Lật tẩy kỹ nghệ độ sừng trâu thành sừng tê giác

Với giá thành siêu đắt, sừng tê giác được liệt vào hàng quý hiếm được săn lùng ráo riết. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động làm giả sừng tê giác để kiếm lời...

Lật tẩy kỹ nghệ độ sừng trâu thành sừng tê giác

Từ trước đến nay sừng tê giác (STG) vốn được nhiều người gắn vào đó công dụng như một thần dược có thể chữa được bách bệnh từ giải độc sau mỗi cuộc rượu say, tăng cường bản lĩnh đàn ông đến chữa những bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối. 

Với giá thành siêu đắt càng làm cho STG được liệt vào hàng quý hiếm được săn lùng ráo riết. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động làm giả STG. Điều đáng nói ngay cả STG thật, công dụng chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng thì những loại STG giả ẩn họa cho người dùng là rất lớn.

Đại gia cũng sa bẫy bởi những ngón lừa chế hàng giả

Qua mối quan hệ trước đây và sau nhiều lần hẹn PV tiếp cận được với Hùng “cu tý”- một đầu mối chuyên môi giới bán không chỉ STG mà còn cả cao hổ cốt, cao ngựa bạch cho những đối tượng có nhu cầu. 

Căn nhà của Hùng “cu tý” khang trang nằm sâu trong ngõ trên địa bàn quận H.Đ. (Hà Nội), trên bốn bức tường nhà Hùng “cu tý” sưu tập đầu thú được nhồi bông đa phần là đầu linh dương, bò tót thậm chí cả đầu một con hổ.

Trong câu chuyện của Hùng “cu tý” thì với các loại cao động vật như cao hổ cốt, cao ngựa bạch, cao khỉ cần bao nhiêu anh ta cũng có. Riêng với STG thì phải đặt hàng và đặt cọc tiền trước hàng tháng mới có được. Giá thành thì theo Hùng “cu tý” còn tùy thuộc vào khách muốn mua STG nguyên khối hay mua theo lạng (đã được chia thành miếng-PV). 

Nếu mua STG nguyên khối thì sẽ tính vào nguồn gốc của STG là ở đâu, tùy theo ở châu Phi hay châu Á mà ra giá cao hay thấp. Khi PV dè dặt hỏi làm sao có thể nhận biết được đâu là STG xịn đâu là STG giả, Hùng “cu tý” phân tích như một chuyên gia.

Theo đó chỉ cần tinh ý một chút thì vẫn có thể phân biệt được thật giả bằng mắt thường. Ví dụ, thớ STG to hơn với vằn thớ thô hơn vằn thớ trên sừng trâu, bò. Nếu tinh mắt có thể nhận thấy sừng trâu bò có nguồn gốc từ sọ nên khi để khô thường có vết nứt đồng tâm giống như vòng tròn tăng trưởng phía trong, còn sừng tê giác không có dấu hiệu này.

Cũng từ cuộc trò chuyện với Hùng “cu tý”, PV được biết có cả một thế giới ngầm chuyên rao bán, bắt mối cùng với đó là vô vàn các kỹ thuật để luyện ra một chiếc STG từ những chất liệu sừng trâu hoặc tóc. Theo Hùng “cu tý” trong giới chuyên kinh doanh buôn bán mặt hàng thuộc diện cấm này thì đương nhiên vì lợi nhuận chắc chắn sẽ có đội quân chuyên chế tác ra STG giả.

Hùng “cu tý” cũng rất hạn chế nói về điều này song qua lời một đệ tử ruột của Hùng “cu tý” thì chỉ bằng một số máy dập ép, khò thủ công cùng chút hoa tay có thể luyện được một mẩu STG thậm chí cả nguyên chiếc STG giả từ sừng trâu hoặc tóc. 

Giới làm STG giả thường chọn sừng trâu đặc biệt là trâu nước hay sừng bò châu Phi. Lyá́ do mà đệ tử của Hùng “cu tý” lý giải bởi chóp sừng của loài bò này giống sừng tê giác. Những tay buôn lậu không cần phải chế tác mà cứ cắt nguyên sừng của bò châu Phi đi lừa vẫn ăn tiền, bởi từ màu sắc, vân rất giống với sừng tê giác.

Có một chiêu nữa để lừa người mua STG giả mà những tay buôn mặt hàng này sử dụng để bẫy khách hàng có tiền nhưng không am hiểu về STG là các đối tượng sử dụng phần gốc sừng là STG thật, có da và lông phủ, sau đó mài giũa, ghép phần ngọn là sừng trâu. Phần ghép nối được khéo léo che giấu bằng cách phủ một mảng da và lông thật lên trên. 

Với thủ đoạn này thì ngay cả những tay buôn "có nghề" cũng dễ bị lừa chứ đừng nói đến người chưa nhìn thấy sừng tê giác bao giờ. Và để chứng minh cho việc này Hùng “cu tý” cũng đưa cho PV xem một mẫu STG giả được chế tác theo kỹ thuật này. Quả thực với mắt thường không thể phân biệt được đâu là STG thật hay giả.

Lật tẩy kỹ nghệ độ sừng trâu thành sừng tê giác - Ảnh 1

Một chiếc STG được kỹ luyện từ sừng bò châu Phi mà Hùng "cu tý" đưa cho PV xem.

Tiền mất tật mang

Cũng trong buổi gặp gỡ Hùng “cu tý” PV cũng nhờ Hùng “cu tý” giải mật lời đồn có thể dùng tóc người làm ra STG. Hùng “cu tý” cười nói: “Kỹ thuật này hoàn toàn có thể làm được, tuy nhiên đòi hỏi có máy móc hiện đại và chi phí chế tác cao hơn rất nhiều so với dùng sừng bò châu Phi. 

Nếu một chiếc STG làm bằng tóc người được hoàn thiện thì thường STG loại này đạt đến độ tinh vi đến mức nhìn mắt thường, chuyên gia cũng không thể phân biệt được.

Xem xét tất cả các mặt cắt thì chiếc sừng này có đặc điểm, màu sắc và kết cấu giống hệt STG thật. Chỉ phát hiện ra khi thực hiện giải mã bằng công nghệ ADN. Đề cập đến tác dụng thực sự của STG đối với người sử dụng liệu nó có phải là thần dược chữa được bách bệnh hay không thì chính tôi cũng không dám chắc mà chỉ biết đến tác dụng của STG qua những lời đồn thổi”.

Trước những lời đồn thổi STG trị được ung thư, trong một buổi tọa đàm mới đây GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo tìm hiểu của tôi cho đến thời điểm này đã có nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định sừng tê không trị được ung thư”.

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng đưa ra dẫn chứng: Lược như nghiên cứu của công ty dược uy tín Hoffmann - La Roche công bố năm 1983: “Sừng tê giống như móng tay, lông, tóc, không có tác dụng chống đau, chống viêm, chống co thắt và cũng không có tác dụng kháng khuẩn để chống viêm mũi và vi khuẩn trong ruột. 

Nghiên cứu thứ hai của hội Động vật học London (2005). Người phát ngôn – TS.Raj Amin nói: “Không có cơ sở cho thấy bất cứ chất cấu tạo nào trong sừng tê có dược tính. Về mặt y học thì cũng như bạn gặm chính móng tay mình vậy.

GS.Harold Varmus, chuyên gia ung thư hàng đầu, cũng khẳng định: “Bột sừng tê giác không có tác dụng điều trị ung thư. Có nghĩa rằng sừng tê không phải là vị thuốc chữa được bệnh gì cả. Tôi có theo dõi nhiều người bị các loại ung thư khác nhau. 

Không thấy ai chỉ dùng thuốc thần sừng tê mà khỏi bệnh. Có người biết bị bệnh sớm mà tin STG nên để bệnh trễ mới chịu điều trị chính quy bài bản thì cũng không còn hiệu quả nhiều, mất tiền và mất mạng.

Cũng liên quan đến tác dụng của STG, dược sỹ Nguyễn Hoàng Bình, hiệp hội Đông y Việt Nam cũng đưa ra quan điểm: Không ít y văn và trong dân gian được lưu truyền những huyền thoại về vị thuốc này giải quyết bệnh nan y. Ngày nay, một số trường hợp ung thư bạch cầu, viêm não Nhật Bản được điều trị phối hợp sừng tê giác dùng trong việc hạn chế tác dụng phụ sau các đợt hóa trị liệu, chiếu tia xạ trong điều trị ung thư.

Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy có công trình nghiên cứu khoa học nào được công bố về vấn đề này, hoặc có cũng chưa được công bố vì tê giác thuộc nhóm động vật bảo vệ đặc biệt có nguy cơ tuyệt chủng. Khoa học ngày nay cũng mới chỉ xác định được một số chất chứa trong sừng như: Keratin, canxicarbonat, canxiphot- phat, acid amin. Nước chiết có phản ứng alcaloid; chưa phát hiện được hoạt chất tác dụng.

Như vậy có thể thấy việc dùng STG và công dụng của nó chỉ là những lời đồn thổi chưa được chứng minh. Mối nguy hại này càng cao khi người sử dụng dùng phải những STG giả thì độc tính càng cao gây nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe.

Tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để ngăn chặn nạn săn bắt trộm

Từ năm 2010, các chuyên viên tham gia dự án giải cứu tê giác Rhino Rescue Project do Tiến sỹ Lorinda Hern đồng sáng lập, đã tiêm vào sừng tê giác một hợp chất gồm ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu nhằm ngăn chặn nạn săn bắt trộm. Hợp chất này nhằm làm nhiễm độc và làm bẩn sừng khiến sừng tê giác không còn hữu dụng cho việc chữa bệnh cũng như trang trí.

Loại thuốc này sẽ duy trì hiệu quả trong khoảng 3-4 năm, tương đương một chu kỳ phát triển đầy đủ của sừng. Sau đó quy trình này sẽ được lặp lại. Việc tiêm độc vào sừng không gây tác dụng phụ đối với sức khỏe và những hoạt động hàng ngày của tê giác.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ