Giống các sản phẩm văn hoá dân gian khác, chiếc mặt nạ phản ánh cuộc sống cùng những mong ước của người Việt từ xa xưa.
Mặt nạ ông Địa với hình dáng tròn trịa, sắc thái vui tươi tượng trưng cho sự màu mỡ, bội thu của mùa màng. Mặt nạ hình thỏ ngọc lại biểu trưng đất trời hài hoà, ước vọng tươi đẹp, bình yên.
Trực tuyến Trung thu sum vầy
Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch hàng năm còn gọi là Tết trông trăng. Năm nay, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn ra khá phức tạp, nên hầu hết các địa phương đều sẽ không tổ chức tập trung như thường lệ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị văn hoá thông qua hình thức trực tuyến, mong muốn truyền tải đến các em nhỏ ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Trung thu.
Theo phong tục dân gian truyền thống, Trung thu không chỉ là ngày Tết của trẻ thơ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau. Năm nay, chủ đề trưng bày “Trung thu sum vầy” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức trực tuyến nhằm giúp các em nhỏ và người thân cảm nhận một mùa Trung thu sum vầy, an toàn.
Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Tổ chức trưng bày trực tuyến với những hình ảnh, câu chuyện về Trung thu truyền thống, chuyện quanh mâm cỗ đêm trăng tròn cùng những món đồ chơi truyền thống.
Trưng bày phỏng dựng mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20, dựa trên các tư liệu tranh vẽ, bút ký của Henri Oger, Nguyễn Tuân, Phan Kế Bính, Vũ Bằng...
Trong mâm cỗ Trung thu, ông tiến sĩ giấy được đặt ở vị trí trang trọng nhất thể hiện mong ước con cháu học giỏi, thành đạt. Tiếp đến là bánh Trung thu, thường có bánh dẻo, bánh nướng, bánh Tô Châu, đậu xanh, bánh nặn hình quả hình con giống từ bột nhuộm màu sặc sỡ cùng các sản vật mùa thu như cốm, hồng, na, chuối, bưởi, hạt dẻ…
Đêm Trung thu, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ, trẻ con tổ chức rước đèn, thi đèn, múa sư tử, chơi trò chơi dân gian. Người lớn thưởng trăng, ăn bánh, uống trà hoặc uống rượu sen Hồ Tây với ốc luộc lá gừng, chấm tương gừng hay ốc nhồi thịt, nghe hát trống quân.
Bên cạnh đó, trưng bày sẽ giới thiệu sự đa dạng của các loại đồ chơi Trung thu. Du khách sẽ được tiếp cận những loại đồ chơi được phục hồi theo lối cổ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở các phố cổ và làng nghề ven Thăng Long.
Theo các nguồn tư liệu từ Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp), Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp những năm đầu thế kỷ 20, ở Hà Nội đồ chơi Trung thu vô cùng phong phú, được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đất, bột, gỗ, đồ sắt tây, bông và giấy bóng kính.
Đặc biệt, trưng bày trực tuyến chú trọng đến sản phẩm văn hoá dân gian mặt nạ giấy bồi. Được xác định là sản phẩm văn hoá truyền thống đặc trưng, mặt nạ giấy bồi sẽ kể câu chuyện lịch sử chính mình, cũng như hành trình hình thành – bảo tồn và phát triển xuyên suốt nghìn năm qua.
Mặt nạ trong hành trình văn hoá Việt
Theo nghiên cứu lịch sử, người Việt cổ đã biết làm những chiếc mặt nạ từ vỏ cây, da thú từ 2.000 – 3.000 năm trước. Tiến tới thời đại văn minh, giấy bồi là nguyên liệu được thay thế để sản xuất mặt nạ. Tuy vậy, không giống với các sản phẩm truyền thống khác, nghề làm mặt nạ không tập trung theo làng nghề.
Sau này khi hoạt động thương mại trở nên thịnh hành, một số địa phương mới hình thành sản xuất mặt nạ tập trung. Khoảng chục năm trước, tại phường Cao Xanh (TP Hạ Long – Quảng Ninh) còn nhiều gia đình theo nghề làm mặt nạ để phục vụ các lễ hội truyền thống và dịp Trung thu. Tuy nhiên, do bị mặt nạ Trung Quốc áp đảo nên gần đây chỉ còn vài gia đình theo nghề.
Đông đảo nhất trong nghề sản xuất mặt nạ hiện nay chỉ còn làng Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ - Hưng Yên). Khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, cứ tới tháng 8 âm lịch, người làng lại tất bật đục đẽo, bồi giấy, quét sơn để kịp sản xuất ra các loại đồ chơi truyền thống như trống, mặt nạ, đầu lân phục vụ nhu cầu chơi Tết Trung thu.
Ban đầu các cụ trong làng chỉ làm trống phách, đến khoảng những năm 1980 mới phát triển làm thêm cả mặt nạ giấy bồi và đầu lân. Làng gắn bó với nghề khoảng 40 năm, từng ấy thời gian chưa phải là dài nhưng đủ để khôi phục một nghề truyền thống đầy tự hào của văn hoá Việt.
Nhìn bề ngoài, chiếc mặt nạ giấy bồi có vẻ đơn giản dễ làm nhưng để có được sản phẩm hoàn hảo, nghệ nhân dân gian phải tốn khá nhiều công sức. Đầu tiên, họ phải làm khuôn bằng đất nung hay bằng gỗ, sau này được đúc bằng xi măng. Mặt lõm của khuôn được tạo hình những con vật quen thuộc hoặc những nhân vật trong các truyện cổ tích, truyền thuyết.
Tiếp theo là công đoạn chuẩn bị giấy dán. Những miếng giấy xé nhỏ được nghệ nhân xếp vào khuôn thành từng lớp và bồi dính lên nhau bằng những lớp keo làm từ bột gạo nếp. Sau khi bồi giấy đến một độ dày nhất định, chừng sáu đến bảy lớp thì nghệ nhân sẽ gỡ chiếc phôi mặt nạ mang đi phơi nắng hoặc hong trên bếp than cho khô.
Khi mặt nạ khô là lúc vẽ màu, trang trí hoạ tiết tuỳ theo hình thù nhân vật được bồi đúc. Mỗi lớp vẽ xong lại chờ khô mới vẽ lớp kế tiếp. Mặc dù hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi được vẽ và làm hoàn toàn bằng tay, nhưng khá đều nhau và rất thần thái.
Ông Vũ Huy Đông, một người làm mặt nạ khá nổi tiếng ở Liêu Xá nói rằng, thời điểm này mọi năm, đường làng chật cứng xe tải từ các tỉnh thành đến lấy hàng. Hai năm nay, do dịch Covid-19 nên các hộ gia đình chỉ sản xuất cầm chừng.