Nghiên cứu phục dựng lễ tế Nam Giao tại Thành nhà Hồ

GD&TĐ - Việc phục dựng lễ tế Nam Giao Thành nhà Hồ theo nhiều nhà nghiên cứu cần xem xét lễ tế ở các triều đại trước như Lý, Trần, Nguyễn làm cơ sở.

Toàn cảnh Đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ nhìn từ trên cao. Ảnh: LT.
Toàn cảnh Đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ nhìn từ trên cao. Ảnh: LT.

Ngày 22/8 tại di sản Thành nhà Hồ đã diễn ra hội thảo: “Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ" do Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ tổ chức.

Chủ trì hội thảo có PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam và TS Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: LT.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: LT.

Theo sử cũ ghi chép, trong các triều đại phong kiến, lễ tế Giao được xếp vào hàng đại lễ, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhà nước quân chủ phong kiến.

Bởi, đây được xem là căn cứ, phương tiện thực hành, ổn định đời sống lễ nghi và trật tự xã hội. Đồng thời, khẳng định sức mạnh, tính chính thống của vương triều đối với các nước ngoại bang cũng như uy quyền của nhà vua đối với văn võ bá quan toàn triều.

Ông Nguyễn Duy Tự - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phát biểu khai mạc. Ảnh: LT.

Ông Nguyễn Duy Tự - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phát biểu khai mạc. Ảnh: LT.

Đàn tế Nam Giao hiếm hoi còn lại trước thời Nguyễn

Đàn tế Nam Giao nhà Hồ là di tích thuộc di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Đàn tế Giao nằm ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam.

Sử cũ chép, năm Canh Thìn 1400 Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ với kinh đô mới là Tây Đô (thuộc huyện Vĩnh Lộc ngày nay). Hai năm sau, Hồ Hán Thương, con trai thứ được Hồ Quý Ly truyền ngôi, đã lệnh cho xây dựng đàn tế Nam Giao.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhâm Ngọ 1402, tháng 8, Hán Thương sai đắp đàn Nam Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao, đại xá thiên hạ. Ngày hôm tế, Hán Thương ngồi trên kiệu Vân Long từ cửa nam đi ra”.

Trải qua lịch sử hơn 600 năm, dưới tác động của thời gian, khí hậu và bom đạn chiến tranh, đàn Nam Giao nhà Hồ dần trở thành phế tích, nhiều phần bị chôn vùi trong lòng đất.

TS Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ. Ảnh: LT.

TS Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ. Ảnh: LT.

Gần 20 năm qua, Đàn tế Giao nhà Hồ đã trải qua 4 lần khảo sát quy mô lớn, với tổng diện tích 18.000 m2, đã nhận diện cơ bản đặc trưng của di tích Đàn tế Nam Giao nhà Hồ.

Đàn Nam Giao rộng hơn 2 ha, lưng tựa vào núi Đún, mặt nhìn ra cánh đồng Nam Giao (còn gọi là Minh Đường), ở hai phía Đông - Tây là Thanh Long và Bạch Hổ. Đặc biệt, các nền Đàn tế được sắp xếp giật cấp cao dần lên. Tính từ chân Đốn Sơn, Đàn Nam Giao được xây dựng trên 5 cấp nền, với cấu trúc dạng chữ nhật, quay hướng Nam.

Trên mặt 5 nền đàn, công cuộc khai quật làm xuất lộ nhiều dấu tích, kiến trúc khác nhau như: Viên đàn, các nền kiến trúc, tường đàn, giếng nước, thần đạo, đường đi,...

Với kết quả trong những lần khai quật, Đàn Nam Giao nhà Hồ được đánh giá là đàn tế có niên đại sớm nhất nước ta, mặt bằng còn tương đối nguyên vẹn, được các nhà khoa học đánh giá cao về giá trị lịch sử.

Cơ sở phục dựng lễ tế Nam Giao vương triều Hồ

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng: Việc phục dựng lễ tế Giao Thành nhà Hồ cần nghiên cứu lễ tế Giao ở các triều đại Lý, Trần. Từ đó làm cơ sở đối chiếu để hiểu rõ hơn về quy mô, cấu trúc Đàn Nam Giao ở Đốn Sơn được Hồ Hán Thương cho lập.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, so với nhà Lý và Trần, với kết quả khai quật được ở đàn tế Nam Giao nhà Hồ giúp các nhà sử học hình dung một cách rõ ràng, chính xác về đàn tế Nam Giao.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ảnh: LT.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ảnh: LT.

“Đây là tư liệu vô giá. Tuy nhiên, cần phải xem xét đàn tế Nam Giao nhà Hồ với đàn tế nhà Lý, Trần, đầu Lê, thậm chí nhà Tống (Trung Quốc) để xem nhà Hồ học các triều đại trước cái gì và sáng tạo cái gì,... Có như thế chúng ta mới phục dựng được lễ tế Nam Giao”, GS Ngọc nói.

GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa nêu quan điểm: “Bên cạnh thành tựu khai thác các giá trị vật thể tại di sản Thành nhà Hồ. Chúng tôi rất đồng tình với việc Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ nghiên cứu phục dựng nghi lễ cung đình tại Tây Đô”.

Tuy nhiên, GS Bình cho rằng việc phục dựng lễ tế Nam Giao ở Thành nhà Hồ, ngoài nghiên cứu các triều đại trước như GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói thì nên tập trung vào triều Nguyễn.

“Đây là triều đại đã tổ chức lễ tế Giao rất bài bản, kỷ cương. Tuy nhiên, không phải triều Nguyễn làm như thế nào thì sẽ làm y nguyên như vậy. Theo tôi, việc phục dựng lễ tế Giao tại Thành nhà Hồ nên tổ chức mỗi năm một lần để có hoạt động bên trong Thành nhà Hồ”, GS Bình cho hay.

GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa. Ảnh: LT.

GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa. Ảnh: LT.

Ngoài ra, theo GS Bình, Hội thảo cũng nên nghiên cứu tham khảo các nghi lễ tại Lễ hội Lam Kinh, Thái miếu nhà Hậu Lê hay Phủ Trịnh,... đặc biệt là trò Xuân Phả. Bởi, với sự phát triển của văn hóa hiện nay, có thể nghiên cứu lồng ghép và xem đây là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại di sản Thành nhà Hồ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ