Chế phẩm kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa chỉ trong 12 ngày

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chế phẩm thực khuẩn có thể kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa chỉ trong 12 ngày, giúp hạn chế sử dụng thuốc hóa học và nâng cao chất lượng lúa gạo.

Bệnh cháy bìa lá lúa làm giảm năng suất chất lượng của lúa gạo.
Bệnh cháy bìa lá lúa làm giảm năng suất chất lượng của lúa gạo.

Sử dụng vi khuẩn ức chế vi khuẩn

“Nghiên cứu chế phẩm thực khuẩn thể để kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae” là đề tài nghiên cứu do PGS.TS Hoàng Anh Hoàng và cộng sự, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện. Đề tài vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM nghiệm thu.

Theo PGS.TS Hoàng Anh Hoàng, bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae (Xoo) là một bệnh hại nghiêm trọng, có thể gây giảm năng suất lúa từ 40 - 70%, nhất là trên các giống lúa cao sản.

Trong khi đó, giải pháp sử dụng các vi khuẩn và vi nấm có khả năng đối kháng với Xoo nhằm kiểm soát sinh học chưa cho thấy hiệu quả về lâu dài, cần phải sử dụng biện pháp khác.

Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã phân lập và tạo bộ sưu tập vi khuẩn Xoo từ mẫu được lấy ở TPHCM và các tỉnh lân cận cùng với độc lực của chúng. Kết quả xác định được 3 chủng vi khuẩn có chỉ số bệnh cao nhất trong tổng số 12 chủng phân lập được. Sau đó, tiến hành phân lập thực khuẩn thể.

Thực khuẩn thể sử dụng trong liệu pháp thực khuẩn thể bắt buộc phải là thực khuẩn thể sinh tan (lytic phage), không sử dụng thực khuẩn thể ôn hòa (temperate phage).

Thực khuẩn thể sinh tan đảm bảo việc ly giải (tiêu diệt) ổn định vi khuẩn đích gây bệnh. Để đảm bảo điều này, toàn bộ genome của thực khuẩn thể phải được giải trình tự và phân tích.

Dựa trên các kết quả khảo sát môi trường, nhiệt độ, thời điểm bổ sung phage và thời gian lên men, nhóm thực hiện đã tạo chế phẩm thực khuẩn thể. Thử nghiệm chế phẩm thực khuẩn thể trong nhà lưới, ở thời điểm 12 ngày sau khi lây nhiễm bệnh bạc lá vết bệnh lan rộng kéo dài hầu hết lá và chuyển màu trắng (vết bệnh cấp 9).

Cách tạo vết thương bằng phương pháp cơ giới cho thấy vết bệnh phát triển nhanh, khi vết bệnh có biểu hiện ra ngoài việc phòng trừ bệnh bằng thực khuẩn thể và thuốc kiểm chứng không cho thấy hiệu quả tốt. Không có hiện tượng lây bệnh thứ cấp ở các lá ra sau khi chủng bệnh.

Kiểm soát bệnh cháy bìa lá lúa

Nhóm nghiên cứu cho biết, khảo nghiệm chế phẩm thực khuẩn thể ngoài đồng ruộng, việc sử dụng thực khuẩn thể ở nồng độ 108 (36,04 - 36,51%) được đánh giá có hiệu quả để phòng trừ bệnh bạc lá.

Giữa biện pháp phun phòng và phun trị bệnh bạc lá không cho thấy sự khác biệt. Tuy thời gian đầu hiệu lực phòng trừ bệnh không cao như thuốc kiểm chứng (Starner 20WP), nhưng 12 ngày sau gây bệnh, chế phẩm thực khuẩn thể đạt hiệu quả tăng tương đương, hứa hẹn góp phần kiểm soát tốt hơn bệnh cháy bìa lá lúa.

Ưu thế của chế phẩm thực khuẩn thể là hoàn toàn thân thiện với môi trường và sinh thái, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, thực vật và hệ vi sinh vật xung quanh.

PGS.TS Hoàng Anh Hoàng, bệnh cháy bìa lá lúa là bệnh do vi khuẩn có xu hướng phát triển mạnh, nhất là trong điều kiện ẩm độ cao, mưa và gió nhiều.

Đặc biệt trong những năm gần đây, khi hiện tượng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhiệt độ tăng, mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho bệnh phát sinh thêm.

Trên lúa vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt (do vi khuẩn), bệnh lây lan rất nhanh, mau kháng thuốc, khi phát bệnh khó cứu chữa làm ảnh hưởng 70 - 80% năng suất lúa và chất lượng gạo thương phẩm.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã chứng minh rằng thực khuẩn thể cần phải được áp dụng ở nồng độ cao để kiểm soát bệnh hiệu quả thực khuẩn thể là một thuốc trừ khuẩn sinh học (biobacteriocide), việc kết hợp nó với các biện pháp kiểm soát khác có thể gia tăng đáng kể hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh.

Ứng dụng kết hợp thực khuẩn thể với các tác nhân kiểm soát sinh học khác như vi khuẩn đối kháng, hay bổ sung vi khuẩn kí chủ không có đặc tính gây bệnh cho các thể thực khuẩn nhằm tạo nguồn thực phẩm cho nhân mật số đủ mạnh để có thể hạn chế hiệu quả vi khuẩn gây bệnh khi chúng xuất hiện và xâm nhiễm.

Ngoài ra việc phòng ngừa bệnh được thực hiện bằng canh tác đúng thời vụ, tránh sạ trễ, không để khi lúa làm đòng trổ bông trùng với lúc mưa nhiều. Sạ thưa với mật độ vừa phải. Sử dụng những giống lúa có khả năng chống chịu với bệnh này.

Bón phân cân đối giữa các loại phân đạm, lân và kali, không nên bón thừa đạm làm cây lúa yếu dễ nhiễm bệnh và đổ ngã. Chú ý bón đủ phân kali cho cây lúa cứng cáp. Khi có triệu chứng bệnh phát triển thì ngưng ngay việc bón đạm và các loại phân qua lá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.