Ngỡ ngàng dấu xưa trong địa đạo Văn La

GD&TĐ - Ở Quảng Bình, địa đạo Văn La không chỉ là một di tích nổi tiếng, mà còn thể hiện tinh thần kiên cường trước mưa bom bão đạn.

Hiện chỉ còn một cửa của địa đạo được mở, 2 cửa còn lại đã lấp và rất khó khôi phục.
Hiện chỉ còn một cửa của địa đạo được mở, 2 cửa còn lại đã lấp và rất khó khôi phục.

Nằm dưới chân núi Hoàn Vũ thuộc thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh – địa đạo Văn La đã tồn tại 55 năm. Chừng ấy thời gian có lẽ chưa dài, nhưng có lẽ là quá đủ để thế hệ ngày nay chiêm nghiệm về dấu tích xưa trong cuộc chiến ác liệt của dân tộc.

Nghệ thuật đào địa đạo

Địa đạo Văn La còn có tên gọi khác là địa đạo Hoàn Vũ, dài chừng 500 mét nằm dưới chân đồi Hoàn Vũ có địa thế hiểm trở, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển. Địa đạo lại được che chở bởi cây rừng um tùm khiến cho địch khó lòng phát hiện được quân ta khi ẩn nấp.

Theo những tư liệu lịch sử, địa đạo Văn La hình thành từ năm 1966. Thời điểm này, không quân Mỹ mở những đợt oanh kích vô cùng ác liệt hòng cắt đứt đường tiếp tế từ Bắc vào Nam. Trong các điểm máy bay Mỹ hướng đến thì Văn La trở thành trung tâm – bởi địa thế ví như “yết hầu” trong hành trình vận lương.

Theo lời ông Hoàng Minh Luyên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lương Ninh, máy bay Mỹ bắn phá bất kể ngày hoặc đêm, không theo quy luật nào. Khi đó, cứ nghe thấy tiếng máy bay gầm rú phía xa thì chắc chắn chúng sẽ lượn qua Văn La thả bom. Rồi sau đó, máy bay địch sẽ đánh qua phà Quán Hàu cùng một số nơi trọng yếu nằm trên Quốc lộ 1A. Đánh xong các nơi, máy bay sẽ trở lại Văn La thả tiếp một đợt bom nữa rồi mới chịu rút về.

Địa đạo Văn La ở Quảng Bình hoàn thành trong thời gian hơn 1 năm.
Địa đạo Văn La ở Quảng Bình hoàn thành trong thời gian hơn 1 năm.

Trước tình thế đó, lãnh đạo xã Lương Ninh cùng dân địa phương đã tổ chức đào địa đạo vào sâu núi Hoàn Vũ làm nơi trú ẩn. Địa thế ở đây rất thuận lợi cho việc “công” và “thủ”: Từ hầm có thể dễ dàng tiến ra phía Quốc lộ 1A nhằm đánh chặn máy bay của địch, nhưng khi bị tấn công dồn dập thì có thể rút vào hầm. Đó cũng là kế hoạch để bảo toàn lực lượng cho bộ đội làm công tác tiếp tế khi bị máy bay Mỹ tấn công.

Tuy nhiên, núi Hoàn Vũ lại có cấu tạo bằng đá phấn, đá sỏi và đá bàn, trong khi lực lượng địa phương không có bất cứ phương tiện hiện đại nào để có thể phá đá, đào hầm. Thực tế đó đã khiến cho nhiều người ngán ngẩm, nghĩ đào địa đạo chỉ là viển vông, phí công vô ích.

Cụ Hoàng Thị Thèn, một trong những nữ dân quân cuối cùng trực tiếp đào hầm kể lại: “Khi đào phải đá phấn, chúng tôi dùng nước dội vào, chờ đá mềm ra rồi đục tiếp. Nếu gặp đá xanh thì phải dùng đục sắt lựa từng kẽ đá sau đó đánh bung từng tảng. Sau một năm, hàng chục dân quân cường tráng, ra sức đào hầm khoét núi nhưng chỉ được khoảng 100 mét. Rất nhiều lần chúng tôi muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ rằng nếu buông xuôi thì không biết sẽ có bao nhiêu người dân phải nằm xuống, bao nhiêu bộ đội sẽ hi sinh vì không có chỗ trú ẩn an toàn”.

Theo cụ Thèn, sau khi đào được 100 mét hầm, lãnh đạo địa phương quyết định đào xuyên lòng núi Hoàn Vũ với 3 cửa theo hướng Nam, Đông và một cửa khác dẫn lên đỉnh núi. Trong hầm còn có cả trạm y tế dã chiến, khu chỉ huy tiền phương.

Phương pháp đào hầm vẫn thực hiện như cũ, tức là vừa phun nước vào đá phấn vừa đào. Chỉ trong vòng vài tháng, huy động thêm lực lượng với khoảng 10 người/ca, đào liên tục ngày đêm đã thông được đến 300 mét hầm vào lõi núi Hoàn Vũ, đủ sức chứa toàn bộ người dân và bộ đội địa phương.

Địa đạo Văn La được công nhận di tích và trở thành điểm tham quan lịch sử thú vị.
Địa đạo Văn La được công nhận di tích và trở thành điểm tham quan lịch sử thú vị.

Ẩn họa dưới lòng đất

Gần địa đạo Văn La là bến phà Quán Hàu, đây là tử huyệt nằm trên tuyến đường tiếp tế từ Bắc vào Nam, vì thế Mỹ đêm ngày cho máy bay đánh phá. Từ khi địa đạo Văn La được hoàn thành, việc tổ chức chỉ huy đánh chặn máy bay địch, hạn chế thiệt hại về người và tài sản khiến cho Mỹ càng điên cuồng đánh phá.

Ông Hoàng Minh Luyên cho biết: “Khi Mỹ phát hiện ra quân, dân ta trú ngụ trong địa đạo Văn La, chúng đã biến nơi đây thành một trong những trọng điểm đánh phá nhằm xóa sổ căn cứ quan trọng này, cắt đứt tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam. Mỹ thả xuống đây đủ các loại bom, từ bom tấn, bom tạ cho đến bom bi... Hiểm họa để lại cho đến tận ngày nay đó là hàng tấn bom bi chưa nổ vẫn còn nằm ẩn dật dưới lòng đất. Có những thời điểm, bom nhiều đến nỗi dân địa phương phải gom lại đổ vào bụi tre”.

Cụ Hoàng Thị Thèn – người trực tiếp đào địa đạo Văn La.
Cụ Hoàng Thị Thèn – người trực tiếp đào địa đạo Văn La.

Ông Luyên lo lắng: “Đến tận ngày hôm nay hiểm họa đó vẫn còn nguyên, đó là một hố bom bi với số lượng khoảng 1 tấn được chôn sâu cách mặt đất khoảng 2m nằm lẫn trong khu dân cư. Bom bi ở đây gồm có hai loại, một loại có cánh và loại không, kích thước to như nắm tay người. Lúc còn làm lãnh đạo xã, tôi thấy bom bi còn sót lại nhiều quá nên đã huy động một số người dân đào một cái hố sâu rồi nhặt bom bi đổ xuống, đích thân tôi cũng nhặt cùng bà con đổ xuống cái hố này”.

Dẫn chúng tôi đến một mô đất cao nằm ngay cạnh cổng vào của đài tưởng niệm liệt sĩ, ông Luyên vạch đám cỏ dại rồi hướng về một gốc cây, bảo: “Dưới gốc cây keo này chính là hố bom mà chúng tôi đã chôn. Nếu hố bom này phát nổ thì vô cùng nguy hiểm với dân làng”.

Ông Hoàng Minh Luyên chỉ vào hố bom mà trước đây tự tay ông chôn xuống.
Ông Hoàng Minh Luyên chỉ vào hố bom mà trước đây tự tay ông chôn xuống.

Bảo vệ nguyên trạng di tích

Cùng với địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc, địa đạo Văn La là bằng chứng cho nghệ thuật chiến tranh nhân dân, biểu hiện thực tế của sự đoàn kết, lòng dũng cảm, tính kiên trì, dẻo dai của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Theo ông Lê Thế Triễn, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh, sau chiến tranh kết thúc, địa đạo Văn La không được sử dụng nữa và theo sự phát triển của xã hội, di tích đã có một vài thay đổi. Cửa chính vào địa đạo vẫn được giữ nguyên trạng, còn cửa thứ 2 và 3 đã được lấp lại đảm bảo an toàn.

Sau khi được công nhận di tích lịch sử, địa đạo Văn La được đầu tư xây dựng các hạng mục như dựng bia, làm đường dẫn vào và xây dựng cống thoát nước.

Hiện, địa đạo chỉ vào sâu được khoảng 15 mét. Trong lòng địa đạo có vài chỗ bị sập nhưng người dân nơi đây vẫn bảo quản tốt. Hàng năm, chính quyền địa phương đều có kế hoạch làm vệ sinh thường xuyên, dựng biển chỉ đường vào di tích, tuyên truyền cho thế hệ trẻ cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị.

Ông Lê Trọng Duận, thôn Văn La - người nghiên cứu và viết lịch sử về địa đạo, cho biết: Địa đạo Văn La hiện không còn nguyên vẹn như ban đầu, chính quyền và người dân nơi đây cũng không muốn trùng tu lại nguyên trạng ban đầu vì cửa thứ 2 và 3 rất khó khôi phục.

Là địa đạo duy nhất ở Quảng Bình nên di tích thu hút sự chú ý khá lớn từ du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ như học sinh và sinh viên. Một số trường học cũng đưa học sinh đến tham quan di tích và học lịch sử từ thực tế qua chuyện kể của người dân địa phương. 

Địa đạo Văn La được đào trong thời gian hơn 1 năm, từ tháng 6/1966 đến cuối năm 1967 thì hoàn thành. Địa đạo được thiết kế hình chữ L, nằm sâu dưới lòng đất 5m, chiều rộng 1,5m, cao 1,8m, có 3 cửa ra vào, lòng địa đạo hình vòng cung. Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Văn La đã phát huy tác dụng làm nơi trú ẩn. Những em nhỏ từ miền Nam ra sơ tán, trên đường đi, gặp máy bay Mỹ đã vào đây trú ẩn 3 - 4 ngày, trong sự cưu mang, giúp đỡ của nhân dân địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ