Nghiên cứu khoa học kỹ thuật: Ý tưởng khởi nguồn từ thực tiễn

GD&TĐ - Khởi nguồn từ thực tiễn, nhiều ý tưởng trong dự án nghiên cứu KHKT của học sinh đặt ra hướng tiếp cận, giải quyết thiết thực và đầy sáng tạo.

Nhóm học sinh Trường THPT Chu Văn An giới thiệu sản phẩm của dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Nhóm học sinh Trường THPT Chu Văn An giới thiệu sản phẩm của dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Giải quyết vấn đề thực tiễn

Những năm học vừa qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học. Với sự khích lệ và hướng dẫn của thầy cô giáo, nhiều em đã mạnh dạn, sáng tạo và có dự án nghiên cứu được đánh giá cao.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thái Nguyên năm học 2024 - 2025 thu hút 217 dự án tham gia vòng sơ khảo, trong đó 163 dự án được lựa chọn tham gia vòng trưng bày. Đây là sân chơi khoa học bổ ích và trí tuệ, giúp các em thêm yêu khoa học thông qua việc áp dụng, đưa kiến thức được học vào thực tiễn với những ý tưởng khoa học mới mẻ.

Thầy Nguyễn Văn Hiếu - Trường THPT Chu Văn An (TP Thái Nguyên) từng hướng dẫn nhiều dự án đạt kết quả cao cấp tỉnh và cấp quốc gia nhấn mạnh: “Tôi thường khuyến khích các em hướng đến những nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn, vừa có khả năng triển khai tốt vừa có hiệu quả cao”.

Cơn bão số 3 năm 2024 khiến Thái Nguyên và nhiều địa phương khác thiệt hại nặng nề, vì vậy, nhóm học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên) đã nghiên cứu “Xây dựng hệ thống thông minh quản lý, điều phối và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ trong phòng chống thiên tai”. Dự án nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo và các chuyên gia bởi tính thực tiễn của nó.

Tương tự, nhờ tìm tòi các vấn đề trong thực tế, nhiều dự án ý nghĩa được các em nghiên cứu: Thiết kế chế tạo rào chắn tự động khi có nước lũ qua cầu tràn; Thiết kế chế tạo robot mini tìm kiếm cứu hộ (nhóm HS Trường THPT Chu Văn An); Điều chỉnh hành vi lạm dụng ChatGPT của học sinh trong giáo dục 4.0 (nhóm HS Trường THPT Định Hóa huyện Định Hóa)…

Cùng đó, việc nhiều dự án ứng dụng thuật toán, trí tuệ nhân tạo (AI) vào nghiên cứu, triển khai cũng cho thấy việc dạy học trong các nhà trường hiện nay đang bám sát xu thế phát triển của khoa học sông nghệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của Chương trình GDPT 2018.

“Tìm kiếm cứu hộ đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Điều em tâm đắc nhất khi nghiên cứu đề tài này là hiểu được nguyên lý hoạt động của của robot. Ngoài ra, em còn biết thêm nhiều những kiến thức về vật lý cơ khí. Hy vọng đây sẽ là tiền đề để em sẽ nghiên cứu phát triển thêm robot có nhiều tính năng, thao tác hơn”, em Nguyễn Gia Khôi - học sinh lớp 12A2, Trường THPT Chu Văn An hào hứng chia sẻ.

nghien-cuu-khoa-hoc-ky-thuat-1.jpg
Nhóm HS Trường THPT Lương Ngọc Quyến thực nghiệm trong quá trình nghiên cứu.

Cơ hội để trưởng thành

Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, nhiều dự án cho thấy quá trình nghiên cứu, tìm tòi đầy trách nhiệm, tâm huyết và niềm đam mê khoa học của cả học sinh và giáo viên ở các trường. Điều này cho thấy cuộc thi thực sự khơi dậy hứng thú của học sinh và giáo viên trên con đường nghiên cứu khoa học.

Thầy Nguyễn Trọng Tấn - Trường THPT Lương Ngọc Quyến chia sẻ: Hướng dẫn học sinh nghiên cứu là thử thách nhưng cũng là niềm vui. Quá trình thực hiện dự án là điều kiện cho thầy và trò được tham vấn, thực hành, thí nghiệm. Điều thấy rõ là học sinh được rèn luyện rất tốt về phương pháp làm việc khoa học, kỹ năng và bản lĩnh qua việc báo cáo, thuyết trình, bảo vệ.

Cũng cảm nhận về những kết quả tích cực mà nghiên cứu khoa học kỹ thuật mang lại, cô Vũ Thúy Hà - Trường THPT Lương Ngọc Quyến trao đổi: “Tôi thấy học trò trưởng thành lên rất nhiều qua quá trình nghiên cứu, tham gia những vòng thi. Các em vận dụng được kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề cũng tốt lên. Không chỉ vậy, giáo viên cũng có cơ hội để mở rộng, đào sâu nâng cao trình độ”.

Được nhà trường và các thầy cô giáo khích lệ, nhóm học sinh Trường THPT Định Hóa đã nghiên cứu về việc sử dụng, điều chỉnh hành vi để tránh lạm dụng ChatGPT trong quá trình học tập.

Hiện ChatGPT được nhiều học sinh tìm hiểu, sử dụng vì có nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, mở rộng kiến thức và thông tin, xoá bỏ rào cản ngôn ngữ, cá nhân hóa lộ trình học tập, nâng cao các kỹ năng mềm trong học tập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ChatGPT cũng có nhiều nguy cơ như làm giảm tư duy phản biện và sáng tạo, hạn chế khả năng tương tác giữa con người với con người, phụ thuộc và lạm dụng công nghệ, vi phạm quyền tác giả…

“Qua áp dụng thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều học sinh đã có nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về cách sử dụng ChatGPT. Các em tự điều chỉnh chính mình, cùng nhắc nhở nhau sử dụng ChatGPT để hỗ trợ chứ không làm dụng để dẫn đến những nguy cơ có hại”, cô Thân Thị Minh Trang - Trường THPT Định Hóa vui mừng chia sẻ khi nhận thấy những kết quả tích cực từ học trò.

Để hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật tiếp tục đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT Thái Nguyên chỉ đạo các nhà trường phát huy thế mạnh và kết quả đã đạt, tích cực, chủ động phối hợp với trường đại học và cao đẳng, trung tâm nghiên cứu,… để triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp với điều kiện thực tiễn; có chiến lược, quan tâm sâu sát từ xây dựng kế hoạch, đầu tư nguồn lực, chọn cử cán bộ, giáo viên, lựa chọn và phát triển các ý tưởng của học sinh, hướng dẫn viết đề tài và báo cáo khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân mua hàng tại phiên chợ Xanh tử tế được tổ chức cuối tuần ở TPHCM. Ảnh: Quốc Hải.

TPHCM rộn ràng thị trường Tết

GD&TĐ - Những ngày này, dọc nhiều tuyến đường ở TPHCM, không khí Tết đã bắt đầu rộn ràng với sự xuất hiện của các loại hoa kiểng...

Minh họa/INT

Bài toán năng lượng của EU

GD&TĐ - Vừa qua, Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo chỉ chuyển 37,2 triệu m3 khí đốt tới châu Âu qua ngả Ukraine trong ngày 31/12/2024.