Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng robot quá “máy móc” ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Phật giáo.
Theo báo Japan Times, ngôi đền Kodaiji nằm tại thành phố Kyoto (Nhật Bản) đã trở thành đề tài tranh luận của nhiều du khách khi sử dụng robot hình người để giảng đạo cho thế hệ trẻ mà họ tin rằng điều đó “sẽ thay đổi bộ mặt của Phật giáo”.
Nhà sư "công nghệ” có tên Mindar được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo cao 1,8 mét phỏng theo Phật Quan Âm. Mindar đã thực hiện các bài giảng kinh Phật cùng các nhà sư người thật cho nhiều du khách thập phương.
Được phát triển với chi phí gần 1 triệu USD trong một dự án chung giữa ngôi đền và giáo sư chuyên về người máy nổi tiếng Hiroshi Ishiguro thuộc Đại học Osaka, robot Mindar có nhiệm vụ giảng dạy kinh Phật về lòng cảm thông và tác hại của sự ham muốn, giận dữ và bản ngã.
Những bài giảng Kinh Phật được thể hiện bằng tiếng Nhật và được dịch sang cả tiếng Anh và tiếng Trung hiển thị trên màn hình phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.
“Đó là vẻ đẹp của robot. Nó có thể lưu trữ kiến thức mãi mãi và vô hạn. Với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi hy vọng nó sẽ phát triển trí tuệ để giúp mọi người vượt qua những rắc rối khó khăn nhất trong cuộc sống. Robot đang thay đổi Phật giáo”, nhà sư Tensho Goto tu tại đền Kodaji chia sẻ.
Từ đầu năm, nhà sư robot bắt đầu công việc. Bộ máy bay có có thể cử động thân, cánh tay và đầu. Bàn tay, mặt và vai của robot được bọc bằng silicone để mô phỏng da người, phần còn lại để trần vẫn hé lộ hệ thống máy móc phức tạp, một camera nhỏ cũng được gắn ở mắt trái của robot. Mindar cũng có thể chắp tay cầu nguyện cùng các tín đồ và phát ra giọng giảng kinh với âm thanh êm dịu.
Từ ảnh hưởng của tôn giáo đối với cuộc sống hàng ngày, nhà sư Goto hy vọng robot giảng kinh Phật sẽ có thể tiếp cận thế hệ trẻ theo cách mà các nhà sư truyền thống không thể làm được.
Nhà sư cũng nhấn mạnh rằng, robot không phải là “mánh khóe” giúp quảng bá cho ngôi đền để kiếm thêm thu nhập từ khách du lịch.
“Những bạn trẻ thường nghĩ rằng đền chỉ là nơi dành cho đám tang hoặc đám cưới. Sẽ rất khó để giới trẻ có thể thấu hiểu được ý nghĩa Phật giáo, một nhà sư như tôi mong robot sẽ giúp có thể kết nối họ với tôn giáo.
Robot có thể dạy chúng ta cách vượt qua nỗi đau và sẽ giúp đỡ bất kỳ ai đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Mục đích của đạo Phật là xoa dịu nỗi khổ đau cho chúng sinh khi xã hội luôn đầy áp lực và mệt mỏi”, nhà sư chia sẻ.
Một cuộc khảo sát gần đây của Đại học Osaka đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ những du khách đã đến trải nghiệm nhà sư “robot”, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên về vẻ ngoài của “nhà sư công nghệ này”.
Đền Kodaiji đã phải đối mặt với những lời chỉ trích chủ yếu từ những du khách nước ngoài, vì điều này bị coi là làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Phật giáo.
Nhà sư Goto nói rằng người phương Tây đã không hài lòng khi ngôi đền sử dụng robot để giảng kinh Phật, nhiều người còn so sánh nó với quái vật Frankenstein.
“Người dân Nhật Bản không có có bất kỳ định kiến nào đối với robot. Chúng tôi đưa robot vào những tập truyện tranh và coi đó như người bạn của mình, còn người phương Tây lại nghĩ khác”, ông nói.
Ông Goto cho rằng tất nhiên robot chỉ là cỗ máy không có linh hồn. Tuy nhiên, “bản chất của đạo Phật không chỉ là niềm tin vào Phật mà còn là hướng con người đi theo con đường Phật chỉ dạy. Cũng chính bởi vậy, tư tưởng Phật giáo và cách truyền đạt mới là điều quan trọng dù có sử dụng phương tiện gì đi chăng nữa”, nhà sư Goto kết luận.