Ngỡ ngàng tình cảnh bi đát của không ít cô gái làm vợ đại gia

Vợ một doanh nhân nổi tiếng ở Anh, sống trong biệt thự nguy nga nhưng không có đủ tiền tự mua gói băng vệ sinh. 

Ngỡ ngàng tình cảnh bi đát của không ít cô gái làm vợ đại gia

Dưới đây là bài viết của Ayesha Vardag, luật sư chuyên tư vấn ly hôn tại Anh, từng đại diện cho nhiều người nổi tiếng, giàu có, thành viên trong gia đình hoàng gia, trên tờ Telegraph:

Emily từng là một phụ nữ có sự nghiệp vững vàng trong ngành tài chính khi cô gặp chồng mình bây giờ. Nhưng từ khi cô và Richard kết hôn, cả hai quyết định Emily sẽ nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ.

Ban đầu, cách sắp xếp này khá hiệu quả: Richard tiếp tục công việc lương cao tại công ty tài chính hàng đầu, còn Emily nội trợ ở nhà tại South of England. Nhưng sau một thời gian, cả hai bắt đầu cãi nhau liên miên, khi thì về việc Richard dành quá nhiều thời gian cho công việc, lúc thì vì chuyện chọn trường cho con...

Một hôm, ngay sau cuộc cãi vã với chồng, Emily đến tiệm tạp hóa mua đồ cho gia đình như hằng tuần thì được thông báo thẻ tín dụng của cô bị từ chối.

Cô gọi điện hỏi chồng và phát hiện đây là một chiêu trả đũa của anh. Anh muốn vợ phải cầu cạnh mỗi lần cần tiền và thể hiện quyền lực bằng cách kiểm soát những gì cô làm và cách cô chi tiêu.

Kết quả là, Emily không còn làm được những việc cô vui thích nữa. Cô cảm thấy bị hạ nhục và ngày càng cô lập. Cuối cùng, khi cô quyết định ly hôn, Richard cười to và bảo vợ rằng cô sẽ ra đi tay trắng, anh ta thuê luật sư giỏi nhất, trong khi cô chẳng thể đủ tiền để nhờ người đại diện. (Thực tế là cô ấy đã tìm tới văn phòng luật của tôi và chúng tôi phải đảm bảo cho cô mượn tiền để đấu tranh).

Nhiều vợ đại gia có thể khoác đầy đồ hiệu trên người nhưng trong túi không có một xu tiền mặt. Ảnh: NextGen MilSpouse.

Nhiều vợ đại gia có thể khoác đầy đồ hiệu trên người nhưng trong túi không có một xu tiền mặt.

Những hành vi như của Richard phổ biến hơn bạn tưởng. Trong nhiều năm làm luật sư tư vấn ly hôn, tôi đã gặp không biết bao nhiêu người mắc kẹt trong các cuộc hôn nhân xung đột về tài chính.

Thường gặp nhất là dạng một bên bị ép phải phụ thuộc vào người kia để có nhà ở, đồ ăn, quần áo, phương tiện đi lại hay tiền bạc và tình trạng này có thể chuyển thành bạo hành về kinh tế. Một nghiên cứu năm 2015 với hơn 4.000 người cho thấy cứ 5 người thì có một từng phải chịu dạng bạo hành này.

Tôi từng gặp một phụ nữ sống trong căn biệt thự xa hoa với sân tennis và bể bơi nhưng không thể mua nổi một thanh chocolate hay một gói băng vệ sinh nếu không giải trình với chồng.

Trò chuyện với các luật sư khác trong công ty, tôi tập hợp được hàng trăm câu chuyện nữa. Họ kể với tôi về những ông chồng chi cả đống tiền cho thám tử tư và vệ sĩ để theo dõi vợ và đôi khi cả những đứa con đã trưởng thành, bất cứ khi nào họ ra khỏi nhà.

Một triệu phú ở thung lũng Silicon còn bắt vợ phải cầu xin mình mỗi khi cần mua thứ gì. Ngôi nhà của anh ta được trang bị hệ thống an ninh công nghệ cao, với camera theo dõi khắp nơi, khóa vân tay, cổng điện tử và nhân viên canh giữ 24/7. Mỗi hành động không vừa ý của vợ đều sẽ bị trừng phạt bằng việc cấm vận tài chính.

Một người chồng khác, ông chủ trong ngành dầu mỏ, đã bí mật lắp camera trong phòng ngủ và phòng tắm để xem vợ ở nhà chăm hai con có tranh thủ ngoại tình không. Khi người vợ phát hiện việc này và đưa đơn ly hôn, ông ta lập tức ngừng cấp tiền và chúng tôi buộc phải đưa vụ việc ra tòa mới bắt ông ta tiếp tục trợ cấp cho vợ, con.

Thường ông "chồng chúa" nhờ tới các cánh tay đắc lực để kiểm soát vợ. Người quản gia thường giữ luôn vai trò chi phối chuyện mua sắm thực phẩm, vật dụng của bà chủ. Các tài xế chỉ đưa phu nhân tới những nơi đã được chồng bà đồng ý. Các vú em cũng đóng vai trò như gián điệp. Các ông chồng đại gia khóa chặt vợ trong chiếc lồng son, phong tỏa khiến họ chẳng có nổi một người bạn. 

Khi tôi nói chuyện với một người phụ nữ bế tắc trong cuộc hôn nhân kiểu này, cô kể rằng điều khiến cô vui sướng nhất sau khi ly hôn là lần đầu tiên có một khoản nhỏ của riêng mình.

Sinh ra ở Trung Đông, cô kết hôn với một doanh nhân siêu giàu người Anh khi cả hai còn trẻ. Cô chưa từng được độc lập về tài chính. Cô rực rỡ trong những bộ cánh, túi xách hàng hiệu nhưng việc rút tiền mặt từ cây ATM là hoàn toàn xa lạ. Tiền cô tiêu là từ thẻ của chồng và khi không thích anh ta sẽ cắt ngay. 

Tôi đã gặp vô số phụ nữ, sau nhiều năm hy sinh sự nghiệp để chăm lo gia đình, vun vén cho sự ngiệp của chồng, cuối cùng nhận ra rằng chồng dùng tài chính như một công cụ để kiểm soát, thao túng hay trừng phạt họ. 

Thường họ không có khoản thu nhập, tiết kiệm hay tích lũy để dưỡng già nào và từng đặt hết niềm tin vào chồng. Khi mối quan hệ êm đẹp, mọi việc có vẻ ổn thỏa, nhưng nếu tình cảm rạn vỡ, sự mất cân bằng quyền lực có thể đưa đẩy tới bao bi kịch. 

Tình trạng bạo hành thường tệ thêm khi bên bị lệ thuộc tài chính đưa ra quyết định rời bỏ hôn nhân. Tôi đã thấy nhiều khách hàng trong tình trạng tuyệt vọng, khi tài khoản ngân hàng bị bạn đời khóa nên họ thậm chí không đủ tiền để bắt xe công cộng đi tư vấn. Họ phải vay mượn bạn bè mới tới được chỗ luật sư và sợ hãi bị phát hiện.

Nghĩ rằng chẳng thể lo chi phí quá lớn cho việc ly dị, một số người nghĩ mình không còn lựa chọn nào khác là chịu quản thúc trong cuộc hôn nhân bất hạnh, đôi khi còn bị đánh đập. 

Trong dự thảo mới của chính phủ Anh, lần đầu tiên xác định việc kiểm soát tài chính cá nhân của người khác - một dạng bạo hành kinh tế - sẽ bị coi là hành vi phạm tội. Hy vọng rằng điều này có thể thay đổi tình trạng ngày càng nhiều người bị "cầm tù" trong những chiếc lồng son.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ