Làm rõ thế nào là lũ quét, lũ bùn đá
Những năm gần đây tại Việt Nam, thiên tai lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất hết sức nguy hiểm, có mức độ tàn phá lớn về người và tài sản, để lại hậu quả lâu dài. Biến đổi khí hậu, thiên tai lũ quét – lũ bùn đá có xu hướng gia tăng cả về tần suất, cường độ và phạm vi ảnh hưởng, xuất hiện ngày càng dị thường, cực đoan, không theo quy luật và khó lường.
Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng về dân sinh, kinh tế, cơ sở hạ tầng, sự suy thoái về môi trường và lớp thảm phủ thực vật làm tăng thêm rủi ro thiên tai lũ bùn đá.
Từ thực tế đó, đề tài “Nghiên cứu đề xuất, ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ phù hợp trong phòng, chống và giảm thiểu rủi ro lũ quét tại khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2019 - 2021” đã ra đời. Đây là đề tài cấp Bộ, thuộc Bộ NN &PTNT.
Tại nước ta, khái niệm về lũ quét chưa được thống nhất và tiêu chuẩn hóa. Hiện đang phổ biến một số khái niệm: Lũ quét, lũ ống, lũ sườn dốc, lũ nghẽn dòng, lũ bùn đá, lũ quét nhân tạo do vỡ đập…
Trong nghiên cứu này, khái niệm lũ quét miền núi chia làm hai loại. Loại thứ nhất là lũ quét dạng lũ nước kèm theo hàm lượng nhỏ đất đá và gỗ trôi, xảy ra trên sông miền núi, gây xói lở bờ và lòng dẫn, ngập, lụt. Các sông này thường đã có đê hoặc kè bờ.
Loại thứ hai là lũ quét kèm theo hàm lượng lớn vật rắn gồm đất, bùn, đá, gỗ. Loại lũ này thường xảy ra phía thượng nguồn nơi sinh lũ, ở các khe cạn, khe suối, thung lũng, nơi có độ dốc lòng dẫn lớn. Cho đến nay, chưa có bất kỳ giải pháp công trình phòng chống lũ bùn đá áp dụng tại Việt Nam.
Khác với loại lũ nước trên sông, suối miền núi, lũ bùn đá có hàm lượng chất rắn lớn. Nó là tác nhân chính tạo nên sức tàn phá khủng khiếp đối với cơ sở hạ tầng, đất canh tác, người, động thực vật và tài sản. Nhằm phòng chống và giảm thiểu tác hại lũ bùn đá, nhiều giải pháp công trình đã được nghiên cứu áp dụng hiệu quả ở các nước phát triển trên thế giới, nhưng chưa từng được áp dụng tại nước ta.
Giải pháp “khắc chế” lũ quét
Trong các loại giải pháp công trình thì đập chắn bùn đá đóng vai trò quan trọng và được sử dụng phổ biến nhất. Tùy thuộc vào diện tích, quy mô, đặc tính dòng lũ bùn đá sẽ áp dụng các giải pháp khác nhau. Dòng lũ bùn đá chia thành ba khu, gồm: Khu sinh lũ, khu vận chuyển lũ và khu tích tụ, có đặc thù riêng nên có các nhóm giải pháp phòng chống khác nhau.
Việc lựa chọn các giải pháp công trình còn căn cứ vào mật độ dân cư, hay mức độ quan trọng của khu vực cần bảo vệ. Các giải pháp phải được sử dụng theo hướng tổng hợp, bổ trợ lẫn nhau, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.
Một số công trình phòng chống lũ bùn đá như đập chắn bùn đá dạng hở. Đây là đập chắn kiểu hở kết hợp ống thép hoặc các thanh kim loại đã được sử dụng như là kết cấu phòng chống và giảm thiểu thiên tai lũ bùn đá cách đấy khoảng 30 năm trên thế giới.
Đập hở được thiết kế để chắn lại những viên đá của dòng lũ phía trước công trình, có kích cỡ lớn và nguy cơ gây hại cao. Sau khi đập thu giữ các viên đá lớn hoặc gỗ trôi, gần như tất cả lượng đá thu giữ trước đập phải thanh thải trước khi trận lũ mới xảy ra.
Loại đập bê tông dạng khe dọc đã bắt đầu được sử dụng để phòng ngừa và giảm thiểu thiên tai lũ bùn đá từ những năm 2000. Những đập này ngày nay được cho là không còn phát huy hiệu quả tốt bởi vì các khe hẹp có thể làm dâng cao cột nước. Các khe này không ngăn chặn hoàn toàn dòng bùn đá mà chỉ ngăn chặn dòng bùn đá vận tốc nhỏ ở phạm vi đáy vì vậy trầm tích bùn đá có thể bị cuốn trôi.
Loại đập chắn bùn đá dạng kín, bán hở, lưới cáp đã được sử dụng hiệu quả trong phòng chống và giảm thiểu thiên tai lũ bùn đá trên thế giới nhiều năm qua. Ưu điểm của loại đập này là có thể giữ lại hoàn toàn lượng bùn đá dự kiến trôi qua vị trí thiết kế công trình và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cơ sở hạ tầng phía hạ du.
Đập cũng linh hoạt trong phạm vi bố trí, có thể bố trí ở vùng phát sinh lũ để phòng ngừa, vùng vận chuyển lũ để giảm thiểu vận tốc dòng lũ… Tuy nhiên, loại đập này cần nhiều công để bóc bỏ và vận chuyển lượng trầm tích bồi lắng trước đập sau lũ vì lượng trầm tích thu giữ thường lớn hơn các dạng đập hở, đập phá dòng hay đập thu đáy.
Một giải pháp công trình đơn lẻ không thể phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai lũ bùn đá một cách hiệu quả cho một khu vực bị lũ bùn đá mà phải là tổng hợp các công trình có sự liên kết với nhau. Suối lũ bùn đá phân chia thành ba khu vực: Khu sinh lũ, khu dịch chuyển lũ và khu tích tụ. Lũ ở mỗi khu vực có đặc trưng riêng nên phải sử dụng các giải pháp công trình phòng chống khác nhau.
Lựa chọn các giải pháp công trình ngoài việc căn cứ vào đặc trưng bản thân dòng lũ, còn căn cứ vào mật độ dân cư, cơ sở hạ tầng, mức độ quan trọng của khu vực cần bảo vệ. Các giải pháp công trình nên được áp dụng theo hướng tổng hợp, bổ trợ lẫn nhau, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường.