Nghiên cứu chế phẩm trị ho từ cây bách bộ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cao chiết bách bộ có tác dụng long đờm, giảm ho tốt trên chuột thí nghiệm sẽ là cơ sở để phát triển thành sản phẩm trị ho lành tính, giá thành rẻ...

Bách bộ là loài dược liệu rất tiềm năng để điều chế ra các sản phẩm trị ho từ thảo dược.
Bách bộ là loài dược liệu rất tiềm năng để điều chế ra các sản phẩm trị ho từ thảo dược.

Hoạt tính trị ho

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học - Công nghệ Dược Sài Gòn đã nghiên cứu bào chế cây bách bộ tại Đắk Lắk trong việc sản xuất các sản phẩm trị ho. PGS.TS Trần Cát Đông, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, cây bách bộ còn được gọi với nhiều tên khác như là đẹt ác, dây ba mươi, bà phụ thảo, thường mọc ở các khu vực đất có nhiều mùn, độ ẩm cao, ưa bóng mát.

Cây mọc hoang nhiều ở vùng rừng núi như Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, vùng Nam Bộ và Tây Nguyên. Theo Đông y, bách bộ có tính ấm, thường được sử dụng làm thuốc bổ phổi, ôn phế, sát trùng và chữa ho.

Bách bộ là cây thuốc quý nhưng ít người biết đến vì nhầm lẫn với những cây dại ven đường. Bách bộ có dạng dây leo thân nhỏ nhẵn, lá mọc đối nhau có khi thuôn dài thân, gân phụ của lá nổi rõ trên mặt lá từ 10 - 12 nhánh chạy dọc từ cuống lá đến ngọn lá, cụm hoa mọc ở kẽ lá có cuống dài từ 2 - 4cm, gồm có 1 - 2 hoa to màu đỏ hoặc màu vàng.

Bao hoa gồm có 4 phận và 4 nhụy giống nhau chỉ nhị ngắn. Bầu hình nóng và quả bách bộ nặng có 4 hạt. Bách bộ ra hoa vào mùa Hè. Rễ chùm gần tới 30 củ nên thường được gọi là dây ba mươi.

Rễ củ cây bách bộ có chứa nhiều alcaloid, bao gồm các thành phần chính như isotuberostemonin, stemonin, stemin, tuberostemonin, protid 9,0%, lipid 0,83%, glucid 2,3% và các axit hữu cơ như citric, malic, formic và suecunic… Trong đó, các nghiên cứu đã chứng minh tuberostemonin là thành phần chính đem lại tác dụng chống ho.

Theo nhóm nghiên cứu, ở Đắk Lắk, nguồn giống bách bộ M’Drắk có củ to, mỗi gốc sau 2 năm trồng có thể thu được 0,5 kg bách bộ khô và hàm lượng tuberostemonin đạt 0,5%.

Tuy nhiên, tác dụng dược lý của cao chiết từ rễ bách bộ trồng tại Đắk Lắk chưa được nghiên cứu. Do đó, các nhà khoa học Trung tâm Khoa học - Công nghệ Dược Sài Gòn đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu trồng và sản xuất chế phẩm trị ho từ cây bách bộ tại Đắk Lắk”.

Nhóm nghiên cứu đã điều tra sơ bộ phân bố, trữ lượng cây dược liệu bách bộ tự nhiên trên địa bàn tỉnh, và xác định vùng trồng thích hợp. Theo đó, trữ lượng khoảng 60 - 80 tấn/năm, trong đó hai huyện có trữ lượng lớn nhất là Ea Súp và M’Drắk.

Thử nghiệm trồng dược liệu bách bộ, cần trồng với khoảng cách giữa các cây là 30x40cm, giống thích hợp từ M’Drắk cho năng suất thu hoạch cao nhất sau hai năm trồng.

Củ bách bộ sau thu hoạch đem rửa sạch, tiền xử lý trong nước sôi 10 phút và sấy ở nhiệt độ 60 độ C trong 36 giờ. Sau đó, củ được chiết xuất cùng ethanol 50%, tỉ lệ dung môi là 1:8, với nhiệt độ chiết là 90 độ C trong 4 giờ (quy mô 10 kg bách bộ khô, tương ứng 100 kg bách bộ tươi), thu được cao bách bộ.

Hiệu quả giảm ho, long đờm

Theo PGS.TS Trần Cát Đông, nhóm đã thử tác dụng dược lý và độ an toàn của cao bách bộ trên chuột thí nghiệm. Sau khi cho chuột uống thể tích 50ml/kg thể trọng chuột, tương ứng 25g/kg thể trọng chuột, chuột giảm hoạt động, di chuyển chậm chạp hơn. Sau khoảng 90 phút, tất cả chuột di chuyển bình thường, ăn cám, uống nước, tiêu tiểu, cử động bình thường, không có dấu hiệu bất thường nào.

Sau 24 giờ có một chuột có hiện tượng tiêu chảy nhẹ (phân ướt), nhưng triệu chứng mất sau 48 giờ. Trong thời gian 72 giờ không có chuột tử vong. Tiếp tục theo dõi chuột trong 14 ngày ở điều kiện chăm sóc bình thường, kết quả cho thấy không có thêm chuột nào tử vong; chuột sống không có bất thường về hành vi, trạng thái lông, ăn uống, tiêu tiểu.

Kết quả tác dụng của cao chiết bách bộ lên số cơn ho trong ho thực nghiệm ở chuột cho thấy, cao chiết bách bộ ở cả 2 liều sử dụng làm giảm số cơn ho trên chuột nhắt trắng gây ra bởi amoniac. Trong đó, cao chiết bách bộ liều 1,2g/kg thể trọng chuột và 2,4g/kg thể trọng chuột có xu hướng làm giảm số cơn ho so với lô chứng, mức giảm tương ứng 33,10 và 25,90 cơn ho.

Liều này không gây chết và làm ảnh hưởng đến công thức máu cũng như các thông số về chức năng gan, thận của chuột. Cao chiết bách bộ ở liều 1,2g/kg thể trọng, ngày 2 lần có tác dụng long đờm tương đương với N-acetyl cystein liều 5,3 mg/kg thể trọng.

Như vậy, cao chiết bách bộ không gây độc cấp tính ở liều 25g/kg thể trọng và có tác dụng long đờm, giảm ho tốt trên mô hình chuột thí nghiệm ở liều 2,4g/kg thể trọng/ngày.

Những tác dụng này là do hoạt chất tuberostemonin làm giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp của động vật, ức chế phản xạ ho, do đó có tác dụng trị ho. Theo sách Tài nguyên Cây thuốc Việt Nam, bách bộ đã được thí nghiệm chữa lao hạch có kết quả tốt.

Nó còn có tác dụng diệt vi khuẩn ở ruột già và kháng vi khuẩn của bệnh lỵ, phó thương hàn. Nước sắc rễ bách bộ có tác dụng làm liệt giun (liệt mềm) sau thời gian từ 820 giờ. Giun đã bị liệt do tác dụng của thuốc không hồi phục lại sau khi được rửa sạch thuốc.

Hoạt chất không ảnh hưởng đến hoạt động co bóp tim, huyết áp, hoạt động co bóp của ruột và tử cung và không gây độc đối với súc vật thí nghiệm. Có thể sử dụng cả rễ, lá và thân cây bách bộ làm thuốc trị ho và trị giun.

Nhóm tác giả cũng đã nghiên cứu quy trình bào chế sirô trị ho từ dược liệu bách bộ gồm cao bách bộ, cam thảo và cát cánh và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sirô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ