Chợ Bến Thành trải qua bao thăng trầm lịch sử, hai lần di dời, thay đổi địa điểm và nhiều lần xây cất, sửa chữa do bị cháy, sập.
Chợ Bến Thành những ngày cuối năm
Vào những ngày cuối năm 2024, chợ Bến Thành trở về “nhịp sống” chậm rãi, khi lượng khách tham quan, mua sắm giảm nhẹ so với thời gian cao điểm trong năm. Ông Đặng Hữu Toàn (53 tuổi), người đã gắn bó với nghề kinh doanh chè gần 23 năm chia sẻ, hiện tại, lượng khách vẫn chưa đông, có phần chậm rãi hơn.
“Thông thường, vào đầu năm, khách sẽ đông hơn, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán. Tết Dương lịch chỉ có một vài ngày đông khách, chủ yếu là người dân Việt Nam. Hy vọng trong tuần tới, tình hình sẽ khởi sắc hơn”, ông Toàn cho biết.
Chợ Bến Thành còn là một trong những biểu tượng của TPHCM. Đa số khách nước ngoài biết đến rộng rãi nhờ các phương tiện truyền thông xã hội và các công ty du lịch. Đây còn là điểm mua sắm lý tưởng.
Jeff Wang (32 tuổi, người Singapore) cho biết, qua việc tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, anh đã biết rằng chợ Bến Thành là một phần không thể thiếu trong lịch sử của Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay, là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố.
“Có rất nhiều mặt hàng được bày bán ở đây. Tôi nghĩ đây là điểm đến quan trọng đối với những du khách lần đầu đến Sài Gòn. Tôi cũng rất ấn tượng vì người bán hàng có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng ở đây có phần cao hơn hoặc tương đối đắt so với các chợ khác”, Jeff Wang chia sẻ.
Đến tham quan chợ Bến Thành lần đầu, bà Lê Thị Yến (50 tuổi, sống tại tỉnh Đắk Lắk) ấn tượng với không khí sôi động ở đây. “Tôi cảm nhận rõ ràng sự kết hợp giữa nét cổ kính và nhịp sống hiện đại, không khí vừa có tiếng Việt và tiếng nước ngoài, các gian hàng đa dạng, từ đồ lưu niệm đến món ăn đặc trưng của người dân Việt Nam, tất cả đều khiến tôi cảm giác như đang du lịch ở một đất nước khác”, bà Yến nói và chia sẻ thêm, bà đặc biệt ấn tượng với món chè ngũ sắc tại đây, giá món ăn cũng ổn định chứ không quá đắt khi ở khu vực trung tâm Quận 1.
Sau hơn 110 năm được đưa vào sử dụng, khu chợ đã biểu hiện rõ những dấu hiệu xuống cấp. Các tiểu thương và người dân TPHCM mong chợ sớm được cải tạo khang trang và đón được nhiều khách hơn.
“Chợ đang xuống cấp rõ rệt, đặc biệt vào mùa mưa, nơi đây liên tục bị dột và ngập cao, khiến hàng hóa bị ảnh hưởng. Các mái nhà cũng đã cũ, những vết tường cũng không còn mới. Chúng tôi hiểu và chấp nhận tạm ngừng kinh doanh để chợ có thể được sửa chữa. Công tác tu sửa này sẽ giúp cải thiện môi trường, làm cho chợ sạch sẽ hơn, đồng thời mang lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách, phát huy giá trị của một địa điểm du lịch nổi tiếng ở TPHCM”, ông Đặng Hữu Toàn mong mỏi.
Xuôi dòng lịch sử
Lịch sử hình thành chợ Bến Thành gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn. Tên gọi “Chợ Bến Thành” liên quan đến thành Bát Quái do Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) xây dựng. Năm 1788, Nguyễn Vương chiếm lại Gia Định từ quân Tây Sơn, liền cho xây dựng thành quách để ngăn quân Tây Sơn.
Thành Bát Quái (8 cạnh) được xây dựng vào năm 1789 với số nhân công là 30.000 người, do kiến trúc sư Theodore Lebrun và kỹ sư công binh người Pháp Victor Olivier de Puymanel thiết kế. Năm 1790, thành xây xong có chu vi khoảng 4.176 mét, ba mặt giáp sông.
Sông Bến Nghé có một bến nằm gần thành Bát Quái. Bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mà được gọi là Bến Thành (bến trước khi vào thành). Gần sát bến này có một khu chợ vì thế mà chợ này cũng được gọi là “Chợ Bến Thành”, tên “Chợ Bến Thành” chính là được xuất phát từ đây.
Chợ Bến Thành ban đầu này được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Nơi bến sông này thuận lợi cho ghe thuyền trong và ngoài nước lui tới, vì thế mà việc buôn bán trở nên sầm uất. Hàng hóa nước ngoài xuất hiện ở chợ khá nhiều, thu hút người dân và người Pháp đến đây mua sắm.
Sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833 - 1835), thành Gia Định bị phá bỏ, chợ Bến Thành lúc này vẫn còn nhưng không được sầm uất như trước, dù vẫn là nơi đông đúc nhất. Đến tháng 2/1859, liên minh Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Định, chợ Bến Thành bị thiêu hủy.
Vì thế khoảng năm 1860 - 1861, Pháp xây một chợ khác xa bờ sông hơn, nằm cạnh con rạch mà sử gia nổi tiếng Trịnh Hoài Đức gọi là ngòi Sa Ngư, chạy từ rạch Bến Nghé đến địa điểm nay là ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
Ngôi chợ này có 5 gian, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và mái lợp tranh. Năm 1870, một trận hỏa hoạn bùng phát đã thiêu rụi một gian trong ngôi chợ và vụ việc được đưa ra các phiên họp của Hội đồng thành phố Sài Gòn để quyết định.
Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Đức Hiệp, năm 1860, khi các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Hàm Nghi ngày nay còn là kinh (kênh) Gallimard, kinh Chợ Vải và rạch Cầu Sấu thì khu vực chợ Bến Thành và ga xe lửa Sài Gòn vẫn còn là một bãi đầm sình lầy hoang vắng. Người Pháp gọi là đầm Boresse - nơi có nhiều vũng ao tù nước đọng làm thành những ổ dịch bệnh.
Kể từ năm 1878, Hội đồng thành phố Sài Gòn đã quan tâm tới chuyện lấp đất khu đầm lầy này. Cuối năm 1893, tuy chưa lấp xong, nhưng Sở Công chánh đã làm nhiều con đường băng qua khu này, với ý đồ “biến đầm Boresse thành một trung tâm thương mại”. Công việc bồi đắp và làm khô sạch hoàn toàn khu đầm lầy này mãi đến năm 1916 mới hoàn tất.
Mặc dù nhu cầu xây dựng một khu chợ mới đã được tính đến từ năm 1870, nhưng phải đợi đến 23 năm sau, câu chuyện này mới được chính quyền thành phố Sài Gòn nhắc lại. Năm 1903, chính quyền quyết tâm xây một “khu chợ trung tâm xứng tầm với thành phố Sài Gòn”. Địa điểm xây khu chợ này vào đầu năm 1908 mới được quyết định dứt khoát.
Chợ mới tên cũ
Đầu thế kỷ XX, người Pháp xây lại chợ Bến Thành mới tại vị trí ngày nay trong khoảng thời gian từ năm 1912 đến năm 1914. Việc xây dựng dựa trên kinh phí của Nhà nước, công trình do hãng Brossard et Mopin đảm nhiệm. Năm 1914, chợ Bến Thành được khánh thành, giữ tên từ ngôi chợ cũ ở kinh Chợ Vải.
Bốn mặt chợ giáp bốn đường: Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Lê Lợi với diện tích khoảng 13.000 mét vuông. Lúc này, chợ Bến Thành được xác định là ngôi chợ trung tâm của Sài Gòn, thậm chí cả miền Nam khi bên hông chợ có hai bến xe đi miền Đông và miền Tây.
Chợ có 4 cửa chính và 12 cửa phụ xen kẽ. Cửa chính chợ Bến Thành là cửa Nam - nơi bày bán các mặt hàng như vải, quần áo và thực phẩm khô. Đặc biệt cửa Nam được thiết kế với tháp đồng hồ nổi bật được giữ nguyên từ lúc khởi dựng đến giờ, vì thế thu hút rất nhiều khách du lịch đến đây chụp hình. Phía trước cửa chính là Bùng binh Chợ Bến Thành, còn gọi là Công trường Diên Hồng, Quảng trường Quách Thị Trang…
Cửa Bắc hướng ra mặt đường Lê Thánh Tôn, là nơi tập trung của các gian hàng bày bán thực phẩm tươi sống, hoa quả được trang trí vô cùng bắt mắt. Cửa Đông nằm trên đường Phan Bội Châu, đây là thiên đường của các tín đồ hảo ngọt và thích làm đẹp với vô vàn các sạp bán mỹ phẩm và bánh kẹo đa dạng các mặt hàng. Còn cửa Tây hướng ra đường Phan Chu Trinh, là nơi tập trung của các gian hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm và giày dép.
Sau gần 40 năm khai thị, năm 1952, 12 bức phù điêu bằng gốm do họa sĩ Lê Văn Mậu sáng tác theo đơn đặt hàng của nhà thầu chợ Bến Thành, sau đó chỉnh sửa với sự góp ý của những nghệ nhân hàng đầu của dòng gốm Biên Hòa như Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng, chủ Thạch, anh Tóc… được gắn lên 4 mặt của chợ.
Để tránh vênh méo ở những sản phẩm có độ nung cao như gốm Biên Hòa, những phù điêu đó được cắt ra theo từng miếng nhỏ riêng, đem mang đi nhúng men, rồi nung ở nhiệt độ khoảng 4.280ºC. Ông Tư Dạng cùng với 2 người khác là ông Võ Ngọc Hảo và ông Lê Văn Ngà mang xuống chợ Bến Thành lắp đặt liên tục gần hai tháng rưỡi mới hoàn thành.
Sau năm 1975, chợ Bến Thành lần nữa được trùng tu. Công trình cải tạo, trùng tu chợ diễn trong khoảng hai tháng, từ ngày 1/7 đến 25/8/1985. Từ nhà lồng chợ cho đến các gian hàng đều được làm mới, chỉ có hình dáng phía trước và tháp đồng hồ được giữ lại. Năm 1992, chợ được cải tạo hệ thống điện. Tất cả các sạp được nâng cấp từ sạp cây sang sạp sắt. Năm 1999, chợ được chỉnh sửa hệ thống cống rãnh, thay mái ngói thành mái tôn và nền được lót gạch ceramic.
Vào năm 2023, chợ Bến Thành được sơn lại bốn mặt tiền và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật. Công trình này không chỉ mang lại vẻ đẹp hiện đại và thẩm mỹ, mà còn giữ gìn được nét cổ kính đặc trưng của ngôi chợ. Ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, công trình còn góp phần làm đẹp thêm cảnh quan đô thị, tạo thêm một điểm “check in” lý tưởng vào ban đêm cho khu vực trung tâm TPHCM.
“Dù Chợ Bến Thành được công nhận là Di tích cấp Thành phố, nhưng thông tin tại địa điểm này vẫn còn khá hạn chế vì thiếu bảng chỉ dẫn để du khách có thể tìm hiểu thêm. Tôi nghĩ chợ nên lắp đặt một bảng chỉ dẫn rõ ràng để giúp du khách và người dân hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của nơi này”, ông Đặng Hữu Toàn, chủ tiệm kinh doanh chè trong chợ Bến Thành chia sẻ.