Ngày lễ tình nhân (Valentine) 14/2 hàng năm là một ngày ngập tràn những bông hoa, chocolate, những tấm thiệp "sến sủa" và những bữa tối lãng mạn. Tuy nhiên có một bộ phận không nhỏ những người "ghét" ngày Valentine.
Khảo sát năm 2017 cho thấy gần 50% số người Mỹ cho rằng ngày Valentine đã bị làm quá chỉ để các doanh nghiệp bán hàng. Dẫu vậy, vẫn có 43% số người Mỹ cho rằng ngày này khá lãng mạn và đáng để kỷ niệm.
Theo các nghiên cứu khoa học, không phải tự nhiên mà nhiều người ghét ngày lễ tình nhân. Ngoài nguyên nhân độc thân nên ghen ghét các cặp đôi thì những minh chứng khoa học cho thấy con người có thể lâm vào 3 tình huống sau để ghét Valentine.
1. Kẻ nổi loạn
Trong lý thuyết marketing có một thuật ngữ gọi là "thuyết nổi loạn". Theo đó, nếu khách hàng cảm thấy họ bị buộc phải tuân theo một hành vi nhất định đã được vạch sẵn thì họ sẽ có xu hướng chống lại.
Báo cáo khoa học công bố trên Journal of Business Research năm 2008 cho thấy ngày lễ tình nhân đang lâm vào tình trạng tương tự khi ngày càng nhiều người có cảm giác bị áp đặt thay vì tự do thể hiện cảm xúc.
Trên thực tế Valentine không phải là một ngày lễ chính thống lớn theo bất kỳ tôn giáo nào mà đơn thuần chỉ là ngày làm gia tăng doanh số cho các doanh nghiệp, một trong những cách mà các công ty sử dụng để can thiệp vào đời sống riêng tư của khách hàng để thu lời.
Theo một cuộc nghiên cứu được tiến hành từ năm 2000 đến 2006, rất nhiều người dù hào hứng khi nhận được quà từ người yêu trong ngày Valentine nhưng vẫn có cảm giác gượng gạo nào đó. Cảm giác món quà có thể chỉ do nghĩa vụ này khiến ý nghĩa thực sự của tình yêu thương bị xói mòn.
Để tránh cảm giác này, rất nhiều cặp đôi đã quyết định giới hạn số tiền phải chi cho ngày lễ Valentine nhằm tránh cảm xúc gượng gạo. Dẫu vậy nghiên cứu cho thấy khoảng 88% nam giới và 75% nữ giới tại Mỹ vẫn mua những món quà tặng nửa kia trong ngày Valentine và chắc chắn cảm xúc gượng gạo này sẽ không thể biến mất hoàn toàn.
Valentine được đánh giá là gây ảnh hưởng nhiều nhất đến những cặp đôi mới yêu hay người độc thân. Nghiên cứu cho thấy có đến 81% đàn ông và 50% nữ giới của các cặp đôi mới yêu cảm thấy họ có nghĩa vụ phải tặng quà.
Trong khi đó, những người độc thân lại có xu hướng chi tiêu nhiều hơn trong ngày này để quên đi nỗi cô đơn, ví dụ như đi ăn uống cùng bạn bè hay tự mua quà cho bản thân.
Thực tế thì Valentine không phải ngày duy nhất mà mọi người cảm thấy áp lực phải tặng quà. Báo cáo năm 2013 của Viện Pew cũng cho thấy rất nhiều người Mỹ đã quá ngán ngẩm với Giáng Sinh do phải chi tiêu quá nhiều.
Khoảng 33% số người được hỏi họ ghét việc chú trọng quá nhiều vào vật chất ngày Giáng Sinh thay vì giá trị tình cảm, trong khi 22% cho biết họ ghét phải chi tiêu nhiều ngày này, còn 10% thì nói họ ghét phải xếp hàng đến nghẹt thở và tranh giành nhau trong các cửa hàng đông đúc.
2. Mối quan hệ rạn nứt
Năm 2014, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về các mối quan hệ cũng như phản ứng của họ. Theo đó, những người không thoải mái với nửa kia hoặc có ý định "tạm ngừng" mối liên hệ này thường dị ứng với ngày Valentine.
Theo các nhà nghiên cứu, khi mối quan hệ tốt đẹp, việc có hay không Valentine không ảnh hưởng mấy đến cặp đôi. Tuy nhiên nếu có dấu hiệu rạn nứt hoặc một bên không thoải mái, những ngày lễ như Valentine sẽ chỉ làm cho họ mệt mỏi hơn và cảm thấy gượng gạo.
Đây là lý do mà việc không chuẩn bị quà chu đáo cho ngày lễ Valentine có thể là do cặp đôi đã quá hiểu nhau và sống hạnh phúc, hoặc cũng có thể là do họ đã "phát ngấy" vì nhau.
3. Valentine chứ không phải tận thế
Một nghiên cứu năm 2010 đã được thực hiện khi nhiều người được hỏi cảm xúc của họ về ngày Valentine vào giữa tháng 1 và vào ngày 16/2, tức trước và sau ngày lễ tình nhân. Hầu hết câu trả lời của họ đều cho thấy sự kỳ vọng thái quá vào ngày này. Suy cho cùng, Valentine cũng chỉ là một ngày 14/2 thông thường được làm quá lên để các doanh nghiệp, nhà hàng kinh doanh.
Trước khi Valentine diễn ra, những cặp đôi háo hức và kỳ vọng một ngày lễ tình nhân hạnh phúc còn những người độc thân lại cho rằng họ sẽ trải qua một ngày tồi tệ. Tuy nhiên khảo sát sau ngày Valentine cho thấy phần lớn mọi người đều cảm thấy bình thường trong ngày này.
Những cặp đôi vẫn yêu thương nhau như bao ngày hẹn hò cuối tuần, hoặc các dịp đặc biệt khác trong khi những kẻ cô đơn cũng chả thấy tệ hại quá khi vẫn sống bình thường như mọi ngày.
Các nhà khoa học cho rằng việc hạnh phúc hay tồi tệ trong ngày Valentine phụ thuộc rất nhiều vào tính cách con người. Những người hướng ngoại sẽ kỳ vọng một ngày lễ tình nhân tưng bừng nếu có cặp đôi, hoặc họ sẽ cảm thấy tệ hại do chẳng có ai đi chơi cùng trong ngày này. Trong khi đó những người hướng nội lại chẳng muốn tổ chức linh đình ngày Valentine, hoặc cảm thấy bình thường nếu họ vẫn cô đơn trong ngày này.
Cho dù tính cách là hướng nội hay ngoại, thì phần lớn mọi người vẫn đánh giá quá cao ngày lễ này. Xét cho cùng chúng không phải ngày lễ chính cho gia đình và người thân mà chỉ là một ngày để mọi người dễ kiếm người yêu hơn mà thôi.
Lời khuyên của các nhà khoa học là nếu bạn thấy những bông hồng, chocolate, các quảng cáo mùi mẫn hay những cặp đôi hạnh phúc thì đừng buồn. Hãy hít một hơi thật sâu vì đây cũng chỉ là 1 ngày bình thường và chúng sẽ trôi qua nhanh thôi.