Ngoại giao gấu trúc

GD&TĐ - Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden và giới chức Mỹ ngày 30/5 chính thức xác nhận sẽ được nhận món quà ngoại giao đặc biệt từ Trung Quốc là một cặp gấu trúc.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sau một thời gian gián đoạn, hình thức ngoại giao truyền thống đặc biệt của Trung Quốc với Mỹ lại được nối lại với việc Bắc Kinh gửi cho mượn một cặp thú thuộc hàng “quốc bảo” của mình.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden và giới chức Mỹ ngày 30/5 chính thức xác nhận sẽ được nhận món quà ngoại giao đặc biệt từ Trung Quốc là một cặp gấu trúc gửi tới Vườn thú quốc gia Smithsonian tại Washington. Sự kiện này được coi là bước đi mang tính biểu tượng, đánh dấu một kỷ nguyên mới về ngoại giao trong quan hệ giữa hai siêu cường thế giới.

Theo kế hoạch, cuối năm nay hai “đại sứ” gấu trúc 2 năm tuổi được đặt tên là Bao Li (con đực) và Qing Bao (con cái) sẽ có mặt tại vườn thú của thủ đô nước Mỹ, nằm trong một thỏa thuận chung về nghiên cứu và nhân giống gấu trúc kéo dài một thập kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nhân sự kiện này, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong bình luận rằng Bắc Kinh và Washington nên có quan hệ tốt hơn vì hạnh phúc của hai dân tộc và tương lai của thế giới. Ông cũng ví von rằng mọi người nên quan tâm đến mối quan hệ Mỹ - Trung tương tự như cách những người bạn Mỹ chăm sóc cho gấu trúc.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện ngoại giao gấu trúc vì đã triển khai chương trình cho các quốc gia mượn “quốc bảo” của mình từ năm 1972.

Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ thời đó là Richard Nixon tới Bắc Kinh, Trung Quốc đã gửi tới Mỹ cặp gấu trúc 18 tháng tuổi tên là Ling Ling và Hsing Hsing. Sau 20 năm, đến năm 1992 chú gấu Ling Ling đã qua đời tại Vườn thú Quốc gia Smithsonian và gấu Hsing Hsing thì được an tử năm 1999 do quá ốm yếu.

Đến tháng 12/2000, Trung Quốc đã gửi tiếp cặp gấu trúc có tên Mei Xiang và Tian Tian tới Mỹ thay thế cho cặp gấu đã qua đời. Tuy nhiên, trong những năm gần đây mối quan hệ Mỹ - Trung đã rơi vào căng thẳng và điều này cũng ảnh hưởng tới chương trình ngoại giao gấu trúc của họ. Ngày 8/11/2023, Bắc Kinh đã cho hồi hương cặp gấu trúc Mei Xiang và Tian Tian khi chúng đã bước qua tuổi 25 và 26.

Theo quy định, Trung Quốc không tặng hẳn mà chỉ cho các nước thuê nuôi dài hạn các con gấu trúc của mình. Tổng cộng nước này đã cho hơn 20 quốc gia trên thế giới mượn gấu trúc trong khuôn khổ chương trình ngoại giao gấu trúc nói trên, trong đó Mỹ là một trong những nước được mượn nhiều nhất.

Năm 2022, Trung Quốc đã gửi gấu trúc tới Qatar theo chương trình này, đánh dấu quốc gia Trung Đông đầu tiên nuôi loại động vật quý hiếm này.

Việc tái khởi động chương trình cho Mỹ thuê nuôi gấu trúc được đặt ra tháng 11/2023 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ.

Theo đó, cặp gấu trúc 2 tuổi Bao Li và Qing Bao sẽ được Trung Quốc cho Vườn thú Quốc gia Mỹ Smithsonian thuê nuôi theo hợp đồng kéo dài 10 năm, bắt đầu từ 2024 đến năm 2034.

Trong thời gian này, vườn thú Mỹ sẽ trả cho Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc số tiền một triệu USD mỗi năm.

Ngoại giao gấu trúc này là một trong những đặc trưng nhất trong chính sách ngoại giao riêng có của Trung Quốc với các nước, bên cạnh những hình thức giao lưu độc đáo khác như ngoại giao bóng bàn, ngoại giao bóng rổ.

Bên cạnh đó, trong quan hệ đối ngoại đa dạng một số nước còn triển khai các hình thức khác như ngoại giao tàu sân bay, ngoại giao tàu chiến…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.