Ngoại giao văn hóa định hình căn cước dân tộc

GD&TĐ - Bản sắc văn hóa được ví như căn cước của một quốc gia để nhận diện những đặc trưng dân tộc.

Lễ khai trương mở cửa thư viện chung trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023).
Lễ khai trương mở cửa thư viện chung trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023).

Để định hình được căn cước dân tộc, ngoại giao văn hóa trở thành nhịp cầu nối Việt Nam ra thế giới.

Mở kho thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được coi là dấu mốc quan trọng để xác định “căn cước của dân tộc” sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Trong tham luận của GS.TS khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khẳng định: Văn hóa - căn cước của một dân tộc về đại thể bao gồm hai hợp phần: Nội sinh và tiếp biến từ bên ngoài. Đó chính là sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Trong quá trình định hình căn cước dân tộc, vấn đề ngoại giao văn hóa trở thành một trong những trụ cột song hành cùng ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Ngoài việc đề cao “quyền lực mềm” và “sức mạnh mềm”, ngoại giao văn hóa còn là cầu nối “để thế giới nhìn thấy Việt Nam - để Việt Nam nhìn ra thế giới”.

Năm 2023 là thời điểm để lại nhiều dấu ấn của hoạt động ngoại giao văn hóa, từ hoạt động triển lãm - trưng bày, biểu diễn nghệ thuật cho tới xuất bản, liên kết. Trong số đó, đáng chú ý nhất chính là việc mở cửa kho tư liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.

Ngày 15/2/2023, lễ ra mắt thư viện ảnh ảo chung của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Thông tin Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) với gần 70 nghìn tấm ảnh được chụp chủ yếu ở Việt Nam và châu Á từ thế kỷ trước. Trong đó có 57.000 bức ảnh của ISSI và 10.000 tấm ảnh của EFEO Paris.

Theo Viện Thông tin Khoa học Xã hội, đơn vị đang lưu trữ kho tài liệu phong phú, trong đó có các tư liệu kế thừa từ Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Trong số các tư liệu này có kho tư liệu 57.000 tấm ảnh phản ánh nhiều khía cạnh đời sống văn hóa, lịch sử, con người, kiến trúc và phong cảnh Đông Dương từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 cho tới những năm 1980. Ban đầu là do các thành viên EFEO thực hiện trong quá khứ và tiếp đó là do các nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện từ năm 1954.

Trong khuôn khổ ngoại giao văn hóa, đơn vị và Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã cùng triển khai dự án xây dựng trang web tư liệu ảnh EFEO chung. Dự án được triển khai từ 2019 và hoàn thiện vào tháng 2/2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp và 30 năm Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp quay trở lại Hà Nội.

Trong chuỗi kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, trong 2 đêm 23 và 24/6/2023, chương trình biểu diễn âm nhạc đặc biệt mang tên “Hoàng tử bé” diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự góp mặt trình diễn của các nghệ sĩ Việt - Pháp, trở thành một sự kiện nghệ thuật lớn trong sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông - Tây.

Vở diễn 'Công nữ Anio' - câu chuyện lịch sử về tình yêu của công chúa nước Việt dành cho chàng trai Nhật Bản.

Vở diễn 'Công nữ Anio' - câu chuyện lịch sử về tình yêu của công chúa nước Việt dành cho chàng trai Nhật Bản.

Cầu nối văn hóa Việt xuất ngoại

Năm 2023 cũng là thời điểm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản với vở diễn đặc biệt “Công nữ Anio” - câu chuyện lịch sử cách đây 400 năm, kể về tình yêu của nàng công chúa nước Việt dành cho chàng trai Nhật Bản.

Araki Sotaro là một thương nhân đi từ Nagasaki đến Đàng Trong. Nhận được sự tin tưởng của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Sotaro được chúa đồng ý gả công nữ Ngọc Hoa về làm vợ.

Sotaro đã đón công nữ Ngọc Hoa đến Nagasaki làm vợ. Công nữ được người dân tại Nagasaki yêu mến gọi với cái tên “Anio san”. Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” được tổ chức 7 năm một lần tại lễ hội “Nagasaki Kunchi” ở Nagasaki.

Vở opera “Công nữ Anio” lấy mô típ từ câu chuyện có thật từ thời xa xưa, mô tả mối quan hệ kính trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã có từ thời đại này. Vở opera được truyền bá ra thế giới như một minh chứng cho mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Năm 2023, chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” diễn ra tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp khi xây dựng thành công một không gian kết nối thân tình của những người yêu văn hóa Việt.

“Để thế giới nhìn thấy Việt Nam” chính là một khía cạnh của ngoại giao văn hóa. Từ ẩm thực, nhạc cụ dân tộc, cổ phục, tranh dân gian cho tới nghề truyền thống được trình diễn đã thu hút đông đảo khách bản địa nhìn thấy những đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Năm 2023 cũng diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt quy tụ các nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam và UAE tại thủ đô Abu Dhabi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các nghệ sĩ như NSND Đỗ Quốc Hưng, NSND Phạm Ngọc Khôi, NSƯT Hoa Đăng, Tân Nhàn đã trình diễn những tác phẩm hòa nhạc kinh điển của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Năm 2023 cũng là thời điểm đánh dấu triển lãm hội họa Việt Nam đầu tiên tại Mông Cổ với chủ đề “Hương gió phương Nam - Hội họa Việt Nam ngày nay”, trưng bày trên 50 tác phẩm hội họa, đồ họa của 16 tác giả là những nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, đào tạo mỹ thuật ở Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM.

Theo bà Nguyễn Phương Nga - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, 2023 là một năm đặc biệt đối với ngoại giao văn hóa Việt Nam. Chúng ta kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, bước vào năm thứ hai thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, có thể dùng 3 từ “đổi mới, sáng tạo và thành công” để nói về ngoại giao văn hóa 2023.

Bà Nga đánh giá năm 2023, nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức ở nước ngoài, đặc biệt là nhân dịp các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế.

Điện ảnh mang đến nhiều tin vui với những tác phẩm được giải tại các liên hoan quốc tế, trang phục do một số nhà thiết kế được các ngôi sao thế giới lựa chọn, âm nhạc hiện đại của các nghệ sĩ Việt Nam được phổ biến ở nước ngoài, địa bàn ngoại giao văn hóa được mở rộng…

Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/Q Đ-TTg ngày 30/11/2021, đặt mục tiêu: Sử dụng công cụ văn hóa đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu… Đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.