ. Do vậy các mặt hàng cũng rất giản đơn như roi ngựa, quai nón, nho mai, bàn chải. Khoảng 20 năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường nên làng đổi mới sản xuất đa dạng mẫu mã, kích cỡ. Vì thế, người lạ vào làng sẽ không khỏi hoa mắt trước hàng vạn mẫu sản phẩm trưng bày trong các cửa hàng lớn nhỏ ven đường cái quan.

Từ tượng, tràng hạt đến lược ngà, ấm chén, giả sơn, chân bàn bằng sừng đến bút, vật liệu trang trí nội thất đủ cả. Những sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Đô Hai có mặt khắp tỉnh thành trong cả nước, thậm chí nhiều sản phẩm đã “xuất ngoại” và chiếm được vị thế nhất định.

Ông Nguyễn Duy Ban, chủ một một xưởng sản xuất cho hay: Vào các dịp cuối năm, khách đến đặt sản phẩm làm quà Tết rất đông nên chúng tôi phải thuê thêm nhân lực từ các làng bên cạnh. Các sản phẩm được đặt có thay đổi theo năm, có thời điểm khách thích “tùng, cúc, trúc, mai”, tranh ảnh nghệ thuật. Cũng có năm khách đặt bộ 12 con giáp hoặc một mẫu nào đó rất lạ.

Trung bình một tác phẩm “ngũ hổ” hay “tùng, cúc, trúc, mai” có giá từ 5 – 10 triệu đồng tuỳ kích cỡ. Có những khách mua với số lượng lớn với đơn hàng tới vài tỉ đồng. Lúc này, chủ xưởng lại phải huy động các xưởng khác chung tay sản xuất mới kịp hạn giao hàng.

Trăm năm kỹ nghệ uốn sừng

Khách nước ngoài thường xuyên đến Đô Hai để đặt hàng cũng như học hỏi kinh nghiệm chế tác.
Khách nước ngoài thường xuyên đến Đô Hai để đặt hàng cũng như học hỏi kinh nghiệm chế tác.

Để có được một sản phẩm hoàn hảo, các nghệ nhân ở Đô Hai đã phải mất hàng trăm năm cải tiến và nâng cao tay nghề. Giờ đây, nếu chỉ là những sản phẩm thông thường thì người làm nghề chỉ được gọi là “thợ bé”, còn sản phẩm mỹ nghệ phải do “thợ cả” hoặc nghệ nhân làm ra.

Từ những chiếc sừng trâu thô sơ, các nghệ nhân phải trải qua khá nhiều công đoạn. Khi mua sừng về phải ngâm với nước từ 12 - 14 tiếng, sau đó cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn, rồi đến cắt răng, chà lát, đánh bóng... Mỗi công đoạn đều đòi hỏi phải thật khéo tay, tinh mắt.

Trước đây khi chưa có máy móc thì tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Ngày nay với sự giúp sức của máy móc, các sản phẩm đều được làm kỳ công và tinh xảo hơn.

Ông Trần Văn Thiết nói rằng, lớp trẻ ở Đô Hai rất thiết tha với nghề truyền thống. Có nghề, không phải đi xa lại thu nhập ổn định nên ai cũng gắn bó, cạnh tranh tay nghề để phát triển bản thân. Nhiều thợ giỏi đến bậc thầy, được nhiều nơi mời gọi truyền thụ kiến thức với mức lương rất cao.

Theo các nghệ nhân Đô Hai, làm nghề chế tác sừng cũng như là một phương pháp để rèn luyện bản thân vì đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, tinh tế, thậm chí chính xác đến tuyệt đối. Để có được một sản phẩm đẹp, ưng ý và hoàn mỹ từ những chiếc sừng trâu, bò, các nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau.

Mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, cẩn thận và cực kì tinh mắt. Việc chế tác đồ mỹ nghệ từ sừng bao gồm mỗi người một công đoạn, không thể ôm đồm. Điều này yêu cầu phải dựa vào tay nghề của từng cá nhân, có những chi tiết làm cả ngày mới xong nên phải có tinh thần tập thể hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau thì mới có sản phẩm đẹp.

Công đoạn khó nhất trong nghề mỹ nghệ sừng chính là uốn. Từ một miếng sừng thẳng, muốn uốn thành một chiếc vòng đeo cổ, đeo tay, nghệ nhân phải nấu sôi dầu nhớt lên đến cả nghìn độ C. Nghệ nhân cần mẫn ngồi nhúng miếng sừng vào vạc dầu để chúng mềm ra rồi lại tỉ mẩn uốn từng chút một.

Lại có những sản phẩm nhỏ li ti như cây kim, đòi hỏi phải thật khéo léo và tinh mắt. Thường thì có hỗ trợ của kính lúp, nhưng để ráp nối vật thể quá nhỏ bé cũng đã thể hiện cái tài của người thợ lành nghề. Phải là một nghệ nhân kinh nghiệm mới cảm nhận hết tinh tế của công việc này. Bởi nếu sừng chưa đạt độ “mở” rất có thể sản phẩm hoàn thiện sẽ vẫn hỏng, mà sừng “sống” thì giá trị thẩm mỹ coi như bằng số 0.

Cắt sừng cũng đòi hỏi tay nghề cao bởi khi đưa miếng sừng vào máy cắt, nghệ nhân phải biết “thuần dưỡng” chiếc lưỡi cưa để có được những đường lượn ưng ý tạo dáng sản phẩm. Chính vì những yêu cầu khắt khe của công đoạn cắt và uốn sừng, nên cả làng với nghìn thợ giỏi cũng chỉ có vài chục người được gọi là “thợ cả”.

Ông Lã Quốc Toản, nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Lục cho biết: Nghề làm sừng ở Đô Hai thực sự đem lại lợi ích và danh tiếng. Nhờ có đầu ra ổn định khắp trong Nam ngoài Bắc, thì Đô Hai còn xuất lượng hàng đáng kể sang nước ngoài. Nhiều khách quốc tế còn tìm về Đô Hai để học hỏi, đặt hàng dài hạn số lượng lớn.

Theo ông Trần Văn Thiết, Trưởng làng Đô Hai: Ngoài việc chế tác sừng mỹ nghệ thì Đô Hai cũng phối hợp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật. Mong mỏi giúp các em có công ăn việc làm ổn định cuộc sống cũng là một trong những tiêu chí làm nghề. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ