Thụy Ứng là làng nghề truyền thống 400 năm tuổi thuộc xã Hòa Bình (Thường Tín - Hà Nội). Cùng với Đô Hai (Hà Nam), Thụy Ứng là làng nghề chuyên sừng trâu độc đáo nhất nước ta. Bởi thế từ xưa, dân gian có câu ca: Lược sừng Thụy Ứng chàng ơi/ Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua.
Làng nghề 400 năm
Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, cho biết: Theo lịch sử kể lại, nước ta có hai làng nghề làm lược là Thụy Ứng (lược sừng) và Trầm Vạc (lược bí bằng xương, tre - Hưng Yên). Sau thời tao loạn, làng nghề lược bí Trầm Vạc hầu như không còn. Làng nghề lược sừng Thụy Ứng vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Tại đình làng Thụy Ứng, những sử liệu tuy cũ nhưng được các đời lưu lại ghi rõ: Lược sừng Thụy Ứng có từ thời vua Lê Trung Tông, hiệu Thuận Bình (từ năm 1549 đến năm 1556).
Hai anh em là cháu TS Trần Đắc, người làng Thụy Ứng đã dạy cho dân nghề làm lược. Mặc dù không rõ tên tuổi ông tổ dạy nghề, nhưng dân làng đã làm bức ảnh chân dung bằng khảm trai ốc, lồng trong giá gương để thờ tại tam bảo chùa làng.
Đến năm 1932, dân làng khởi công xây dựng 3 gian nhà ngói để rước ông tổ nghề về thờ tại hậu cung. Ngoài tiền sảnh có bức đại tự “Dân tiền giác”, nghĩa là người biết trước dân, cùng đôi câu đối: Cổ tại tích tiền nhân chế tác sơ trang giáo hương kỹ nghệ/ Kim dĩ lại hậu thế cải tiến long ngự giao tiếp thị trường.
Bên trong là bức hoành phi “Sở đầu Thánh nhân”, tức là vị thánh khởi đầu cho nghề. Hằng năm, dân làng đều tổ chức cúng tế vào Rằm tháng Hai và Rằm tháng Tám rất trang trọng và theo nghi lễ dân gian. Những ngày thường, làng cử cụ từ đèn nhang, trông nom đền.
Gian nan nghề cổ
Ông Học bảo rằng, trâu bò thịt xong, những sản phẩm còn lại đều được người làng Thụy Ứng tận dụng hết. Ngoài sừng, móng là nguyên liệu chính để chế tác các sản phẩm mỹ nghệ, da được thuộc, xương được nghiền làm thức ăn gia súc, lông đuôi được dùng làm bàn chải, mùn sừng là loại phân bón hữu cơ tốt. Có lẽ không đâu có thể tận dụng con trâu được như ở Thụy Ứng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Long, cho hay: Sừng, móng tươi được dân làng thu mua từ các nơi về, phơi khoảng một tuần cho khô. Trước khi chế tác thành đồ mỹ nghệ, nguyên liệu thô phải được luộc trong dầu sôi cho mềm rồi đưa vào máy ép thủy lực, cán thành những miếng sừng mỏng.
“Trước đây, khi chưa có công nghệ hỗ trợ, chúng tôi phải dùng vồ gỗ nặng vài chục cân đập cho phẳng, vừa tốn sức, năng suất lại thấp. Bây giờ, Thụy Ứng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chế tác nên sản phẩm chắc, bền và đẹp hơn”, anh Long cho biết.
Gia đình bà Mười Sử là một trong những hộ làm lược sừng quy mô và lâu đời nhất ở Thụy Ứng. Bà bảo rằng, công việc cực nhọc, ngay công đoạn luộc ép sừng đã độc hại rồi. “Người thợ phải trực tiếp ngồi bên nồi dầu sôi để điều tiết. Mùi dầu và mùi hôi của móng trâu, bò rất khó chịu, không phải ai cũng ngửi được. Với những người thợ đã quen với công việc, còn coi đó là nỗi ám ảnh”, bà Mười Sử nói.
Theo các nghệ nhân Thụy Ứng, muốn có nguyên liệu ưng ý phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ. Tùy theo từng chiếc sừng mà thợ hơ, ép, pha, cắt cho phù hợp với ý đồ sản phẩm. Sừng trâu non uốn khỏi tay lại cong vênh nên để khắc phục, thợ làng Thụy Ứng đều có mẹo riêng.
Theo anh Nguyễn Văn Thiêm, thợ lược sừng lâu năm, để có một chiếc lược sừng, phải trải qua ít nhất 30 công đoạn, từ luộc, ép đến giéo thành khuôn, cắt răng, chà lát, đánh bóng.
Sau 400 năm làm nghề, thợ làng Thụy Ứng kinh nghiệm rằng, làm lược nếu làm thớ ngang, lược dễ gãy; làm thớ dọc thì lược sẽ bền đẹp. Lược màu trắng, làm từ sừng trâu trắng có giá hơn lược đen. Lược làm từ sừng cũng có giá trị hơn lược làm từ móng.
Đưa ra một miếng nguyên liệu phôi thành phẩm, anh Thiêm chỉ cho chúng tôi xem rồi giải thích: “Khi ép ra, phần có màu trắng là đế móng, phần trên móng có màu đen. Những chiếc lược sừng làm từ móng thường có 2 màu là vì vậy”.
Giàu nhờ sừng trâu
Ở Thụy Ứng có nhiều người giàu có nhờ vào nghề truyền thống làm lược sừng. Lược sừng Thụy Ứng luôn đẹp và chất lượng. Những mẫu mã mới như hình chim, nửa vầng trăng cách điệu… luôn thu hút người mua.
Hơn nữa, không dừng lại ở mặt hàng truyền thống. Cũng từ chất liệu sừng trâu, bò, người Thụy Ứng còn làm ra nhiều sản phẩm khác: Vòng đeo tay, mỹ nghệ trang trí, chén sừng ngọc… mà cái nào cũng đẹp, cũng bền.
Ông Nguyễn Văn Sử, một trong những người thành công trong nghề. Nhờ tay nghề cao, óc sáng tạo mà sản phẩm của gia đình ông làm ra đến đâu, hết đến đó. Nhiều lần triển lãm hàng hóa tại nước ngoài, ông ký những hợp đồng lớn.
Nhưng để thành công, với ông là cả quãng đường gian khổ. Khởi đầu là người bán lược sừng dạo, suốt bao năm rong ruổi mới giúp ông nắm bắt nhu cầu thị trường.
Chỉ cho chúng tôi xem những cặp sừng trâu, bò châu Phi có kích thước lớn, ông Sử cho biết: Sừng thô mua chỉ vài chục nghìn/kg, nhưng qua bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề, cặp sừng có trị giá lên đến hàng chục triệu.
“Điều quan trọng là bí quyết chế tác. Những sản phẩm mỹ nghệ từ sừng được các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ đặc biệt ưa chuộng do được làm hoàn toàn thủ công”, ông Sử cho hay.
Ở Thụy Ứng, còn hàng chục nghệ nhân khác, đồng thời là những người kinh doanh thành công. Nhờ vào tay nghề và những mối quan hệ, họ vừa sản xuất vừa cung ứng sản phẩm sang các nước châu Âu.
Với mong muốn phát triển nghề cổ, từ năm 1997, nhiều người thợ làng Thụy Ứng vừa nghiên cứu tìm lối ra cho những chiếc lược truyền thống, vừa mày mò cải tiến cách làm. Nhờ đó, hàng nghìn chiếc lược sừng trước đây làm ra chưa bán được thì nay có cơ hội tiêu thụ. Các cửa hàng, đại lý tìm đến tận làng nghề để đặt mua hàng lược sừng với số lượng lớn.
Đã có thời điểm, hàng lược sừng khan hiếm do làng nghề sản xuất không đủ để cung cấp cho thị trường. Những chiếc lược sừng của Thụy Ứng trở thành một sản phẩm được nhiều nước ưa chuộng. Nhiều sản phẩm được chế tác thủ công cực kỳ tinh xảo, đòi hỏi đầu tư thời gian và tâm sức rất lớn như tác phẩm: Long phượng kỳ duyên, song hổ tranh đấu, bức tranh lục bình… được xuất khẩu sang các nước, và được đánh giá là mặt hàng nổi bật của Việt Nam.
Làng Thụy Ứng có khoảng 700 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, có thời điểm trên 60% hộ làm nghề. Tuy còn nhiều hạn chế trong chiến lược phát triển lâu dài, nhưng đến nay nhiều nước đã biết đến sản phẩm mỹ nghệ từ sừng trâu, bò của Thụy Ứng. Ông Nguyễn Văn Học